10 tháng, tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 9%
(Dân trí) - Tính đến 31/10, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế mới tăng 8,63% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, theo khẳng định của đại diện NHNN, cơ quan này sẽ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12-14% trong năm 2014.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Thời gian qua, NHNN đã ban hành một số chính sách tín dụng hỗ trợ cho 5 lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối đủ nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay 5 lĩnh vực này. Mặc khác từng bước tháo gỡ các rào cản nhằm đưa dòng vốn tín dụng chảy vào thị trường bất động sản, tiến tới gỡ bỏ các rào cản cho vay đối với lĩnh vực này. Nhờ đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục được chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Về cơ cấu tín dụng hiện nay, đến cuối tháng 9, dư nợ phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm 19% dư nợ nền kinh tế, tăng 7 % so với cuối năm 2013; Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa cho vay doanh nghiệp xuất khẩu chiếm 29% dư nợ nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2013; Dư nợ cho vay công nghiệp hỗ trợ tăng 7% so với cuối năm 2013; Dư nợ cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 15,4% so với cuối năm 2013.
10 tháng đầu năm, tín dụng tăng chưa đến 9%, vậy theo ông, đến cuối năm nay, mức tăng trưởng tín dụng có đạt được mục tiêu đề ra hay không? Đặc biệt, việc các ngân hàng cố gắng để đạt mức tăng trưởng tín dụng có làm tăng nợ xấu?
Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đưa mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 12-14%. Đến cuối tháng 10/2014, tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 8,63% so với cuối năm 2013. Mức tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm chưa cao do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu giảm và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp.
Tuy nhiên, với việc chỉ đạo và triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra của ngành ngân hàng, cũng như quy luật tín dụng thường tăng mạnh trong những tháng cuối năm, NHNN tin tưởng và không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 12-14% trong năm 2014.
Về việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, NHNN chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng luôn đi đôi với kiểm soát nhằm đảm bảo hiệu quả an đoàn vốn vay và xử lý nợ xấu.
Một số ý kiến lo ngại, việc tăng trưởng tín dụng bị “dồn toa” vào cuối năm liệu có thực chất hay chỉ là những nỗ lực để làm đẹp con số, thưa ông?
Trước hết phải khẳng định rằng, nhu cầu vay của các doanh nghiệp thường tăng cao vào cuối năm nhằm phục vụ nhu cầu của thị trường, tăng vào các dịp như tết dương lịch, tết nguyên đán ... Bản thân các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cũng đẩy mạnh hoạt động để hoàn thành mục tiêu kinh doanh cả năm. Tín dụng cũng vì thế tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu là bình thường.
NHNN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng và tích cực xử lý nợ xấu. Mục tiêu lớn nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giải quyết nợ xấu để tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.
Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Tích cực xử lý nợ xấu và triển khai các giải pháp phòng ngừa nợ xấu gia tăng theo Thông tư 09/2014 của NHNN; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp đối với doanh nghiệp để từ đó các doanh nghiệp có điều kiện giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiêu thụ hàng hóa.
Tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương ở các tỉnh thành triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, thông qua đó đối thoại, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp...
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đã đề ra, việc chỉ đạo và triển khai quyết liệt của ngành Ngân hàng là chưa đủ mà cần có sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp từ đó tăng sức cầu về vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Thời gian qua, tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao hơn sau khi áp dụng Thông tư 29 về việc cho phép một số đối tượng được vay ngoại tệ, liệu có rủi ro gì đối với nền kinh tế khi chúng ta đẩy mạnh việc chống đô la hóa?
Từ đầu năm đến nay, tín dụng ngoại tệ có xu hướng tăng cao nhằm phục vụ cho một số lĩnh vực thiết yếu, các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, các doanh nghiệp được vay ngoại tệ đều phải đáp ứng nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu để trả nợ.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, NHNN dự kiến duy trì ổn định tỷ giá đến hết năm 2014 và việc lãi suất cho vay bằng VND đang cao hơn lãi suất cho vay bằng USD (từ 3%-5%/năm) đã khiến cho các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang vay bằng ngoại tệ để giảm thiểu chi phí lãi vay, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao thời gian qua là chưa đáng lo ngại và nằm trong khả năng kiểm soát của NHNN. Dư nợ tín dụng ngoại tệ hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, ở mức 15% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Nếu tính cả các khoản tiền gửi ngoại tệ trong nước và nguồn vốn nước ngoài thì hệ số sử dụng vốn ngoại tệ khá thấp, chỉ khoảng từ 50-60%.
Mặt khác, NHNN chỉ cho phép các ngân hàng thương mại cấp tín dụng ngoại tệ đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ sẽ không tạo áp lực tới trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng. Đối với trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ nhưng không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay, các ngân hàng chỉ xem xét cho vay đối với các nhu cầu vốn để phục vụ các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích của Chính phủ nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Các số liệu về xuất nhập khẩu, tình hình đầu tư nước ngoài và cán cân vốn trong 10 tháng đầu năm cho thấy cung cầu về ngoại tệ vẫn bình thường và được kiểm soát. Về lâu dài, NHNN vẫn kiên định với mục tiêu chống đô la hóa trong nền kinh tế nhưng có sự linh hoạt trong những giai đoạn cụ thể.
- Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hiền