DMagazine

3 mắt xích trọng yếu khiến vị thế kinh tế Mỹ lung lay

(Dân trí) - Mùa hè đặc biệt "nóng" với nền kinh tế Mỹ đã không xảy ra như dự đoán. Thay vào đó, sang mùa thu và mùa đông, nền kinh tế số một thế giới cũng dường như ảm đạm theo thời tiết. Lý do là gì?

Quãng đường phía trước với nền kinh tế số một thế giới không hề bằng phẳng.

Từ tháng 4 đến tháng 6, tăng trưởng kinh tế của Mỹ tương đối đáng thất vọng, với các số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố. Giai đoạn này, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Con số này có cao hơn đôi chút so với quý I nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo 8,4% của Dow Jones.

Chưa dừng lại ở đó, quý III, nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ tăng trưởng 2%, thấp hơn rất nhiều so với những dự báo trước đó. GDP đã có sự sụt giảm mạnh trong suốt mùa hè khi mà làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát, bên cạnh đó là cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng khiến cho tình trạng thiếu hụt hàng hóa diễn ra nghiêm trọng và giá hàng hóa bị đẩy lên cao.

Triển vọng tăng trưởng trong phần còn lại của năm là tương đối khó đoán. Làn sóng lây nhiễm Covid-19 đang có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng những vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng hàng hóa thì vẫn "trơ trơ" ở đó, như một vật ngáng đường.

Dịch bệnh đang lùi dần nhưng nó đã kịp để lại những hệ quả nghiêm trọng. Sự thiếu hụt lao động, lạm phát tăng cao và những nút thắt chuỗi cung ứng không dễ để gỡ bỏ - tất cả có thể sẽ khiến cho quá trình hồi phục của nền kinh tế Mỹ kéo dài lâu hơn.

Trước khi bộc phát những tín hiệu như trên thì nền kinh tế hàng đầu thế giới có nhiều dấu hiệu tích cực.

Khi bước sang năm mới 2021, hoạt động kinh tế tại Mỹ bùng nổ mạnh mẽ nhờ vào độ phủ rộng rãi của chương trình tiêm chủng vaccine trên quy mô toàn quốc và nền kinh tế nhận được những hỗ trợ cần thiết từ chính phủ, với mục tiêu đưa nền kinh tế số một thế giới sớm quay trở lại quỹ đạo vốn có của mình.

GDP của Mỹ đã tăng 6,4% trong 3 tháng đầu tiên của năm 2021. Đây là mức tăng trưởng quý ấn tượng thứ hai kể từ quý III/2003, chỉ đứng sau quý III của năm ngoái.

Các nhà kinh tế học lúc đó tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng tốc trong quý tiếp theo, khi mà tỷ lệ người dân được tiếp cận với vaccine ngày một cao, và người dân Mỹ sẽ đổ ra đường nhiều hơn khi các hoạt động kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Chi tiêu tiêu dùng cũng gia tăng đáng kể nhờ vào gói hỗ trợ tài chính trị giá 3.000 tỷ USD, được chính phủ Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái.

Những dữ liệu kinh tế bổ sung cũng chỉ ra rằng nước Mỹ đang hồi phục mạnh mẽ sau khi bị kéo tụt lại bởi dịch bệnh Covid-19, cho dù số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp vẫn ở mức cao hơn con số 400.000.

"Mùa hè năm nay sẽ đặc biệt "nóng" với nền kinh tế Mỹ", Lydia Boussour, nhà kinh tế học trưởng phụ trách nền kinh tế số 1 thế giới tại Oxford Economics, từng chia sẻ với AP News.

Boussour dự báo rằng tốc độ tăng trưởng GDP trong quý II năm nay có thể sẽ đạt mốc 12%, và cả năm sẽ đạt 7,5%, đánh dấu năm có tốc độ tăng trưởng năm ấn tượng nhất kể từ năm 1951.

Nhưng đó chỉ là dự đoán, còn thực tế, thì như đã thấy…

Vậy đâu là những mắt xích khiến cho nền kinh tế số một thế giới rơi vào tình cảnh "không dễ dàng"?

KHỦNG HOẢNG CHUỖI CUNG ỨNG

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, sự tắc nghẽn tại các cảng biển và trong các hệ thống sản xuất đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ kể từ khi đại dịch bùng nổ. Người tiêu dùng liên tục nhận được những cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhiều loại hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày. Trên thực tế, nhiều chuyên gia phân tích thị trường tin rằng cuộc khủng hoảng này sẽ thậm chí còn diễn biến xấu hơn trước khi có dấu hiện cải thiện.

Khi mà nền kinh tế Mỹ đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng lại khiến cho nguồn cung nhiều lại hàng hóa, từ đồ dùng gia dụng cho tới đồ điện tử, xe hơi, vốn từng rất sẵn có trên thị trường trở nên khan hiếm hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, giá những mặt hàng này cũng bị đẩy lên một cách nhanh chóng.

3 mắt xích trọng yếu khiến vị thế kinh tế Mỹ lung lay - 1

Tình trạng thiếu hụt hàng hóa đang diễn ra tại Mỹ (Ảnh: Getty Images).

"Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đà hồi phục, nó lại bị ngáng chân bởi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, vốn đang hiện diện khắp mọi nơi", Moody's viết trong một báo cáo của mình.

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho nhiều quốc gia phải áp dụng các chiến lược phòng dịch mạnh tay, và đó chính là nguyên nhân dẫn tới việc hoạt động sản xuất và dịch vụ giảm sút nghiêm trọng. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng chính là hệ quả của những nỗ lực hồi phục của các quốc gia khi tình hình dịch bệnh có phần ổn định trở lại.

"Sự mất cân bằng giữa cung và cầu đã khiến cho bánh xe thương mại không thể hoạt động trơn tru", theo Steve Ricchiuto, nhà kinh tế học thị trường Mỹ tới từ Mizuho Securities, theo ghi nhận của ABC News.

Nhiều chuyên gia chuỗi cung ứng nhận định giải pháp tốt nhất đối với người tiêu dùng ở thời điểm hiện tại là chờ đợi và giảm thiểu nhu cầu mua sắm hàng hóa xuống mức thấp nhất có thể, bằng không, họ chắc chắn sẽ phải trả mức giá cao hơn.

Chính quyền tổng thống Joe Biden đã rất nỗ lực để có thể giải quyết những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng. Gần đây nhất phải kể đến gói đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng cảng biển trị trị giá 17 tỷ USD. Ông cũng yêu cầu cảng Los Angeles, một điểm nóng tắc nghẽn, phải hoạt động 24/7 nhằm giảm áp lực thiếu hụt hàng hóa trước mùa nghỉ lễ.

Nhưng các chuyên gia tin rằng tình trạng này có thể sẽ còn kéo dài.

 THIẾU HỤT LAO ĐỘNG

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong một loạt các lĩnh vực trong nền kinh tế Mỹ đang gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm người lao động. Nền kinh tế Mỹ cần 10 triệu lao động để có thể đáp ứng đủ nhu cầu việc làm trên toàn quốc. Không may thay, chỉ có khoảng 8,4 triệu người dân Mỹ đang tìm kiếm việc làm, khiến cho nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Chưa dừng lại ở đó, nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với phong trào "đại nghỉ việc", khi có tới 4,3 triệu người lao động tự nguyện rời bỏ công việc của mình chỉ tính riêng trong tháng 8 vừa qua.

Nhiều nhà hàng đã phải giới hạn thời gian hoạt động, hoặc thậm chí tạm thời đóng cửa, không phải vì vắng bóng thực khách, mà là vì chủ những cửa hàng đó không thể tìm đủ nhân viên để duy trì hoạt động. Các hãng bay, các công ty vận tải hàng không cũng đang thiếu hụt phi công, tiếp viên, kỹ sư và nhân viên mặt đất. Tỷ lệ hủy chuyến đã tăng lên nhanh chóng. Chỉ riêng American Airlines đã phải hủy hơn 1.700 chuyến bay trong khoảng thời gian từ 29/10 tới 31/10, một phần vì thiếu hụt người lao động. 

3 mắt xích trọng yếu khiến vị thế kinh tế Mỹ lung lay - 2

Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong công tác tuyển dụng người lao động (Ảnh: NYTimes).

Tình trạng thiếu hụt lao động thậm chí còn làm trầm trọng hóa hơn cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng. Quá trình vận chuyển hàng hóa đang bị kéo dài do những hạn chế liên quan tới công suất bốc dỡ, vận tải và kho chứa. Chúng ta chắc hẳn không còn lạ lẫm với những cụm từ như "thiếu hụt lái xe tải", "thiếu hụt công nhân máy nâng"... và đó đang là những gì đang diễn ra tại Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp liên tục phàn nàn rằng họ rất muốn mở rộng sản xuất để có thể đáp ứng được nhu cầu từ phía khách hàng. Tuy nhiên, lao động lại là vấn đề quá lớn cản đường họ tại thời điểm này.

Chi phí lao động tại Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh kỷ lục trong quý III vừa qua, khi các doanh nghiệp buộc trả thêm tiền để giữ chân hoặc thu hút thêm người lao động. Điều này phần nào tạo ra áp lực chi phí đè nặng lên vai các doanh nghiệp hoặc thậm chí là chính người tiêu dùng khi giá cả hàng hóa dịch vụ có xu hướng gia tăng khi cõng thêm hàng loạt các chi phí phát sinh khác.

Chỉ số chi phí lao động, một chỉ số đo lường lương thưởng và trợ cấp, đã tăng 1,3% so với quý trước đó, theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ. Tính tới hiện tại, chỉ số này đã tăng 3,7% so với năm 2020.

Xu hướng tăng lương được ghi nhận tại nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Điều đó cho chúng ta thấy phạm vi ảnh hưởng rộng lớn của tình trạng thiếu hụt nhân lực. Lương chi trả cho các công nhân công ích cũng tăng với tốc độ kỷ lục 1,5% trong quý vừa qua.

Trong khi hàng triệu người dân Mỹ vẫn hiện đứng ngoài thị trường lao động, nhiều doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng. Họ buộc phải nâng lương, tăng thưởng hoặc đưa ra nhiều phúc lợi khác, ví dụ như lịch làm việc linh hoạt, nhằm thu hút người lao động.  Vị thế của người lao động chưa bao giờ lớn đến vậy.

Các cửa hàng đang chật vật với tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng hóa khi các cảng biển tắc nghẽn, và chi phí vận chuyển hàng hóa liên tục tăng cao, giới doanh nghiệp thì phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt người lao động, dẫn đến việc phải trì hoãn hoặc hủy bỏ đơn hàng - tất cả góp phần đẩy giá hàng hóa hiện đang có sẵn trên thị trường. Lạm phát đang trở thành một vấn đề "nóng" mới, được dự báo sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lên đà phục hồi của nền kinh tế.

LẠM PHÁT

Nếu như bạn sinh sống tại Mỹ trong khoảng thời gian 6 tháng trở lại đây, bạn sẽ cảm nhận rõ nền kinh tế số một thế giới đang phải đối mặt với một làn sóng lạm phát chưa từng có tiền lệ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), phương pháp đo lường lạm phát phổ biến nhất, cho thấy giá các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ đã tăng 6,3% trong giai đoạn từ tháng 10/2020 tới tháng 10 năm nay, mức tăng cao nhất trong gần 31 năm qua.

Dữ liệu CPI từ Cục Thống kê lao động cũng cho thấy hầu như mọi khía cạnh của nền kinh tế Mỹ đã phải hứng chịu hệ quả từ lạm phát. Giá sữa tươi đã tăng 17%, giá trứng tăng tới 42% và giá dịch vụ năng lượng cũng đã tăng hơn 11%. 

3 mắt xích trọng yếu khiến vị thế kinh tế Mỹ lung lay - 3

Lạm phát tại Mỹ tăng cao nhất trong gần 31 năm. (Ảnh: New York Posts).

