2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của 'vua' đất Cảng

Ông Phùng Văn Bài (Hải Phòng) được mệnh danh là ông vua sưu tầm đài cassette (cát-xét) khi sở hữu tới hơn 1.000 chiếc.


browser not support iframe.

2 căn nhà cất giữ hơn 1.000 chiếc đài

Sau khi về hưu, ông Phùng Văn Bài (Hải Phòng) chọn đài cassette làm thú chơi cho riêng mình. Ông bắt đầu sưu tập đài từ năm 2014. Gia sản khổng lồ của ông là hơn 1.000 chiếc cassette, vào lúc cao điểm còn lên tới 1.200 chiếc. Điều thú vị là toàn bộ thương hiệu đài ông sở hữu đều đến từ Nhật Bản. Trong đó, có những chiếc được sản xuất từ năm 1960, một số đã không còn lưu hành trên thị trường.

Để chứa hết số gia tài khủng, ông phải dùng tới 2 căn nhà. Trong đó, một căn chuyên để chứa các mẫu đài đã được bảo dưỡng, căn còn lại thì xếp các mẫu chờ tu sửa.

Đài cassette sau khi được chuyển từ Nhật về được thợ đài kiểm tra lại toàn bộ, nếu phát hiện thấy mạch kém hoặc lỗi méo do vận chuyển sẽ được sửa chữa kịp thời. Thường thì mỗi lô hàng về, ông Bài thuê 3 người thợ giỏi, chuyên về đài đến bảo dưỡng, sau khi hoàn tất ông sẽ kiểm duyệt rồi mới mang đi trưng bày, bảo quản.

2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 1.

Ông Phùng Văn Bài (Hải Phòng), chủ sở hữu bộ sưu tập hơn 1.000 chiếc đài cassette.


“Ngày trước, khi chưa thuê được thợ, mỗi lúc hàng về tôi đều phải đèo ra các quán để sửa, cực nhất là khi trời nắng vì đi lại khó khăn mà sức khỏe tôi lại yếu. Sau này, tôi quyết tâm đi tìm thợ, phần sẽ giúp mình không phải di chuyển xa vì họ đến tận nhà, phần sẽ giúp việc sửa đài được tối ưu, chuyên nghiệp hơn và theo đúng yêu cầu của mình”.

Mỗi chuyến đài về khoảng 20-30 chiếc, cao điểm có những tháng trong năm 2016 còn lên tới cả trăm chiếc nên việc bảo dưỡng vô cùng vất vả. Trước khi lên kệ sưu tầm, mỗi chiếc cassette phải trải qua ít nhất 8 tiếng đại tu. Toàn bộ mạch được dỡ ra, sửa và rửa sạch lại y như ban đầu.

Để có được mối hàng bên Nhật Bản, ông kết nối với người Việt đồng hương sinh sống bên Nhật, ký hợp đồng với họ để mua đài chuyển về Việt Nam. Trước đây, ông thường vận chuyển bằng đường biển nhưng thấy đài bị va đập, hỏng nhiều nên sau này ông chuyển hẳn sang đường hàng không.

“Tôi chọn đài Nhật mà không chọn đài Đức hay đài Mỹ bởi khí hậu ở Nhật và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng nên dễ bảo quản. Ngoài ra, đài Nhật có tín hiệu âm thanh tốt, đồ thay thế, linh kiện thông dụng, dễ sử dụng và quan trọng nhất vẫn hợp khí hậu nước mình”.

Chủng loại đài cassette trong kho của ông Bài vô cùng phong phú với nhiều thương hiệu lớn như Sony, Panasonic, Hitachi, Toyota,... và các nhãn hiệu đình đám National, Diatone, Super Woofer,... Giá trị của đài cassette cũng được trải dài theo các phân khúc từ 2-3 triệu đồng, 4-5 triệu đồng, 8-10 triệu đồng, 15-20 triệu đồng,... mỗi chiếc.

Đặc biệt, dòng đài Thủy quân lục chiến được ông vô cùng yêu thích và sưu tầm lên tới cả 100 chiếc. Theo ông Bài, dòng đài này khá bền, được người đi biển ưa chuộng vì khả năng chịu tác động bên ngoài cao, thích ứng được với thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng, sóng biển và tích hợp nhiều tính năng hữu ích như bộ đàm.

Chỉ nhượng lại cho người có tâm

“Có mấy lần tôi bị ốm nặng, nhiều người cứ khuyên tôi bán hết chỗ đài này đi nhưng tôi nhất quyết giữ, vì tôi muốn nhượng lại cho người có tâm. Tôi sưu tầm để chơi chứ không phải kinh doanh. Nếu để lại mà họ bán giá tăng quá nhiều so với giá trị thật cho người khác thì lần sau đến tôi nhất định không tiếp”, ông Bài khẳng định.

