1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày càng xa nhau và chọn lối đi riêng

Hương Vũ

(Dân trí) - Sau cả thập kỷ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có mối quan hệ mật thiết về nhiều mặt. Tuy vậy, sau thương chiến và đại dịch Covid-19, kinh tế Mỹ và Trung Quốc bắt đầu đi theo hai hướng.

2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày càng xa nhau và chọn lối đi riêng - 1

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, các nhà đầu tư và nhà phân tích đều bày tỏ lo lắng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tách rời nhau và điều này sẽ gây cản trở đối với các công ty hoạt động trên trường quốc tế.

“Các tín hiệu cho thấy hai nền kinh tế đứng đầu thế giới đang dần xa rời nhau và chọn lối đi riêng”, giới quan sát nhận định.

Vài tháng gần đây, Washington nhắm vào nhiều đại gia công nghệ Trung Quốc, từ hãng viễn thông Huawei Technologies đến ByteDance - công ty mẹ của TikTok. Bắc Kinh cũng đang soạn thảo “danh sách thực thể không đáng tin”, được cho là sẽ đưa nhiều công ty nước ngoài vào danh sách hạn chế hoạt động tại đây.

Trung Quốc cũng muốn liệt kê các công ty nước ngoài vào danh sách đen nếu tiếp tục có quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhắc lại khả năng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào giai đoạn chia rẽ.

Tuy nhiên, các dữ liệu đa dạng gợi ý rằng tiến trình có thể hoàn toàn tạo nên thách thức, ít nhất cho tới hiện tại khi hai quốc gia đã liên tục duy trì quan hệ hợp tác trong thập kỷ qua.

Quan hệ thương mại

2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày càng xa nhau và chọn lối đi riêng - 2
Mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung được rất chú trọng. Ảnh: Getty

Phần lớn quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đều tập trung vào thương mại. Cả hai là những đối tác thương mại lớn của nhau trong rất nhiều năm qua. Tuy nhiên, kể từ sau khi chiến tranh thương mại nổ ra vào năm 2018, mối quan hệ này giảm sút phần nào.

Tuy nhiên, số liệu của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho thấy kim ngạch thương mại song phương hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước vẫn lên tới 636,8 tỷ USD năm ngoái.

“Mối quan hệ thương mại không đồng đều. Trong thương mại hàng hóa, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều hơn xuất khẩu sang các quốc gia châu Á nhưng trái lại có thể nhìn thấy trong thương mại dịch vụ, Trung Quốc mua từ Mỹ nhiều hơn số lượng họ bán ra”, dữ liệu của BEA chỉ ra.

Mặc dù dự đoán về khả năng “tách rời” giữa hai quốc gia nhưng Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy Trung Quốc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp Mỹ nhằm xoa dịu nông dân chịu ảnh hưởng. Đây là nhóm cử tri quan trọng với ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.

Cả hai nước đã giải quyết sự mất cân bằng thương mại lớn thông qua việc thúc đẩy Trung Quốc đồng ý nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng từ Mỹ trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa hai bên đã ký kết hồi đầu năm nay. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng thương mại giữa hai nước có thể xuống cấp hơn nữa trong năm nay, khi quan hệ xấu đi và đại dịch đe dọa các hoạt động kinh tế toàn cầu.

Chuỗi cung ứng

“Bên cạnh thương mại trực tiếp, Mỹ và Trung Quốc cũng trở nên ngày càng phụ thuộc lẫn nhau thông qua các mối liên kết chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng trong thập kỷ qua”, báo cáo nhận xét của Fitch Ratings tháng trước.

Chuỗi cung ứng là một mạng lưới phức tạp gồm các doanh nghiệp hợp tác với nhau để cung cấp nguyên liệu thô, sản phẩm trung gian hoặc kiến thức chuyên môn để sản xuất ra thành phẩm, dịch vụ tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu.

Các tính toán gần đây nhất của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) cho biết, trong năm 2015, đầu vào nước ngoài chiếm 12,2% trong tổng số các mặt hàng và dịch vụ tiêu thụ tại Mỹ. Trung Quốc là quốc gia đóng góp lớn nhất cho đầu vào nước ngoài, dữ liệu cho biết.

Một số hãng sản xuất tại Mỹ đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc để có nguyên liệu trung gian hoặc sản phẩm hoàn chỉnh, Fitch trích dẫn số liệu của OECD cho biết. Đó là các hãng dệt may, điện tử, kim loại và máy móc cơ bản.

Tại Trung Quốc, các nhà cung cấp nước ngoài chiếm khoảng 14,2% (tương đương với 1,4 nghìn tỷ USD) trong tổng hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ ở biên giới nước này vào năm 2015, dữ liệu của OECD cho biết.

Dòng vốn đầu tư

Mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong thương mại và chuỗi cung ứng có thể khó lung lay. Tuy nhiên, dòng chảy đầu tư giữa hai nước đã giảm sút khi căng thẳng song phương tăng nhiệt.

“Trong ba năm qua, tổng giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài và các thương vụ đầu tư mạo hiểm giữa các nước đã giảm”, số liệu của Rhodium Group cho biết.

Số liệu của Rhodium Group cho thấy trong 3 năm qua, tổng giá trị đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư mạo hiểm giữa hai nước đã giảm dần. “Xu hướng rõ rệt nhất là Trung Quốc giảm thâu tóm tài sản công nghệ Mỹ”, Rhodium Group cho biết trong báo cáo tháng trước.

2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc ngày càng xa nhau và chọn lối đi riêng - 3
Nhiều doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc nói rằng vẫn chưa muốn rời đi khỏi quốc gia châu Á, Fitch chỉ ra.

Cơ quan xếp hạng trích dẫn cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc thực hiện vào năm ngoái xác định 83% người tham gia trả lời, họ không cân nhắc việc chuyển địa điểm sản xuất hoặc tìm nguồn cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Fitch nói rằng, tỷ lệ các công ty có ý định ở lại Trung Quốc đã thay đổi so với cuộc khảo sát trước đây dao động từ 80% trong năm 2018 và 77% trong năm 2017.