2.500 doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh giữa thủ đô

(Dân trí) - Trong khi số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới chỉ nhỉnh hơn phân nửa so cùng kỳ năm ngoái thì trong vòng 9 tháng đầu năm, theo Sở KHĐT thành phố, có tới 730 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và 1.900 doanh nghiệp làm thủ tục ngừng kinh doanh.

2.500 doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh giữa thủ đô
Số lượng doanh nghiệp đăng ký giải thể và ngừng kinh doanh tăng mạnh trong khi số đăng ký thành lập mới lại giảm đã khiến thu ngân sách của TP Hà Nội bị hao hụt đáng kể (Ảnh minh họa).

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn đã giảm đáng kể. 9 tháng đầu năm ước có 11.480 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn trên 64.000 tỷ đồng, bằng 68% số doanh nghiệp và 54% về số vốn so với cùng kỳ năm 2011.

Cũng trong 9 tháng đầu năm, toàn thành phố có 730 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể và 1.900 doanh nghiệp làm thủ tục ngừng kinh doanh.

Trong khi đó, những doanh nghiệp đang cầm cự thì tình trạng hàng tồn kho vẫn nhiều. Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, ông Lê Hồng Thăng, khó khăn lớn nhất đối với sản xuất công nghiệp của thành phố hiện nay là lượng hàng tồn kho quá lớn, mặc dù đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhưng lượng hàng tồn tại kho của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao.

Cụ thể, ngành rượu - bia - nước giải khát tồn khoảng 20%, dệt may 15%, xây dựng 30%, ô tô xe máy 20%, cơ điện 20%, gia dụng tồn 25%... Vì vậy, các doanh nghiệp không quay vòng được sản xuất, khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.

Vốn đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân chậm, đến nay, mới đạt trên 50%. Cùng với đó, tiến độ một số công trình, chương trình mục tiêu triển khai chậm, nhất là các công trình giao thông, dân sinh bức xúc...

Tính đến nay, toàn thành phố có 231 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp mới và tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký là 919 triệu USD (bằng 88% so với năm 2011).

Thực tế này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như tỷ lệ mất việc làm gia tăng, thu nhập và đời sống của một bộ phận nhân dân khó khăn, an ninh nông thôn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

Không những vậy, thu ngân sách của địa phương cũng gặp ảnh hưởng. Theo đó, tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm của Hà Nội ước đạt 92.275 tỷ đồng, bằng 63,1% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao. Chi ngân sách địa phương ước đạt trên 31.000 tỷ đồng, bằng 58,7% dự toán giao.

Giải pháp cho tình trạng trên, đại diện Sở Công thương cho rằng, cần tiếp tục tổ chức tiếp xúc giữa chính quyền với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tiếp xúc giữa chính quyền, doanh nghiệp với ngành ngân hàng để tháo gỡ về vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động đưa hàng về nông thôn, không chỉ trên địa bàn thành phố mà cả các tỉnh, thành lân cận; tăng cường giải ngân, đầu tư phát triển cho nông thôn, nhất là các dự án về giao thông...

Kế hoạch sắp tới của Hà Nội dự kiến sẽ thực hiện đồng bộ ba mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Riêng với lĩnh vực đầu tư và xây dựng, Chủ tịch UBND Thành phố, ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu cần khẩn trương hoàn thành giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thanh quyết toán đối với các công trình đã hoàn thành. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư đối với hạ tầng giao thông, đô thị và môi trường.

Ông Thảo cũng yêu cầu Thành phố cần có chính sách, giải pháp kích cầu tiêu dùng, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động bình ổn giá và đưa hàng về các vùng khó khăn. Đồng thời, cũng phải có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bán buôn, nhằm mục tiêu Hà Nội là thị trường trung chuyển hàng hóa lớn của cả nước.

Bích Diệp