2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 2.

Để chứa được bộ sưu tập khổng lồ, ông phải dùng tới 2 căn nhà


Ông Bài cho hay, mỗi lô hàng về ông chỉ bán lại những chiếc đài lẻ cho người thực sự muốn chơi, còn đâu ông cất vào bộ sưu tập chứ nhất quyết không bán. Hàng ngày, ai yêu thích đài cassette thực sự có thể đến chơi, đàm đạo và ngắm đài thoải mái. Do vậy mà từ lâu, nhà ông Bài trở thành địa điểm quen thuộc của rất nhiều người có chung niềm đam mê với đài cassette.

Biết ông có sở thích sưu tầm đài, gia đình, con cháu ai cũng ủng hộ để ông theo đuổi đam mê. Tất nhiên, ngoài việc yêu thích thì vấn đề kinh tế cũng là thách thức hàng đầu, thế nên toàn bộ tiền lương hưu của ông đều đổ vào 2 căn nhà chất đầy cassette. Chưa tính khoản mua đài, riêng tiền thuê thợ bảo dưỡng, sửa chữa thì mỗi chiếc đài đã ngốn của ông 200.000 đồng.

“Trước tôi từng là lính trinh sát chuyên giải mật mã nên rất am hiểu và thích cassette. Sau khi nghỉ hưu, sức khỏe tôi yếu dần, bạn bè cũng không còn nhiều. Tôi chẳng đi đâu xa được nên khá buồn. Cách đây nhiều năm, có người mua tặng tôi vài cái đài, tôi vui mừng lắm, từ đó đến nay tôi sưu tầm đài như thú vui tuổi già. Gia đình, con cháu biết bố mê đài nên cứ để tôi làm điều mình thích”, ông chia sẻ.

Từng là dân trong nghề, nên ông vua sưu tầm đài cassette khá sành sỏi về đài. Chỉ cần nhìn qua series ông Bài có thể biết được đâu là loại tốt, loại hiếm.

Ông nói rằng, để biết được một chiếc cassette có “chất” hay không phải nhìn tử đỉnh đài. Nếu bề mặt mịn, không thấm nước mới là hàng tốt, còn nếu sần sùi, gồ ghề thì hẳn đã được mông má không còn nguyên bản.

Trong kho tàng khổng lồ của ông Bài hiện có những chiếc đài thuộc hàng hiếm bởi các hãng đã dừng sản xuất, nhiều người ngỏ ý muốn mua nhưng ông đều khước từ. Đặc biệt như chiếc cassette có hệ bản đồ 13 nước trên thế giới, gồm 13 dải băng, có thể nghe được đài từ 13 quốc gia. Hay các dòng đài Thủy quân lục chiến, những chiếc đài cổ được sản xuất từ năm 1960 đều nằm trong số những mặt hàng độc nhất vô nhị mà ai thuyết phục ông cũng lắc đầu.

“Tôi biết vì đam mê đài casstte khiến mình thêm vất vả, nhưng vì thích thì cũng ráng vượt qua. Tôi coi đây là điều ý nghĩa nhất khi về già. Hễ sau này có đi xa, tất cả ở lại đều là kỷ niệm đẹp, còn mọi thứ phía sau thì để các con quyết định”, ông tâm sự.

2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 3.

Ông Bài vô cùng yêu thích dòng đài Thủy quân lục chiến nên đã sưu tầm hơn 100 chiếc loại này.


2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 4.

Đài cassette khi mang về sẽ được thợ kiểm tra, sửa chữa lại toàn bộ sau đó mới mang đi trưng bày.


2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 5.

Chiếc đài cassette có hệ bản đồ 13 nước trên thế giới, gồm 13 dải băng, có thể nghe được đài phát thanh từ 13 quốc gia.


2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 6.

Trong kho tàng đài của ông Bài có nhiều chiếc đài được sản xuất từ năm 1960.


2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 7.

Cassette loại tốt thì đỉnh đài phải mịn, không thấm nước, còn nếu sần sùi, gồ ghề thì là loại đã được mông má không còn nguyên bản.


2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 8.

Ông Bài rất sành về đài cassette nên chỉ cần nhìn qua series có thể biết được đâu là loại tốt, loại hiếm


2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 9.

Phần lớn các thương hiệu đài trong “thủ phủ” khổng lồ của ông đều đến từ Nhật Bản.


2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 10.

Ông có sở thích sưu tầm lành mạnh nên cả gia đình ai cũng ủng hộ


Theo: Hoàng Dung

Vietnamnet 

2 toà nhà chứa đầy đài cassette Nhật: Gia tài độc nhất vô nhị của vua đất Cảng - Ảnh 11.