Đà Nẵng:

260 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ bị xử lý

(Dân trí) - Từ năm 2006 đến nay, các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã xử lý hơn 260 vụ xâm phạm về Sở hữu trí tuệ (SHTT), với số tiền phạt chỉ hơn một tỷ đồng.

Đó là số liệu được ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng công bố ngày 7/7 tại hội thảo đánh giá kết quả hoạt động thực thi quyền SHTT trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2006-2010.

Theo ông Ngộ, vi phạm SHTT trên địa bàn trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng và ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, số vụ được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý còn ít.
260 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ bị xử lý - 1
Theo cơ quan chức năng, số vụ vi phạm SHTT trên địa bàn Đà Nẵng được phát hiện và xử lý còn ít

Cụ thể, trong giai đoạn từ 2007- 2011, Chi Cục quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã phát hiện 176 vụ xâm phạm quyền liên quan đến nhãn hiệu, xử phạt trên 806 triệu đồng và xử lý 7.669 đơn vị sản phẩm vi phạm.
 
Phát hiện 6 vụ liên quan đến kiểu dáng công nghiệp, xử phạt gần 30 triệu đồng và xử lý 420 sản phẩm vi phạm. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là áo quần, hàng điện tử, điện gia dụng, mỹ phẩm, rượu, bột ngọt, bột giặt...

Bên cạnh đó, từ năm 2007 - 2010 lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý 6 vụ liên quan đến nhãn hiệu, trong đó khởi tố 1 vụ 1 bị can và xử lý hành chính 5 vụ với số tiền phạt 54 triệu đồng.

Ngoài ra, từ năm 2007 đến nay, lực lượng hải quan cũng đã tiếp nhận và xử lý 81 đơn thư của tổ chức, cá nhân yêu cầu bảo vệ quyền SHTT đối với sản phẩm mang nhãn hiệu: CASIO, EPSON, GUCCI…. Trong đó 62 đơn còn thời hạn, 19 đơn đã hết thời hạn yêu cầu bảo vệ quyền SHTT.

Đa số các ý kiến đều cho rằng, công tác thực thi quyền SHTT trên địa bàn Đà Nẵng giai đoạn 2006-2010 đã đạt nhiều kết quả lớn, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là đã kịp thời đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi gian lận thương mại, lợi dụng mẫu mã, hình dáng, kiểu dáng hàng hóa để làm giả, làm nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng... vi phạm quyền SHCN, SHTT, góp phần bảo vệ quyền của chủ sở hữu và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thống nhất với nhận định của Sở KH-CN Đà Nẵng là trong những năm qua trên thị trường Đà Nẵng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm SHCN... được phát hiện hầu hết được sản xuất ở các địa phương khác hoặc nhập khẩu từ các nước lân cận đưa vào tiêu thụ, vi phạm chủ yếu về giả nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng hàng hóa… do đó, khi phát hiện xử lý vụ việc thường gặp khó khăn trong công tác xác minh, thu thập chứng cứ.

Cùng với đó, tình hình vi phạm quyền về bản quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả như trong lĩnh vực âm nhạc, sân khấu và điện ảnh hiện tượng sao chép các đĩa CD, VCD, DVD xảy ra thường xuyên; trong lĩnh vực mỹ thuật nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc bị nhái tranh, tượng. Trong lĩnh vực xuất bản phẩm, tình trạng in lậu sách tràn lan vẫn đang diễn ra, có những nơi còn bày bán công khai, dù giá cả có rẻ hơn song chất lượng sách không cao…

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền SHTT còn thấp, chế tài chưa đủ tính răn đe, lực lượng kiểm tra, giám sát còn mỏng trong khi các đối tượng vi phạm hoạt động ngày càng tinh vi.

Công Bính