Nhiều người Mỹ không khỏi cảm thấy bất an khi chứng kiến tình trạng giá cả leo thang "chóng mặt" như vậy.

Một cuộc khảo sát thực hiện bởi công ty bảo hiểm Country Financial cho thấy 88% người dân Mỹ tỏ ra tương đối quan ngại về tình hình lạm phát.

Theo kết quả cuộc khảo sát này, phần lớn người tham gia cho biết họ có thể sẽ cắt giảm chi tiêu trong thời gian tới. Trong số 1031 người trên 18 tuổi được hỏi, 48% trong số họ cho biết sẽ hạn chế đi ăn nhà hàng, hơn 30% trong số đó lên kế hoạch tạm thời chưa nâng cấp các thiết bị công nghệ cá nhân, 29% cho biết họ sẽ mua ít quần áo hơn, 20% sẽ hoãn hoặc hủy các chuyến du lịch và 13% sẽ hạn chế lái xe hơn.

Người tiêu dùng thường "đối phó" với tình trạng giá cả tăng cao thông qua việc chuyển sang các loại hàng hóa thay thế, ví dụ, họ sẽ mua thịt bò xay thay vì những lát thịt đắt đỏ. Nhưng với tình trạng thiếu hụt hàng hóa ở thời điểm hiện tại, người tiêu dùng chắc chắn sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn hơn.

Tâm lý người tiêu dùng Mỹ cũng đã sụt giảm mạnh ghi nhận tại thời điểm đầu tháng 11 khi tâm lý quan ngại về tình trạng lạm phát ngày một tăng lên, và tình hình tài chính của người dân cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của đại học Michigan (MCSI) trong tháng 11 đã tụt từ mốc 71.7 xuống còn 66.8. Chỉ số này đã đi ngược lại tất cả các dự báo từ giới chuyên môn, theo một khảo sát của Bloomberg, khi họ đều cho rằng nó sẽ tăng lên mốc 72.5.

Trong khi mức lương người lao động đang tăng, thì tâm lý tiêu dùng lại giảm xuống "tới mức độ mà bạn hoàn toàn có thể nghĩ tới một cuộc khủng hoảng", Thomas Barkin, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Richmond, chia sẻ về kết quả cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng thực hiện bởi Đại học Michigan, ghi nhận bởi Reuters.

"Đó là hệ quả của những tác động của lạm phát lên người tiêu dùng", trong đó có không ít người phải chi trả phần lớn thu nhập của họ cho thực phẩm và khí đốt, Barkin phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến tổ chức bởi Fed.

3 mắt xích trọng yếu khiến vị thế kinh tế Mỹ lung lay - 4

Giá dầu liên tục leo thang trong vài tháng trở lại đây (Ảnh: Getty Images).

"Hiện tại, rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế chính là lạm phát", Sita Slavov, giáo sự chính sách công tại trường đại học George Mason, chia sẻ trong một phiên thảo luận tổ chức bởi Peter G. Peterson Foundation, theo ghi nhận của Reuters. "Đó là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần phải lưu tâm".

"Tôi quan ngại về lạm phát dài hạn", Slavov bổ sung. "Tôi không chắc lạm phát ở đây chỉ là một vấn đề mang tính thời điểm. Chúng ta cần phải hành động".

Lạm phát đã trở thành vấn đề được quan tâm nhiều nhất từ phía người tiêu dùng và cử tri Mỹ, vượt lên trên cả đại dịch Covid-19, theo kết quả một cuộc khảo sát. Các thành viên Đảng Cộng hòa coi đó là mũi tên nhắm vào ông Biden trước cuộc bầu cử tín nhiệm giữa nhiệm kỳ diễn ra vào năm tới. Con số ủng hộ ông Biden đã giảm xuống rõ rệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao, hiện đang ở ngưỡng 42%.

Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, tình trạng thiếu hụt người lao động và lạm phát chính là "cây đinh ba" nhăm nhe tấn công vào nỗ lực phục hồi của Mỹ. Ông Joe Biden chắc chắn sẽ còn rất nhiều điều phải làm để có thể giữ đà phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới đi đúng hướng.