27 năm định vị thương hiệu của VPBank
(Dân trí) - Theo ông Nguyên Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, VPBank đã đạt nhiều thành tựu về kinh doanh, quản trị rủi ro, chuyển đổi số và phát triển văn hóa doanh nghiệp, sau hơn một thập kỷ.
Ngày 12/9/1993, Ngân hàng TMCP các Doanh nghiệp Ngoài quốc doanh Việt Nam được thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động. Sau một thời gian, gân hàng đổi tên để tái định vị thương hiệu. Tên viết tắt tiếng Anh vẫn được giữ nguyên là "VPBank", song tên gọi đầy đủ được đổi thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (Vietnam Prosperity Joint - Stock Commercial Bank)
Đại diện ngân hàng cho biết, tên gọi mới thể hiện khát vọng mang lại sự thịnh vượng cho khách hàng cùng cổ đông; tạo thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường.
Trong giai đoạn chuyển đổi đầu tiên (2012-2017), VPBank ghi dấu khi trở thành một trong 5 ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam và là 1 trong 3 ngân hàng TMCP tư nhân bán lẻ hàng đầu Việt Nam xét về doanh thu và lợi nhuận vào năm 2017. Đây cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ngân hàng bằng việc niêm yết 1,33 tỷ cổ phiếu VPB trên sở giao dịch chứng khoán HoSE và chào bán riêng lẻ gần 165 triệu cổ phiếu thành công.
Các mốc dấu ấn
Giai đoạn chuyển đổi thứ hai (2018-2022), VPBank theo đuổi định hướng "Tăng trưởng chất lượng" với tham vọng trở thành một trong 3 ngân hàng có giá trị nhất tại Việt Nam vào năm 2022 và trở thành ngân hàng bán lẻ thân thiện nhất với người tiêu dùng thông qua công nghệ.
Trong những năm 2015-2019, khi nền kinh tế phát triển, VPBank đã phát triển nhiều giải pháp tài chính tổng thể, cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính để đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng từ cá nhân đến hộ kinh doanh và các doanh nghiệp.
Mã cổ phiếu VPB cũng được lựa chọn vào danh sách VN30 - top những cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản lớn nhất trong năm 2018. Những thành tựu của VPBank thể hiện trong nhiều phương diện, qua hàng loạt các con số nổi bật trong chặng đường phát triển tử năm 2009-2019.
Về hoạt động kinh doanh và chất lượng tài sản, nhờ chuyển đổi thành công VPBank đã bứt phá trong 10 năm trở lại đây. Nếu như tổng tài sản năm 2010 đạt 59.807 tỷ đồng, thì vào năm 2020 đã tăng lên 419.027 tỷ đồng (tăng hơn 7 lần); dư nợ cấp tín dụng đạt 322.881 tỷ đồng (gấp hơn 11 lần); huy động khách hàng và giấy tờ có giá đạt 296.273 tỷ đồng (gấp gần 9 lần).
Trong 10 năm qua, quy mô tổng thu nhập của VPBank tăng gấp gần 30 lần (thu nhập hoạt động từ 1.309 tỷ đồng năm 2010 đạt 39.033 tỷ đồng vào năm 2020), lợi nhuận trước thuế (PBT) tăng 20 lần lên 13.019 tỷ năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank được giữ dưới mức 3% theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và tại ngân hàng riêng lẻ là 1,98%.
Năm 2020, trước ảnh hưởng của Covid-19, nhà băng vẫn hoàn thành mục tiêu kinh doanh, vừa đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, vừa tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo kết quả xếp hạng của Tổng cục thuế, trong danh sách 1.000 đơn vị nộp thuế lớn nhất cả nước năm 2019 thì VPBank (công ty mẹ) được xếp thứ tự 18, đứng thứ 3 trong số các doanh nghiệp có vốn tư nhân. Trong khi đó, Công ty tài chính VPBank với thương hiệu FE Credit (công ty con của VPBank) cũng được xếp thứ tự 24 (đứng thứ 6 trong số doanh nghiệp có vốn tư nhân).
Chỉ tính trong vòng 5 năm qua, VPBank đã nộp thuế gần 12.000 tỷ đồng cho ngân sách, trong đó riêng ngân hàng mẹ nộp thuế gần 6.200 tỷ đồng. Đại diện ngân hàng cho biết, kết quả này có được là nhờ sự kiện định trong chiến lược kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả vận hành và giảm thấp chi phí nhờ số hóa 96% lượng giao dịch diễn ra qua kênh ngân hàng số và ngân hàng tự động.
Từ năm 2015, VPBank đã hai lần ghi tên mình vào số ít các ngân hàng có lợi nhuận vượt trên 10.000 tỷ đồng. Năm 2019 là hơn 10.300 tỷ đồng và năm 2020 hơn 13.000 tỷ đồng.
Quản trị rủi ro
Dù tập trung vào các phân khúc tài chính tiêu dùng, vay tín chấp cá nhân (UPL), VPBank luôn chú trọng nâng cao chất lượng tài sản và đặt trọng tâm tăng trưởng chất lượng vào tất cả các mục tiêu kinh doanh. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức hợp lý và an toàn.
Năm 2019, tạp chí The Asset, ấn phẩm hàng đầu về tài chính tại thị trường châu Á công bố VPBank là "tổ chức phát hành trái phiếu nước ngoài tốt nhất châu Á" và tổ chức Việt Nam đầu tiên phát hành thành công trái phiếu USD trên thị trường vốn quốc tế kể từ năm 2014, với 300 triệu USD trái phiếu theo chương trình EMTN 1 tỷ USD.
Đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ, ngân hàng này hướng tới tạo ra hệ sinh thái dịch vụ tài chính thông qua nền tảng công nghệ. Các chương trình số hóa của VPBank tạo ra sự thân thiện, kết nối tốt hơn với khách hàng và cũng mang lại nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng mới.
VPBank đã được Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) ba lần liên tiếp trao tặng giải thưởng Ngân hàng Chuyển đổi số tiêu biểu trong khuôn khổ Giải thưởng Ngân hàng Việt Nam tiêu biểu 2020. Ngân hàng cũng đề ra chương trình hành động Befit, hướng tới tinh gọn bộ máy. Nhờ đó, chi phí hoạt động hợp nhất đã giảm 7,7% so với 2019. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) hợp nhất giảm mạnh còn 29,2% so với 33,9% cuối 2019.
Văn hóa doanh nghiệp
Trong hoạt động văn hóa doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội, VPBank cho biết, con người luôn là tài sản quý giá nhất, là chìa khóa để xây dựng và phát triển tổ chức. Trong hai năm 2016 và 2017, VPBank từng góp mặt trong danh sách 5 nơi làm việc hạnh phúc nhất tại Việt Nam do công ty cung cấp dịch vụ nhân sự Anphabe và công ty nghiên cứu thị trường Nielsen bình chọn.
Trong quá trình làm việc, người lao động của VPBank được hưởng các chế độ đãi ngộ, phúc lợi toàn diện như hệ thống lương, thưởng cạnh tranh với thị trường, chương trình "Vay gắn kết" và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) với mục đích giữ chân nhân tài.
VPBank đã tổ chức thành công giải marathon với sự tham gia của 7.000 vận động viên, và cùng quyên góp tiền cho 5 quỹ từ thiện giúp đỡ các em nhỏ thiệt thòi. Ngoài ra, trong 5 năm qua, VPBank đã tích cực tham gia các chương trình hỗ trợ an sinh xã hội tại nhiều địa phương với mức tổng đóng góp lên tới gần 36 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng tham gia tài trợ cho hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như hỗ trợ các địa phương trong phòng, chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ.