1.000 tỷ USD "tháo chạy" khỏi Trung Quốc, Việt Nam có hưởng lợi?

(Dân trí) - Theo Bloomberg, số vốn ra khỏi Trung Quốc năm 2015 là khoảng 1.000 tỷ USD, lớn gấp 7 lần so với con số 134,3 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang thu hút được phần nào trong số vốn ra khỏi Trung Quốc thời gian qua.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc kéo theo nhiều hệ lụy

Đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tại báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2016 cho hay, là một nền kinh tế lớn, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể kéo theo nhiều hệ lụy tới các nước xung quanh trong đó có Việt Nam.


Hàng Trung Quốc chiếm cơ cấu lớn trong nhập khẩu của Việt Nam

Hàng Trung Quốc chiếm cơ cấu lớn trong nhập khẩu của Việt Nam

Tác động tới Việt Nam có thể từ nhiều kênh khác nhau: ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng do cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc giảm; ảnh hưởng từ các biện pháp kích thích tăng trưởng mà Trung Quốc đang và sẽ thực hiện nhằm phục hồi tăng trưởng; ảnh hưởng gián tiếp từ môi trường toàn cầu nói chung do các nền kinh tế khác cũng bị tác động.

Chính phủ Trung Quốc đã thi hành một loạt các giải pháp khác nhau nhằm ngăn chặn đà suy giảm của tăng trưởng. Các giải pháp quan trọng có thể kể đến việc phá giá đồng nhân dân tệ (CNY) và cắt giảm lãi suất.

Cho tới cuối năm 2015, sau 4 lần điều chỉnh, Trung Quốc đã phá giá đồng CNY khoảng 4,6%. Việc phá giá đồng CNY có mục tiêu chính nhằm tăng cường quốc tế hóa đồng CNY và nhiều mục tiêu khác (trong đó có cả mục tiêu phục hồi tỷ giá do trong một thời gian dài đồng tiền này lên giá so với đồng USD), tuy nhiên cũng có lý do xuất phát từ chỉ số xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh.

Theo nhận định của CIEM, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc có tác động khá rõ nét với Việt Nam về mặt danh nghĩa. Kỳ vọng về việc VND bị phá giá theo đã gây sức ép khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tỷ nới biên độ giao dịch lên mức +/-2% nhằm phục hồi sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Mặc dù vậy kết quả thương mại Việt Nam - Trung Quốc cuối năm 2015 vẫn cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường mà Việt Nam phụ thuộc nhiều nhất trong cán cân thương mại khi nhập siêu 32,3 tỷ USD trong cả năm, tăng 12,5% so với năm trước và lớn gấp nhiều lần mức nhập siêu chung của toàn nền kinh tế (3,2 tỷ USD).

"Kết quả của một số nghiên cứu gần đây cũng cho rằng, nếu Việt Nam phá giá VND để thúc đẩy xuất khẩu, thì sẽ dẫn đến nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng theo. Kết luận này cũng lý giải tại sao trong nhiều năm qua, Việt Nam phá giá rất mạnh VND, còn đồng CNY thì tăng giá so với USD, nhưng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn gia tăng mạnh. Vấn đề không phải do tỷ giá được xác định cao hay thấp, mà là do cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu đầu tư hướng vào xuất khẩu." - báo cáo của CIEM lưu ý.

Việt Nam phá giá VND, nhập khẩu từ Trung Quốc càng tăng

Ngoài ra, theo đánh giá của CIEM, suy giảm kinh tế và phá giá đồng CNY cũng có thể dẫn đến hệ lụy làm cho dòng đầu tư vào Việt Nam bị giảm sút do giá nguyên liệu tăng cao và phần lớn nguyên liệu sử dụng của các doanh nghiệp FDI là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc ảnh hưởng lớn đến các nước trong khu vực
Việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc ảnh hưởng lớn đến các nước trong khu vực

Mặc dù xu hướng chung, dòng FDI vào Việt Nam trong 2015 vẫn tăng 10% (24,1 tỷ USD vốn đăng ký) phần lớn được cho là do kỳ vọng của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, mức tăng vốn đăng ký này cũng không nhiều so với thời điểm sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Ở khía cạnh khác, do tác động của suy giảm kinh tế, dòng vốn chạy ra khỏi Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng. Theo Bloomberg, số vốn ra khỏi Trung Quốc năm 2015 là khoảng 1.000 tỷ USD, lớn gấp 7 lần so với con số 134,3 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang thu hút được phần nào trong số vốn ra khỏi Trung Quốc thời gian qua.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng tiến hành giảm mạnh lãi suất. Trung Quốc 6 lần hạ lãi suất; lãi suất cho vay danh nghĩa giảm từ mức 5,6% cuối năm 2014 về mức 4,35% trong tháng 1/2016, trong khi lãi suất huy động giảm từ 2,75% về mức 1,5%.

Báo cáo của CIEM cho rằng, việc Trung Quốc hạ lãi suất về ngắn hạn có thể có tác động tiêu cực đáng lo ngại cho doanh nghiệp Việt Nam. Khi lãi suất giảm, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng sản xuất, hàng hóa Trung Quốc sẽ nhiều và cạnh tranh về giá. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc càng khó khăn. Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc xuất sang thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nếu việc hạ lãi suất giúp chặn được đà suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc, về dài hạn Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi từ mức độ tăng trưởng chung của Trung Quốc.

Ngoài ra, CIEM cũng đánh giá, việc các nước trong khu vực đều chịu nhiều tác động tiêu cực từ việc Trung Quốc suy giảm tăng trưởng có ảnh hưởng nhất định tới ảnh hưởng nhất định tới quá trình chuyển hướng thương mại, giảm phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc. Đồng thời cũng tác động tiêu cực đến các kênh đầu tư do các nhà đầu tư có thể gặp khó khăn từ trong nước.

Thực tế cho thấy năm 2015, rất ít dự án lớn (trên 1 tỷ USD) đổ vào Việt Nam, mặc dù là năm khá thành công trong việc tham gia các cam kết hội nhập khu vực.

Bích Diệp

1.000 tỷ USD "tháo chạy" khỏi Trung Quốc, Việt Nam có hưởng lợi? - 3