Chuyên gia hiến kế để phát triển kênh huy động trăm nghìn tỷ đồng

Văn Hưng

(Dân trí) - Chuyên gia đề xuất sửa quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp theo hướng phải đầu tư, nắm giữ và duy trì khoản đầu tư chứng khoán niêm yết 2 năm liên tục, có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng.

Tại diễn đàn "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững" diễn ra chiều nay, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đã chỉ ra một loạt vấn đề của thị trường trái phiếu riêng lẻ như: thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, phát sinh rủi ro; tiêu chuẩn doanh nghiệp phát hành chưa cao; tình hình tài chính một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế.

"Nhà đầu tư vi phạm lách quy định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Các tổ chức đại lý phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu doanh nghiệp chưa tuân thủ đúng pháp luật", ông Tuấn nói.

Nhiều lỗ hổng từ phát hành đến mua bán trái phiếu

Về giải pháp đối với trái phiếu riêng lẻ, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng quy định điều kiện với tổ chức phát hành đang bộc lộ nhiều bất cập: kết quả kinh doanh năm trước có lãi; tổng dư nợ trái phiếu không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu; có tài sản bảo đảm nếu tổng dự nợ trái phiếu vượt quá vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, quy định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán cũng cần phải xem xét sửa đổi.

"Các quy định này có thể tạo ra nguy cơ khóa chặt kênh huy động vốn bằng trái phiếu riêng lẻ. Cùng với đó, chuyển sang các hình thức khác chưa có quy định chặt chẽ: kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ vay vốn… hoặc các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư với tổ chức", đại diện VCCI nói.

Chuyên gia hiến kế để phát triển kênh huy động trăm nghìn tỷ đồng - 1

Ông Đậu Anh Tuấn đưa ra một số giải pháp từ chính sách (Ảnh: BTC).

Về vấn đề quản lý dòng vốn, mục đích vay, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, quy định hiện tại doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu để góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khác và cho doanh nghiệp khác vay vốn. Quy định này tạo ra sự bất cập vì sẽ hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp và cản trở hoạt động M&A.

"Các quy định này cũng không phù hợp với nguyên tắc quản trị của tập đoàn (công ty mẹ có uy tín đảm nhận việc phát hành trái phiếu cho công ty con (công ty dự án) vay lại)", ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhà đầu tư chuyên nghiệp phải có năng lực chuyên môn

Ngoài ra, theo ông Tuấn, quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng) thường bị "lách luật" bằng cách mua trái phiếu Chính phủ hoặc chứng khoán niêm yết trong thời gian ngắn rồi bán.

Do đó, ông Tuấn đề xuất sửa quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hướng phải đầu tư, nắm giữ và duy trì khoản đầu tư chứng khoán niêm yết trong vòng 2 năm liên tục, có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ để đạt được về mặt luật pháp nhưng có thể không làm thay đổi bản chất của nhà đầu tư đó.

"Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán", ông Hiếu nêu quan điểm.

Chuyên gia hiến kế để phát triển kênh huy động trăm nghìn tỷ đồng - 2

Ông Hiếu nhấn mạnh nhà đầu tư chuyên nghiệp cần phải có chuyên môn (Ảnh: BTC).

Vị chuyên gia dẫn chứng Luật Chứng khoán Mỹ năm 1933, sửa đổi năm 2010, nhà đầu tư đã được chỉ định thì trong 2 năm liên tiếp phải duy trì tài sản là 200.000 USD. Năm 2020, Mỹ lại sửa đổi thêm lần nữa, bổ sung thêm quy định mới về năng lực chuyên môn… Khi đó, nhà đầu tư đáp ứng được điều kiện mới được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cũng theo ông Hiếu, Luật Chứng khoán giao cho chính công ty chứng khoán là những người bán hàng, có nghĩa họ mua ở thị trường sơ cấp, rồi bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Quy định như thế sẽ có xung đột, vì nếu họ muốn bán hàng, họ sẽ tìm mọi cách để xác nhận người mua đủ tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Từ những lập luận nêu trên, ông Hiếu đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát quy định liên quan điều kiện của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

"Nếu nâng được chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có một lợi ích rất dài hạn. Đây là công cụ thị trường để tự họ sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách", Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Về dài hạn, ông Hiếu cho rằng cần nâng cao chất lượng của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đây cũng được coi là phương án nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.