1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

10 sự kiện kinh tế VN 2005

Kết quả 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2005, do Thời báo kinh tế Sài Gòn bình chọn, xin giới thiệu cùng độc giả.

1. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao nhất kể từ tám năm qua

 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2005 dự kiến lên đến 5,8 tỉ đô la, tăng khoảng 38% so với năm trước, đạt mức cao nhất trong tám năm qua, từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Quan trọng hơn, trong số các dự án đầu tư mới có nhiều dự án quy mô lớn của các tập đoàn có uy tín, biểu hiện rõ nét xu hướng chọn Việt Nam làm căn cứ sản xuất để tiêu thụ toàn cầu của một số tập đoàn đa quốc gia.

 

Tuy nhiên, dòng vốn FDI vẫn chưa bằng mức 9,7 tỉ đã từng đạt được vào năm 1996 và nhiều chuyên gia nước ngoài cảnh báo hiện tượng một số dự án gây ô nhiễm môi trường cũng có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

 

2. Lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ

 

Chuyến thăm và làm việc lần đầu tiên của Thủ tướng Phan Văn Khải đến Mỹ vào tháng 6- 2005 đánh dấu sự cải thiện hơn nữa quan hệ giữa hai nước sau những cải thiện về quan hệ kinh tế.

 

3. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 8,4%

 

Chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2005 tăng khoảng 8,4%. Tuy thấp hơn mức 9,5% của năm trước nhưng đáng chú ý là mức giá tăng cao của những mặt hàng liên quan đến đời sống người dân như giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu. Giá vàng tăng đột biến và thay đổi bất thường, có lúc tăng đến 10,48 triệu đồng/lượng, tuy không tác động nhiều đến sản xuất và sinh hoạt nhưng lại góp phần làm đóng băng thị trường nhà đất.

 

4. Kim ngạch xuất khẩu tăng cao hơn dự kiến, đạt 32,2 tỉ đô la

 

Trái với dự báo khá bi quan hồi đầu năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2005 có khả năng đạt 32,2 tỉ đô la, tăng 21,6% so với năm trước. Tuy nhiên, mức tăng này cũng có phần nhờ tăng giá xuất khẩu nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Năm nay yếu tố giá tăng chiếm đến 11% kim ngạch xuất khẩu.

 

5. Dịch cúm gia cầm gây thiệt hại lớn

 

Cho đến cuối năm vẫn chưa có trường hợp cúm gia cầm lây từ người sang người thành một đại dịch như cảnh báo, tuy vậy vẫn còn là nguy cơ lớn. Dịch cúm gia cầm và tác động tâm lý của nó đã gây ra thiệt hại to lớn, chưa tính hết được, cho ngành chăn nuôi và cho người dân. Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm bùng phát, nhưng mặt khác các bộ, ngành liên quan chưa có sự nhất quán, rõ ràng trong việc đưa ra các khuyến cáo về tiêu thụ thịt gia cầm sạch.

 

6. Thị trường bất động sản đóng băng

 

Những thay đổi trong chính sách nhà đất, các quy định luật pháp chưa rõ ràng, giá vàng tăng vọt, giá nhà đất đứng ở mức cao, vượt khả năng của người có nhu cầu thật sự... là những nguyên nhân làm thị trường địa ốc năm 2005 đóng băng. Nhiều doanh nghiệp địa ốc có nguy cơ phá sản, có khả năng ảnh hưởng đến nguồn vốn vay ngân hàng. 

 

7. Nỗ lực đàm phán gia nhập WTO chưa đạt kết quả

 

Trái với dự báo và mong đợi của nhiều người, Việt Nam đã  không trở thành thành viên của WTO vào tháng 12-2005. Nhiều ý kiến tranh luận đã nổ ra nhân sự kiện này.

 

8. Phát hành thành công trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế

 

Lần đầu tiên Việt Nam phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính thế giới vào tháng 10-2005, huy động được 750 triệu đô la với lãi suất 7,125%/năm. Mức lãi suất này cho thấy hệ số uy tín tín dụng của Việt Nam, qua đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín dụng, đã tăng hơn so với trước và hiện cao hơn một số nước trong khu vực (lãi suất trái phiếu chính phủ Philippines giao dịch ở mức 8,1%/năm, còn trái phiếu chính phủ Indonesia giao dịch ở mức 7,8%/năm).

 

9. Khởi công và hoàn thành nhiều công trình điện lớn

 

Tháng 12-2005, Chính phủ đã khởi công xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, có công suất 2.420 MW, cho sản lượng điện hàng năm trên 9,4 tỉ kWh. Trong năm cũng đã hoàn thành việc xây dựng cụm năm nhà máy điện tại Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu, vào tháng 4-2005, có tổng công suất thiết kế 2.258 MW. Nếu tính cả hai nhà máy do các công ty nước ngoài đầu tư, tổng công suất của trung tâm điện lực lớn nhất nước này lên đến 3.859 MW, gấp đôi công suất Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Tháng 10-2005, Tổng công ty Điện lực Việt Nam cũng khánh thành đường dây 500 KV Bắc Nam thứ hai. Đó là những bước chuẩn bị đáp ứng nhu cầu tăng cao về điện trong những năm tới.

 

10. Nhiều vụ thông đồng rút ruột vốn nhà nước

 

Một hiện tượng nổi lên trong năm 2005 là chuyện một số quan chức, đương chức hay đã nghỉ hưu, hoặc thông qua người thân của họ đứng tên thành lập các công ty tư nhân, rồi dựa vào mối quan hệ có sẵn để thông đồng với lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị nhà nước giành lấy những hợp đồng cung ứng béo bở, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và quyền lợi của người dân.

 

Điển hình cho loại hình “công ty một nhà” này là các vụ tiêu cực đã phát hiện ở Công ty Điện lực TPHCM, các dấu hiệu vi phạm trong việc thực hiện các hợp đồng cung ứng vật tư tại Công ty Cấp nước TPHCM, dự án xây dựng hạ tầng và nhà ở cho cán bộ công nhân viên thuộc dự án Nhà máy Xi măng Hải Phòng, đường dây chạy vật tư liên quan đến hơn 30 bưu điện khắp cả nước...  

 

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn