11 dự án thua lỗ, yếu kém của Bộ Công Thương sẽ về “siêu” uỷ ban
(Dân trí) - Ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ có 11 trong tổng số 12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn và Doanh nghiệp Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh đã chính thức ký kết bàn giao nhiệm vụ xử lý một số dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả từ Bộ Công Thương sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết sẽ có 11/12 dự án được chuyển về Uỷ ban. Còn lại dự án nhà máy bột giấy Phương Nam sẽ tiếp tục bàn giao trong thời gian tới.
“Mặc dù bàn giao song Bộ Công Thương vẫn sẽ tiếp tục phối hợp với Uỷ ban thực hiện nhiệm vụ của mình liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp trong khuôn khổ mới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước – ông Nguyễn Hoàng Anh cũng nhấn mạnh, hai bên sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp để xử lý tồn đọng liên quan đến các dự án bàn giao.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước nhấn mạnh, hai bên sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp để xử lý tồn đọng liên quan đến các dự án bàn giao.
Trong quá trình xử lý các dự án yếu kém này, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhấn mạnh đến việc tăng trách nhiệm của người đứng đầu Tập đoàn, tổng công ty có dự án thua lỗ, kém hiệu quả.
“Trách nhiệm của các chủ tịch, tổng giám đốc là rất nặng nề. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá có hoàn thành nhiệm vụ hay không. 2 năm không thoàn thành nhiệm vụ là có vấn đề rồi”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Trong khi người đứng đầu Bộ Công Thương cho rằng 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả là “bài học sâu sắc” thì ông Hoàng Anh nhấn mạnh việc xử lý các dự án này là rất “nặng nề”, cần được tăng cường phối hợp giữa cả hai bên thời gian tới.
Theo báo cáo được đại diện Bộ Công Thương đưa ra ngay tại lễ bàn giao, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018, đã có 2 nhà máy hoạt động có lãi.
Cụ thể, nhà máy phân bón DAP số 1 – Hải Phòng có lợi nhuận đạt 195 tỷ đồng; nhà máy thép Việt – Trung có lãi 456 tỷ đồng.
4 dự án còn lại vẫn tiếp tục khắc phục khó khăn để sản xuất. Trong đó, nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 266 tỷ đồng; nhà máy phân bón DAP số 2 Lào Cai giảm lỗ 288 tỷ đồng và nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ 10 tỷ đồng so với năm 2017.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và một dự án đã hoàn tất công tác để khởi công trở lại.
Trong đó, dự án nhà máy xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng từ 20/4/2018 và nâng lên 10 dây chuyền từ 13/1/2019. Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã vận hành từ 14/10/2018…
Còn lại 3 dự án xây dựng dở dang, Bộ Công Thương cho biết Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn định giá lại dự án ngoài Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam và trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án tổ chức đấu giá.
Trong khi đó, dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ lại tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính, các cổ đông ngoài ngành không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án.
Còn dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ...
Nguyễn Mạnh