3 ngân hàng phá sản từ đầu năm, Mỹ cân nhắc cải cách

Phương Liên

(Dân trí) - Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đề xuất những giải pháp nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính khi người dân hoang mang và ồ ạt rút tiền.

Tháng trước, First Republic Bank vẫn còn là ngân hàng có giá trị lên đến 230 tỷ USD (khoảng 5,4 triệu tỷ đồng) nay đã trở thành ngân hàng thứ 3 ở Mỹ sụp đổ trong năm 2023. Đây là một trong những ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank.

Tất cả tiền gửi của khách hàng tại 3 ngân hàng trên đều được FDIC bảo vệ bằng bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, có đến 40% lượng tiền gửi không được bảo hiểm bởi chúng vượt quá ngưỡng 250.000 USD (khoảng 5,9 tỷ đồng) mà chính phủ đặt ra.

Trong cuộc họp gần nhất, FDIC dự định sẽ thực hiện các thay đổi đối với bảo hiểm tiền gửi. Cơ quan quản lý đề xuất sẽ nâng mức bảo hiểm tiền gửi, loại bỏ hoàn toàn mức trần hoặc chỉ tăng mức trần bảo hiểm cho các tài khoản doanh nghiệp được sử dụng để thanh toán tiền lương. Một số quốc gia trên thế giới đã từng áp dụng biện pháp này trong ngắn hạn, ví dụ như Ireland trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu.

3 ngân hàng phá sản từ đầu năm, Mỹ cân nhắc cải cách - 1

Nhiều người hoang mang về mức độ an toàn của tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Mỹ (Ảnh: AP).

Năm 2008, giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, Quốc hội Mỹ nâng mức trần từ 100.000 USD lên 250.000 USD, và không thay đổi cho đến hiện tại.

Bảo hiểm tiền gửi được sử dụng để đảm bảo cho người gửi tiền rằng họ sẽ có quyền tiếp cận tiền của mình nếu ngân hàng đổ vỡ, bảo vệ người gửi tiền trước những tổn thất, giảm rủi ro rút tiền của ngân hàng và thúc đẩy ổn định tài chính.

Mức trần này được đánh giá là đủ để bảo vệ đối với phần lớn người dân Mỹ nhưng vẫn có một số tài khoản doanh nghiệp và cá nhân vượt quá mức trần này. Vậy nên họ sẽ ngay lập tức rút tiền gửi nếu như ngân hàng nơi họ gửi tiền gặp vấn đề.

Tuy nhiên, việc tăng hạn mức sẽ đòi hỏi các ngân hàng phải đóng phí bảo hiểm tiền gửi cao hơn. Quỹ này hiện đang có khoảng 130 tỷ USD (khoảng 3 triệu tỷ đồng) và chỉ đủ để thanh toán cho 0,7% tổng lượng tiền gửi ở nước Mỹ.

"Việc nâng mức bảo hiểm tiền gửi có khả năng khiến các ngân hàng sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn. Nhưng tôi hy vọng những quy định và giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý có thể giảm bớt những lo ngại này", Martin Gruenberg, chủ tịch FDIC, chia sẻ.

Theo Yahoo Finance