3 tháng 2 vụ bê bối, Thế Giới Di Động vẫn lãi lớn, chia cổ tức cực "khủng"
(Dân trí) - Mặc dù dính hai vụ khủng hoảng truyền thông liên quan đến ứng xử với khách hàng và đối tác trong đại dịch Covid-19, Thế Giới Di Động vẫn có lãi lớn và chia cổ tức tới 60%.
Cổ phiếu MWG hồi phục, doanh nghiệp chia cổ tức "khủng"
Hòa cùng đà tăng chung, MWG của Thế Giới Di Động hôm nay tăng 0,48% lên 126.800 đồng/cổ phiếu - cũng là mức giá cao nhất phiên của mã này. Tính chung trong vòng một tháng, MWG đã tăng hơn 15%.
Cổ phiếu MWG vẫn tăng giá bất chấp Thế Giới Di Động liên tục dính vào 2 vụ bê bối, khủng hoảng truyền thông: lần thứ nhất là bị "tố" tăng giá bán giữa đại dịch và lần gần đây là tự ý đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng.
Vụ bê bối liên quan đến giá bán (đầu ra) diễn ra vào đầu tháng 7. Theo đó, tại thời điểm này, chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động bị khách hàng phản ánh tăng giá bán giữa bối cảnh dịch giã hoành hành. Sau đó, Thế Giới Di Động đã có văn bản giải thích, trong đó khẳng định Bách hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do phải bù đắp chi phí vận chuyển tăng cao, chi phí nhân công tăng do phải tăng ca liên tục, chi phí xét nghiệm, hàng hóa tăng giá từ phía nhà cung cấp...
Mặc dù vậy, một số cửa hàng Bách Hóa Xanh vẫn bị xử phạt vì hành vi bán hàng không niêm yết giá hay tính giá nhầm… Trong buổi làm việc với tổ công tác của Bộ Công Thương, lãnh đạo Thế Giới Di Động khẳng định sẽ hoàn trả mọi chênh lệch thiệt hại, đền bù thêm 100.000 đồng/lần mua hàng.
Vụ Bách Hóa Xanh vừa lắng xuống chưa lâu thì mới đây, Thế Giới Di Động lại dính ồn ào liên quan tới thông tin gửi công văn cho đối tác thông báo không đóng tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa vì dịch bệnh.
Cụ thể, trong công văn gửi tới đối tác mặt bằng, Thế Giới Di Động nêu rõ: "Không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước; không tính tiền thuê 70% và thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch.
Thời gian áp dụng từ 1/1 đến 1/8. Công văn đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng".
Cách hành xử của "ông lớn" bán lẻ đã khiến dư luận dậy sóng, cho rằng phía Thế Giới Di Động có thái độ "bá đạo", không tuân thủ hợp đồng và không tôn trọng đối tác.
Mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 tuy nhiên, kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động vẫn rất khả quan. Tập đoàn này đạt doanh thu thuần hợp nhất đạt 78.495 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.006 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 12% so với cùng kỳ.
Mới đây, Thế Giới Di Động cũng đã chi khoảng 475 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10% cho cổ đông. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận giữ lại theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.
Tập đoàn này cũng phát hành gần 238 triệu cổ phiếu trả cổ tức từ lợi nhuận giữ lại năm 2020. Tỷ lệ phát hành 2:1, tương ứng cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được nhận về 1 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá gần 2.380 tỷ đồng.
Tính chung, cổ đông Thế Giới Di Động được nhận cổ tức bằng tiền và bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ lên đến 60%.
VN-Index vượt 1.350 điểm
Thị trường từ tốn đi lên trong hoài nghi của cộng đồng nhà đầu tư phiên 5/10. VN-Index đóng cửa cao nhất phiên, đạt 1.354,63 điểm ghi nhận mức tăng 15,09 điểm tương ứng 1,13%. Trong khi đó, VN30-Index cũng tăng 12,6 điểm tương ứng 0,87% lên 1.456,21 điểm.
Như vậy, có thể coi đây là một phiên quan trọng trong việc xác lập xu hướng tăng điểm của thị trường thời gian tới, bởi VN-Index đã vượt được ngưỡng kháng cự "cứng" 1.350 điểm thành công còn VN30-Index cũng vượt 1.450 điểm.
HNX-Index tăng 5,6 điểm tương ứng 1,55% lên 366,5 điểm; UPCoM-Index tăng 0,72 điểm tương ứng 0,75% lên 96,9 điểm.
Ở phiên này thị trường nhận được sự đồng thuận lớn với 556 mã tăng, 46 mã tăng trần. Phần lớn cổ phiếu VN30 tăng giá: STB tăng 6%; SAB tăng 3,5%; VHM tăng 1,8%. Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng "đồng khởi" tăng giá tích cực: VIB tăng 3,6%; BAB tăng 2,8%; CTG tăng 2,8%; BVB tăng 2,5%; SHB tăng 2,5%; LPB tăng 2,2%. TCB, VCB và BID cũng đóng cửa trong sắc xanh.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành chứng khoán cũng tăng ồ ạt, nhiều mã "bung nóc". MBS tăng 7,6%; BSI, CTS, VCI đồng loạt tăng trần; SHS tăng 6,7%; VDS tăng 6,7%; AGR tăng 6,6%; SBS tăng 5,8%; BVS tăng 5,4%...
Một số mã lớn bị chốt lời song mức giảm không đáng kể như FPT, HPG, VPB, MSN, VJC, PDR, PNJ.
Cổ phiếu dầu khí đầu phiên sáng bị chốt lời mạnh, tuy nhiên đến cuối phiên chiều đã lấy lại được sắc xanh. Riêng GAS tăng 4,8% lên 109.000 đồng đã đóng góp cho VN-Index tới 2,55 điểm và cũng là mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số.