1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

3 công ty thuỷ điện niêm yết bất ngờ sáp nhập

(Dân trí) - Với kết quả kinh doanh đi xuống trong 3 năm liên tiếp, hai công ty thuỷ điện Nà Lơi và Ry Ninh II sẽ bị sáp nhập vào Thuỷ điện Cần Đơn. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1.

Thuỷ điện Cần Đơn.
Thuỷ điện Cần Đơn.

CTCP Thuỷ điện Cần Đơn (SJD) vừa có Tờ trình về phương án sáp nhập 2 công ty thuỷ điện khác là CTCP Thuỷ điện Nà Lơi (NLC) và CTCP Thuỷ điện Ry Ninh II (RHC) vào SJD, tờ trình này chuẩn bị sẽ được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông của Thuỷ điện Cần Đơn để thông qua.

Việc sáp nhập được Hội đồng quản trị SJD nhìn nhận, sẽ giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực, gia tăng quy mô và vị thế, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực tài chính, phát triển thương hiệu, mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng đầu tư và đặc biệt là nâng cao khả năng chống đỡ trước các biến động kinh tế bất lợi, đặc biệt là những khó khăn của nền kinh tế như hiện nay.

Một trong hai công ty thuỷ điện niêm yết bị sáp nhập là Thuỷ điện Nà Lơi, một đơn vị thành viên của Tổng công ty Sông Đà - Bộ Xây Dựng. NLC được thành lập trên cơ sở chuyển đổi nhà máy Thuỷ điện Nà Lơi - Công ty Sông Đà 11, doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Sông Đà thành công ty cổ phần ngày 29/7/2003.

NLC hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con với tỷ lệ sở hữu của công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà là 51% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của NLC hiện tại đạt 50 tỷ đồng. Cổ phiếu NLC được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày giao dịch đầu tiên vào 14/12/2006.

Các chỉ số quan trọng của NLC như lợi nhuận, ROA và ROE đều đi xuống trong 3 năm trở lại đây.
Các chỉ số quan trọng của NLC như lợi nhuận, ROA và ROE đều đi xuống trong 3 năm trở lại đây.

Trong khi đó, CTCP Thuỷ điện Ry Ninh II lại là đơn vị đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực thuỷ điện thuộc Tổng công ty Sông Đà tiến hành cổ phần hoá.

RHC được thành lập từ việc cổ phần hoá bộ phận DNNN là Nhà máy thuỷ điện Ry Ninh II thuộc Công ty Sông Đà 11 - Tổng công ty Sông Đà theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành tháng 11//2002. Vốn điều lệ của RHC đang là 51,2 tỷ đồng.

Các chỉ số tài chính của RHC.

Các chỉ số tài chính của RHC.

Về phía SJD, công ty nhận sáp nhập, có tiền thân là Công ty B.O.T Cần Đơn được thành lập theo Quyết định của Tổng công ty Sông Đà ban hành tháng 4/1998. Kể từ ngày 11/10/2004, Cần Đơn chính thức chuyển đổi thành Công ty cổ phần và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, niêm yết với mã SJD và bắt đầu giao dịch từ ngày 26/12/2006. Vốn điều lệ của SJD hiện đang đạt 358,79 tỷ đồng.

ROA và ROE của SJD tăng mạnh từ năm 2010.
ROA và ROE của SJD tăng mạnh từ năm 2010.

Theo phương án sáp nhập, SJD sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ số cổ phiếu của NLC và RHC do các cổ đông NLC và RHC nắm giữ.  Tỷ lệ hoán đổi cổ phần NLC và SJD là 1:1, tương tự như RHC và SJD.

SJD tính toán, số cổ phần mà công ty phải phát hành thêm để hoán đổ là 10,12 triệu cổ phần, qua đó nâng tổng lượng cổ phần SJD sau sáp nhập lên gần 46 triệu cổ phiếu.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, SJD sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 460 tỷ đồng, tăng thêm tối đa 101 tỷ đồng so với hiện nay.

NLC và RHC sẽ có duy nhất một chủ sở hữu SJD, sau sáp nhập, hai công ty sẽ chuyển đổi từ mô hình công ty cổ phần sang chi nhánh của SJD.

Mai Chi