1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

3 ngày giao dịch “cuốn phăng” 1,3 tỷ USD khỏi TTCK

(Dân trí) - Bầu Đức là người bị thiệt hại nặng nề nhất trong 3 phiên giao dịch từ 10-12/4 khi khối tài sản "bốc hơi" gần 600 tỷ đồng, chiếm phân nửa thiệt hại của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tính chung toàn thị trường mất gần 29.000 tỷ đồng.

10 người giàu nhất mất hơn 1.200 tỷ đồng.

10 người giàu nhất mất hơn 1.200 tỷ đồng.

Trong 3 ngày giao dịch cuối tuần trước 10/4, 11/4 và 12/4/2013, thị trường diễn biến kịch tính với 2 phiên giảm và 1 phiên tăng xen kẽ nhau, biên độ tăng/giảm đều rất rộng.

Nếu như phiên 10/4, VN-Index bất ngờ đánh mất 13,99 điểm, trong phút chốc từ 510,49 điểm xuống còn 496,5 điểm thì ngay phiên sau đó, chỉ số này lấy lại được 7,57 điểm. Tuy nhiên, phiên tăng mạnh ngày 11/4 chưa kịp bù đắp đợt sụt giảm của phiên trước thì ngày cuối tuần 12/4, VN-Index lại một lần nữa gây thất vọng lớn khi bị lấy thêm 9,83 điểm.

Điểm đáng chú ý là diễn biến dữ dội của điểm số trên 2 sàn, nhất là ở sàn TPHCM (HSX), thường xảy ra vào 15-20 phút cuối xác định giá đóng cửa. “Thủ phạm” chính do hoạt động xả hàng ồ ạt của nhóm nhà đầu tư nước ngoài.

Bắt đầu xuất hiện bán ròng nhẹ từ phiên 9/4, song chỉ đến ngày 10/4, khối lượng bán ròng của khối ngoại mới thật sự lớn, tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư nội, qua đó, “lấy cắp” của thị trường hàng chục nghìn tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng 4 phiên liên tiếp trên sàn TPHCM (nguồn: VCSC).
Khối ngoại bán ròng 4 phiên liên tiếp trên sàn TPHCM (nguồn: VCSC).

Theo tính toán của Dân trí dựa trên số liệu từ hai Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và HSX, 3 phiên giao dịch 10-12/4/2013, thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” gần 29.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD.

Cụ thể, vốn hóa thị trường tại sàn HSX bị mất 26.236 tỷ đồng, sụt giảm từ mức 830,4 nghìn tỷ tại thời điểm chốt phiên 9/4 xuống còn 804 nghìn tỷ đồng đóng cửa phiên 12/4. Trong khi đó, khối lượng tài sản thất thoát trên sàn HNX là 1.603,32 tỷ đồng, giảm xuống còn 94.241 tỷ đồng vào cuối phiên thứ Sáu.

Thống kê biến động tài sản của 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán cập nhật đến thời điểm hiện nay dựa trên số lượng cổ phiếu nắm giữ, 1.247,2 tỷ đồng đã “không cánh mà bay” khỏi túi các “đại gia” này.

Người bị tác động mạnh nhất trong đợt biến động này là ông bầu bóng đá Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG). Với việc nắm giữ 311,6 triệu cổ phiếu HAG, khi mã này mất tới 1.900 đồng/cp tính theo chênh lệch giá chốt phiên 9/4 và 12/4, người giàu thứ 2 sàn chứng khoán bị “cuỗm” mất 592 tỷ đồng.

Đứng thứ 2 về… thiệt hại là đại gia Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) và Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group). Đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 1.664 tỷ đồng, chỉ trong 3 ngày giao dịch cuối tuần trước, tài sản ông Thắm bị mất 191 tỷ đồng do thị giá OGC rớt 1.400 đồng/cp.

Ngoài ra, do giá cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bị cũng giảm giá 1.400 đồng nên khối tài sản của ông Trần Đình Long (bầu Long) bị hao hụt gần 141,5 tỷ đồng.

Tại Top 10, người có khối lượng tài sản không xê dịch trước những biến động đầy sóng gió 3 phiên vừa qua là ông Trần Phát Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long, người đang nắm giữ hơn 48 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank, giá trị tài sản 1.025 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với giá đóng cửa phiên 9/4, đến hết phiên 12/4, thị giá STB không đổi.

Cũng theo thống kê của Dân trí, chỉ tính riêng 6 cổ phiếu HAG (Hoàng Anh Gia Lai), MSN (Masan), GAS (TCT Khí Việt Nam), BVH (Bảo Việt), VNM (Vinamilk) và VCB (Vietcombank), vốn hóa thị trường nhóm này đã “bốc hơi” 15.800 tỷ đồng.

Với mức giảm 2.500 đồng tại VCB, vốn hóa của Vietcombank giảm mạnh nhất thị trường với 5.793 tỷ đồng. Kế đến là VNM mất 3.334 tỷ đồng, BVH mất 2.382 tỷ đồng, GAS mất 1.896 tỷ đồng, MSN mất 1.374 tỷ đồng và HAG mất 1.021 tỷ đồng.

Mới thoát khỏi “án” buộc tạm ngừng giao dịch, trở lại sàn trong 2 phiên cuối tuần trước, cổ phiếu SJS của Sudico bị bán sàn ồ ạt. Chỉ được giao dịch trong 15 phút cuối mỗi phiên trước khi xác định giá đóng cửa, SJS mất tới 4.300 đồng/cp, thị giá còn 13.100 đồng và vốn hóa “bốc hơi” 426 tỷ đồng.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm