10 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới
(Dân trí) - Bạn là người quan tâm đến thị trường tài chính? Bạn muốn biết nơi nào có khả năng chống chọi vững vàng nhất trong bối cảnh kinh tế đầy biến động hiện nay? Bảng xếp hạng thường niên các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vừa được công bố.
Bản xếp hạng uy tín này được gọi là Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu (Global Financial Centers Index), do tập đoàn tư vấn Z/Yen của Anh thực hiện. Việc xếp hạng dựa trên đánh giá tổng quan về quy mô của các công ty tài chính tham gia hoạt động trên thị trường, cùng với một số yếu tố khác, như tổng số dự án đầu tư.
Từ London đến Sydney, sự ghanh đua giữa các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới chưa bao giờ khốc liệt như thời gian vừa qua. Hãy cũng “điểm mặt” 10 địa bàn có hoạt động tài chính sôi động nhất thế giới, bắt đầu từ vị trí thứ 10:
10. Sydney
Chất lượng cuộc sống cao và sở hữu những lợi thế của các thị trường sử dụng Anh ngữ giúp thành phố Sydney của Úc trở thành một địa chỉ không thể thiếu trên bản đồ tài chính thế giới.
![]() |
Nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trên đà phát triển mạnh mẽ, Sydney là trung tâm tài chính ngân hàng hàng đầu khu vực và thế giới. Mặc dù vị trí địa lý xa xôi và cách biệt bởi đại dương rộng lớn, thành phố cảng Sydney của nước Úc vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với nhân tài, nhờ khí hậu gần như nắng ấm quanh năm và nét văn hoá riêng biệt.
9. Tokyo
Thủ đô của Nhật Bản từng bước một đã vươn dậy sau cơn khủng hoảng kinh tế hồi thập niên 90, và giờ đây trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 2 thế giới về giá trị vốn hoá thị trường.
![]() |
Nguồn vốn chảy vào dồi dào kết hợp với đời sống tiện nghi vào bậc nhất biến Tokyo trở thành thành phố hiện đại và sang trọng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thủ đô của đất nước mặt trời mọc đang đứng trước một thách thức lớn: kém hấp dẫn nhân tài thế giới và hệ thống pháp lý nhiều rào cản. Nếu không có hướng giải quyết sớm vấn đề này, Tokyo có thể mất lợi thế cạnh tranh so với một số thành phố khác của châu Á trong lĩnh vực tài chính.
8. Chicago
![]() |
Trung tâm tài chính lớn thứ hai của Mỹ, sau New York, không chỉ nổi tiếng với Hồ Michigan và các giải cúp Chicago. Trên thực tế, thành phố này có môi trường kinh doanh nói chung thuộc loại hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tác động từ cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn có thể phần nào gây ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Chicago. Tuy nhiên, dù sao cũng không thể phủ nhận rằng chừng nào nhu cầu ký kết hợp đồng kỳ hạn và các dịch vụ chuyên nghiệp còn tồn tại thì Chicago còn “dư sức” cạnh tranh với nhiều đối thủ khác trên thế giới.
7. Geneva
![]() |
Thành phố Geneva của Thụy Sĩ có “ngoại hình” hơn hẳn nhiều trung tâm tài chính khác trên thế giới. Điều này tưởng như không có gì quan trọng nhưng đã phần nào giúp Geneva có tên trong Top 10 này. Geneva được coi là một Zurich (vị trí thứ 5) thu nhỏ. Lợi thế của thành phố xinh đẹp này là hoạt động quản lý tài sản, nghiệp vụ ngân hàng và hệ thống quy định thuận lợi.
6. Frankfurt
![]() |
Đây được coi là thủ đô tài chính của nước Đức, nhưng những định kiến về hình thức của Frankfurt là rào cản đối với các công ty trong nỗ lực thu hút nhân tài. Tuy nhiên, quan niệm này đang dần thay đổi, khi Frankfurt đã giữ chân được nhiều giáo sư và chuyên gia hàng đầu. Những bước cải tiến đó cộng với thế mạnh về dịch vụ tài chính chuyên nghiệp đã đưa Frankfurt đến vị trí giữa bảng Top 10.
5. Zurich
![]() |
Là quê hương của một số tổ chức tài chính hàng đầu thế giới, thành phố Zurich hiện dần đầu thế giới trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng tư và quản lý tài sản. Sự ổn định về chính sách và hệ thống quy định pháp luật, cùng với uy tín lâu năm về việc đảm bảo bí mật tài chính cho khách hàng, đã đưa thành phố yên bình này của Thuỵ Sĩ vượt qua nhiều đối thủ nặng ký khác trên thị trường tài chính thế giới.
4. Singapore
![]() |
Singapore, thành phố nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á, là nơi có dịch vụ ngân hàng đẳng cấp quốc tế và dịch vụ hạ tầng hàng đầu thế giới. Singapore còn là một trong số ít thành phố lên điểm trong bảng xếp hạng các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, chủ yếu do những cải tiến đáng nể trong lĩnh vực dịch vụ tài chính chuyên nghiệp. Singapore là nơi có mức thuế doanh nghiệp thấp thứ 2 trong các thành phố được khảo sát, vì thế có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn lớn.
3. Hồng Kông
![]() |
Sự bước phát triển vượt bậc của Trung Quốc trên thị trường tài chính toàn cầu càng gia tăng thế mạnh cho Hồng Kông. Thành phố này nằm ở trung tâm châu Á, mang đầy đủ những lợi thế của một khu vực kinh tế phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó là vị thế lâu năm của Hồng Kông trong hoạt động tài chính toàn cầu.
2. New York
![]() |
Thành phố này đang lăm le vượt thủ đô London của nước Anh trên bản đồ tài chính thế giới. Cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn có lẽ là một bước cản lớn nhất đối với New York trong cuộc chạy đua này. Tuy nhiên, giới đầu tư đang có những phản ứng tích cực trước nỗ lực không ngừng của chính phủ Mỹ trong việc ổn định nền kinh tế và thị trường tài chính.
1. London
![]() |
Một thủ đô thịnh vượng, sự tập trung đông đảo các chuyên gia tài năng và giàu kinh nghiệm, một môi trường pháp lý ổn định - đó là tất cả những gì cơ bản nhất giúp London trụ vững ở vị trí trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều ý kiến lo lắng trước việc chính phủ Anh quốc hữu hoá ngân hàng Northern Rock và kế hoạch áp dụng mức thuế 60.000 USD/người đối với công dân nước ngoài sống tại Anh trên 7 năm. Điều này cộng với cơ sở hạ tầng đang ngày một già cỗi của thành phố khiến London cũng đứng trước nguy cơ bị soán ngôi.
Đặng Lê
Theo BusinessWeek