3 kênh đầu tư lớn của năm 2011
Những diễn biến về lãi suất, tỷ giá trong thời gian qua đã trở thành vấn đề nóng được các nhà đầu tư quan tâm. Đằng sau các chuyển động này là những tính toán với các mục tiêu khác nhau về chính sách mà mục tiêu sau cùng là nhằm ổn định các cân đối vĩ mô.
Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung ương, trong bối cảnh kinh tế thế giới như hiện nay, khi tranh cãi giữa Mỹ và EU về chi tiêu công chưa có hồi kết; các quốc gia trong đó có Mỹ và Trung Quốc đều muốn sử dụng chính sách tiền tệ như một biện pháp để kích thích xuất khẩu bằng cách làm suy yếu đồng tiền của mình, các nhà đầu tư vẫn sẽ tập trung vào 3 kênh đầu tư lớn mà theo cách nói của ông là “3 trò chơi” của thế giới gồm: hành hóa cơ bản, tiền tệ, và chứng khoán.
Với chính sách nới lỏng tiền tệ, Mỹ hy vọng dòng tiền sẽ chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhưng với mức tăng trưởng thấp của nền kinh tế, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào những hàng hóa cơ bản từ các nguồn tài nguyên, khoáng sản như sắt thép, lương thực, dầu mỏ… dẫn đến giá cả của các loại hàng hóa cơ bản này tăng cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến các chính sách vĩ mô.
“Với mức tăng trưởng thấp như vậy, những mặt hàng hóa cơ bản ngoài vàng khó tăng trưởng mạnh nhưng sẽ có độ dao động rất lớn. Vì vậy, việc đầu tư những hàng hóa cơ bản là một “trò chơi” đầy tính may rủi.”, ông Thành nói.
Kênh đầu tư thứ hai theo TS. Võ Trí Thành là tiền tệ, bởi hiện nay các quốc gia đều cố giữ đồng nội tệ của mình ở mức yếu hay còn gọi là “cùng chạy về đáy”. Tuy nhiên, quá trình “chạy về đáy” không đồng đều do sự chênh lệch khác nhau về lãi suất và tỷ giá nên người ta lợi dụng tỷ giá giữa 3 đồng tiền để chuyển từ đồng tiền này sang đồng tiền khác.
Kênh đầu tư thứ ba là chứng khoán và bất động sản. Xét về chứng khoán, có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam và Trung Quốc đều đang giảm điểm so với đầu năm. Nguyên nhân giảm điểm của TTCK Việt Nam nằm ở vấn đề vĩ mô, còn tại Trung Quốc, đó là hệ quả của việc thắt chặt tiền tệ và đẩy dòng vốn ra bên ngoài.
“Tóm lại, dòng tiền trên thị trường là rất nhiều, nhưng tiền ấy có vào nền kinh tế không thì lại phụ thuộc rất nhiều điều”, ông Thành nhận định.
Dòng vốn ngoại sẽ chảy vào chứng khoán?
Do các nước hiện nay đều có một chính sách tiền tệ khá giống nhau là thắt chặt tiền tệ kết hợp với việc kiểm soát vốn do lo ngại về lạm phát khi phải tập trung đồng nội tệ để mua lượng ngoại tệ từ dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, các quốc gia đang khuyến khích đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam có thể là điểm dừng chân của các dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, liệu vốn ngoại có chảy vào TTCK thông qua kênh đầu tư gián tiếp hay không thì lại không đơn giản.
Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, khả năng này rất khó xảy ra bởi thị trường Việt Nam chưa đủ hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài với những lý do:
Thứ nhất, dung lượng thị trường quá nhỏ kể cả thị trường trái phiếu và cổ phiếu. Việc tỷ giá của VND cho đến nay không được cập nhật ở các thị trường lớn cho thấy TTCK Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn NĐT nước ngoài.
Thứ hai, rủi ro về bất ổn về vĩ mô cũng như thông điệp chính sách là vẫn còn bởi việc nới lỏng tiền tệ vì mục tiêu tăng trưởng đã gây nên những khó khăn vào thời điểm hiện tại.
“Tăng trưởng của Việt Nam luôn phụ thuộc vào lượng tiền cung ứng, như vậy đây là một rủi ro cho sự ổn định kinh tế. Hơn nữa, chúng ta chưa có một chính sách tốt trong con mắt NĐT nước ngoài. Trong một nền kinh tế thị trường nhưng chúng ta lại quá nhấn mạnh đến cách biện pháp kiểm soát giá từng mặt hàng hơn là chú trọng đến chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá, hai chính sách cơ bản nhất để bình ổn giá.”, ông Thành nói.
Thứ ba, trong khoảng 6 tháng trở lại đây, dòng vốn ngoại đổ vào BĐS đã lạc quan trở lại nhưng theo kênh đầu tư trực tiếp. Điều này cho thấy, khả năng hấp thụ dòng vốn ngoại của thị trường BĐS tốt hơn so với chứng khoán.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong năm 2010, có thể thấy dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam cũng không phải là ít, khoảng 1,5 tỷ USD theo đánh giá của Citi Group.