1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

2 công trình nghệ thuật độc đáo trên sông Hàn “về đích”

2 công trình nổi tiếng nhất của TP Đà Nẵng hiện nay người ta thường ví von là công trình thế kỷ là cầu Rồng và cầu mới Trần Thị Lý đã về đích đúng lời hẹn của lãnh đạo TP với nhân dân, báo giới trong ngày 29/3/2013.

Trong sự tất bật thu dọn chuẩn bị đón chào ngày khánh thành, niềm vui như được nhân đôi hơn trên gương mặt, trong ánh mắt của những người lính thợ Cienco 1. Công trình đã hoàn thành mỹ mãn. Niềm vui ấy không chỉ dừng lại trên nụ cười tròn vạnh của những thợ cầu, của ngành GTVT Đà Nẵng, mà hồ hởi hơn nữa là của toàn thể nhân dân phố biển thủ phủ miền Trung bởi thêm niềm vui nối đôi bờ.
 
Cầu Trần Thị Lý mang đến nhiều đột phá đối với công nghệ xây dựng cầu tại Việt Nam
Cầu Trần Thị Lý mang đến nhiều đột phá đối với công nghệ xây dựng cầu tại Việt Nam

Một kỹ sư trẻ của Sở GTVT Đà Nẵng- đơn vị chủ đầu tư dự án, “đứng” ở cầu này nói cho tôi biết rằng, “nể” thợ cầu Cienco1 bởi đã thực sự làm chủ được công nghệ với tháp dây văng nghiêng 12 độ lần đầu tiên tại Việt Nam và lần thứ 2 trên thế giới.

Một chuyên gia đầu ngành về cầu cùng đi “thị sát” với tôi ngày cuối cùng để tưng bừng chào đón sự kiện trọng đại của nhân dân Đà thành cho hay, cầu mới Trần Thị Lý là công trình không những chỉ đảm bảo đơn thuần về hệ thống giao thông mà còn là 1 công trình nghệ thuật độc đáo.

Và cái khó của 1 công trình nghệ thuật ở đây chính là với 33 dây nhịp chính và 30 dây nhịp dẫn neo từ trụ tháp xuống dầm chính và mố, chiều dài dây từ 100- 280m, số lượng tao trong dây từ 33- 95 tao, mỗi tao gồm 7 sợi 15,7m, thi công theo hệ dây văng SSI2000 với công nghệ thi công căng từng tao. Trụ tháp thi công bằng hệ ván khuôn leo và cẩu tháp tốc độ trung bình 7 ngày/ 1 đốt tháp cao 4m.

Mà tháp dây văng phải nghiêng 12 độ, tiết diện phải thay đổi từ chân tháp đến đỉnh tháp đòi hỏi thợ cầu phải vừa làm vừa học hỏi các chuyên gia nước ngoài về cáp dây văng mới chủ động được công nghệ này. Đồng thời, dầm hộp ở công trình này lại có thành bê tông mỏng nhất Việt Nam hiện nay, sườn đứng 20cm, cốt liệu dùng trong cấp phối bê tông cực kỳ chính xác nên bắt buộc sự quản lý hết sức chặt chẽ. Và kết quả hôm nay, đứng dưới trụ tháp nghiêng dây văng sừng sững đã minh chứng cho thấy, lính thợ Cienco 1 đã học hỏi và làm chủ công nghệ rất nhanh, vận hành vào thực tiễn rất tài tình.

Giỏi hơn nữa là mặt dầm dẫn của cầu được thi công bằng hệ đà giáo đẩy do Cienco 1 tự chế tạo. Chiều dài mỗi nhịp dầm dẫn là 50- 60m, khối lượng bê tông 1200- 1600m3, thời gian thi công trung bình 60 ngày/nhịp. Dầm chính thi công trên hệ đà giáo cố định thay đổi so với phương án TKKT bằng xe đúc hẫng, thời gian là 7 ngày/ 1 đốt dầm 6m.

Công trình hoàn thành với 6 làn xe, tải trọng HL93, dài 759,6m (kể cả 2 mố), rộng 34,5m, được khởi công vào ngày 22/4/2010 và thời gian dự kiến hoàn thành ban đầu là tháng 7/2013. Nhưng sau khi thấy được sự tốc lực của những thợ cầu Cienco1 đã xong các hạng mục công trình sớm hơn dự kiến khoảng 3 tháng, lãnh đạo TPĐN quyết tâm đốc thúc công trình đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành đúng dịp trọng đại ngày giải phóng TP vì vậy đã trở thành công trình manh tính lịch sử.

Giám đốc dự án Ngô Bá Toản tổng kết, những ngày còn thi công, toàn bộ công trình có khoảng 300 công nhân làm việc 3 ca liên tục. Tất cả đều được đào tạo là thợ kỹ thuật có bậc nghề của Tổng công ty chứ không phải là lao động phổ thông.

Thợ cầu Rồng: công trình “vĩ đại”

Biểu tượng Rồng vươn ra biển lớn đã uy nghi, lộng lẫy bằng con Rồng thép ngay giữa trung tâm đôi bờ sông Hàn những ngày tháng Ba lịch sử. Nhìn những đôi tay của những thợ cầu tất tưởi lau chùi thành lan can cầu để vệ sinh sạch sẽ đón ngày khánh thành, tôi chợt lại nhớ một câu nói của T.S Đặng Việt Dũng- Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng như thể đã “ghim” thành thương hiệu của những người lính Cienco 1 “Chính bàn tay của những người thợ cầu trên sông Hàn mới là hương tỏa cho nhân dân đôi bờ Đà Nẵng”.
 
Cầu Rồng lúc về đêm
Cầu Rồng lúc về đêm

Đó là chưa kể đến việc thi công dầm thép bằng hệ đà giáo cọc khoan nhồi D1m và cao độ từ 38m đến 45m. Sau đó dùng cầu long môn có tải trọng 100 tấn di chuyển trên hệ đà giáo cọc khoan nhồi để nâng hạ các đốt dầm có tải trọng 80 tấn/ 1 đốt.

Một thợ cầu làm ở Tổ giàn giáo gặp lại tôi trong niềm vui phấn chấn ngày chuẩn bị khánh thành, chia sẻ, việc xiết bu lông nghe thì tưởng như đơn giản lắm nhưng thực sự đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ từng li một đó. Phải chịu khó tỉ mẩn từng con bu lông một, phải xem việc xiết từng con bu lông như uốn từng nét chữ của mình thì “trang” giàn giáo mới chuẩn được, mới chắc được. Để có được dáng Rồng lừng lẫy như ngày hoàn thành hôm nay, là cả một quá trình lao động miệt mài, không ngừng học hỏi của đội lính thợ như chúng tôi.
 
Cầu Rồng lúc về đêm

Chia tay những người thợ cầu Rồng, với tôi đây là 1 công trình mang tầm “vĩ đại” bởi lối kiến trúc nghệ thuật độc đáo có một không hai tại Việt Nam cho đến thời điểm này. Mà một công trình “vĩ đại” mang tầm vóc thế kỷ như thế thì ắt hẳn những bàn tay, khối óc, những con người xây dựng nên cũng là những con người “vĩ đại”.

PV