1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

2 viễn cảnh kinh tế cuối năm: Mở cửa lại cần đúng thời điểm và bài bản

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay khi kinh tế mở cửa. Ông kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam.

2 viễn cảnh nền kinh tế

Đề cập đến triển vọng kinh tế Việt Nam cuối năm nay, ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam - nhấn mạnh đến một câu thường được nói, đó là "trước bình minh luôn là bóng tối mịt mùng".

"Dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy phẩm chất kiên cường và bền bỉ, để đất nước này một lần nữa giành chiến thắng và những tháng ngày tươi đẹp sẽ trở lại", ông Tim Evans nhấn mạnh. Dù Việt Nam đang phải trải qua một giai đoạn đầy thử thách song CEO HSBC vẫn nhìn thấy viễn cảnh tích cực cho nền kinh tế này trong tương lai.

2 viễn cảnh kinh tế cuối năm: Mở cửa lại cần đúng thời điểm và bài bản - 1

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam.

Ông Tim Evans nhắc lại, bộ phận nghiên cứu toàn cầu của HSBC đã dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam có thể đạt 7,1%. Điều duy nhất không ai lường được là sự đột biến của Covid-19 với biến thể Delta. Biến chủng này đã lan rộng khắp Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam vốn là trung tâm kinh tế của cả nước, buộc các cơ quan chức năng phải nhanh chóng triển khai các đợt giãn cách và ban hành những quy định hạn chế di chuyển.

Theo CEO HSBC Việt Nam, không quá ngạc nhiên khi các số liệu tháng 8 phản ánh rõ nét những tổn thất kinh tế Việt Nam đang phải gánh chịu. Tác động của đợt bùng dịch này nghiêm trọng hơn giai đoạn giãn cách xã hội cả nước trong 3 tuần hồi tháng 4/2020. Tiêu dùng cá nhân trong nước ảnh hưởng nặng nề khi khả năng đi lại của người dân nói chung bị hạn chế tới mức trung bình 60% so với trước đại dịch.

Điều này đồng nghĩa với mức sụt giảm 40% của ngành bán lẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình tại TPHCM còn nghiêm trọng hơn khi khả năng đi lại của người dân giảm gần 90% khiến doanh số bán lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước thực tế trên, HSBC đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm nay xuống 5,1%, phản ánh tác động nặng nề của đợt bùng dịch thứ tư. "Cách duy nhất để vượt qua tình thế ngặt nghèo này là chủ động triển khai tiêm phòng và đảm bảo ngành y tế có đủ nguồn lực để điều trị cho các bệnh nhân nặng", ông Tim Evans nói.

Cũng theo vị này, viễn cảnh kinh tế đến cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả triển khai tiêm vắc xin cho người dân kết hợp mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm. Theo đó, có 2 viễn cảnh được ra cho nền kinh tế Việt Nam năm nay.

Viễn cảnh 1: Tăng trưởng GDP nằm trong ngưỡng 5-5,5%, phụ thuộc vào tiến độ và mức hiệu quả của chương trình tiêm vắc xin, việc mở cửa lại nền kinh tế cùng với khả năng phục hồi và khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn trong bối cảnh nhiều thách thức do biến chủng Delta.

Viễn cảnh 2: Nếu chương trình tiêm vắc xin triển khai không đủ nhanh trong khi giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động và thêm áp lực lên chuỗi cung ứng, GDP sẽ có khả năng tăng trưởng ở mức 3,5-4%.

"Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và chúng tôi kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam", ông Tim Evans nhấn mạnh.

Nhiều hy vọng khi nền kinh tế mở lại

Theo ông, bất chấp tình cảnh hiện tại, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19.

CEO HSBC Việt Nam lấy dẫn chứng việc các nhà đầu tư Hàn Quốc vốn hiểu rất rõ Việt Nam đang tiếp tục hoạt động đầu tư vào thị trường này. Samsung dự kiến chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc. Trong khi đó, LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỷ USD cho nhà máy ở Hải Phòng.

"Ngày càng nhiều nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại trong khu vực sau khi triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng, cùng với nhu cầu hiện tại của thị trường châu Âu và Bắc Mỹ, sẽ mang lại tác động tích cực lên xuất khẩu hàng công nghệ, máy móc, da giày, dệt may, nội thất, thực phẩm và nông sản", ông Tim Evans nói.

Cũng theo vị chuyên gia, đại dịch đã góp phần thúc đẩy các xu hướng tự động hóa và số hóa, vì vậy, Việt Nam sẽ hưởng lợi trong vai trò nhà sản xuất hàng công nghệ lớn của thế giới.

Các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh và Việt Nam đã tự tạo cho mình một vị thế đáng ngưỡng mộ trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm gần đây thông qua một loạt hiệp định tự do thương mại.

Với lượng dự trữ ngoại hối tăng cao cộng thêm tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, Việt Nam có tâm thế hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tương lai. Vì vậy, HSBC dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8% trong năm 2022 với một triển vọng đáng tin cậy trước mắt cũng như về lâu về dài.

"Khách hàng của chúng tôi được khuyến cáo nên gạt bỏ những "niềm đau" trước mắt và bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai khi chúng ta vượt qua dịch bệnh tồi tệ này. Cơ hội sẽ mở ra, kinh tế sẽ phát triển, Việt Nam sẽ phục hồi và một lần nữa chứng minh không quốc gia nào giỏi hơn Việt Nam khi phải đương đầu với một thách thức hay trở ngại", CEO HSBC nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm