1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Vi phạm sở hữu trí tuệ, bài toán khó giải

(Dân trí) - Theo ông Phạm Hữu Cát, Chi cục phó chi cục quản lý chất lượng hàng hóa (QLCLHH) miền Nam, hàng hóa trên thị trường ngày càng đa dạng nhưng kéo theo đó nạn hàng giả, hàng nhái với quy mô lớn hơn.

Theo thống kê của Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, trong 11 tháng đầu năm nay lực lượng của chi cục đã xử lý 512 vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ. Chiếm phần lớn là hàng giả nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý với 490 vụ, còn lại là những vi phạm về bản quyền và kiểu dáng. Không chỉ riêng Việt Nam, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm về sở hữu trí tuệ trở thành vấn nạn của nhiều quốc gia.

Tình trạng vi phạm này diễn ra với mọi mặt hàng từ những hàng hóa thô sơ cho đến các món hàng đòi hỏi kĩ thuật cao, ngay cả thuốc tân dược cũng bị giả mạo. Điển hình trong năm nay, lực lượng QLLT TPHCM đã phát hiện việc kinh doanh thuốc tân dược giả các nhãn hiệu ngoại nhập tại quận Tân Phú (TPHCM).

Thủ đoạn của những người vi phạm là tháo bỏ nhãn các mặt hàng thuốc nội để thay bằng nhãn hiệu thuốc ngoại. Tại đây, cơ quan chức năng thu giữ hàng ngàn hộp thuốc giả thuộc 15 mặt hàng thuốc như: Voltaren, Viagra, Cezin, Enax 400…

Ngoài ra, trong tháng 9 lực lượng QLTT 3A (TPHCM) cũng đã xử lý hoạt động sản xuất dép mousse xốp giả mạo nhãn hiệu “Hình con cá sấu” trên mặt và quai dép tại quận Tân Phú. Tất cả những hàng hóa này đều xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu hàng hóa đang được bảo hộ độc quyền theo đăng ký quốc tế về nhãn hiệu hàng hóa. Số lượng hàng bị tịch thu có giá trị lên đến gần 700 triệu đồng.

Thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến những vụ làm phân bón giả, đóng gói trong những bao bì có nguồn gốc ngoại để lừa nông dân. Đặc biệt, ngay cả chính những chiếc tem chống hàng giả cũng bị làm giả.

Gần nhất là việc phát hiện những chiếc tem giả giống như mẫu tem CR dành cho mũ bảo hiểm đạt chuẩn mới. Như vậy, không có cái gì là không giả, thật giả trở thành “vàng thao lẫn lộn”.

Trước tình trạng ngày càng tinh vi của những kẻ làm hàng giả, chính người tiêu dùng trở thành nạn nhân của tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhiều người mất tiền mua phải hàng kém chất lượng, nhiều sản phẩm còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ.

Nạn nhân kế tiếp của hàng giả, hàng nhái chính là những doanh nghiệp sản xuất chân chính. Các doanh nghiệp này không chỉ bị thiệt hại về kinh tế vì mất thị phần tiêu thụ, uy tín chân chính bị giảm sút mà môi trường kinh doanh cũng bị xâm phạm.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Secpentin và phân bón Thanh Hóa kiến nghị “sở dĩ những kẻ làm ăn gian dối vẫn lộng hành là do các cơ quan Nhà nước chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý. Trong khi đó nhiều người tiêu dùng chưa tiếp thu hết khoa học kỹ thuật nên chưa thể phân biệt được hàng thật, hàng giả. Cần thiết phải nâng mức khung hình phạt và xử lý hình sự tội danh cố ý vi phạm sở hữu trí tuệ, làm hàng giả trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng”.

Thực tế, những kẻ làm hàng giả luôn thu được những lợi nhuận lớn dẫn đến việc bất chấp mọi quy định của Nhà nước. Đó là lí giải của ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Cục sở hữu trí tuệ phía Nam, về tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Ông Bình cho biết: “Trong năm 2008, Chính phủ đã ban hành được 5 văn bản giải quyết về tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Văn bản của Nhà nước đã có nhưng vẫn chưa đồng bộ”.

Còn theo ông Phạm Hữu Cát, Chi cục phó chi cục QLCLHH miền Nam thì việc đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn của doanh nghiệp. thêm đó là vai trò của người tiêu dùng và các cơ quan truyền thông.

Mặc dù trên lý thuyết là thế nhưng cho đến nay vấn nạn hàng giả vấn khó giải quyết. Điều này trở nên đáng lo khi nước ta mở cửa với quốc tế mà trong điều kiện để hội nhập, vi phạm sở hữu trí tuệ là vi phạm điều cấm của luật quốc tế.

Lê Phương