1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

10 bước giúp bạn đạt mục tiêu thăng tiến

(Dân trí) - Bạn đã cảm thấy chán ngán với vị trí hiện tại ở công ty và muốn được cất nhắc lên một vị trí cao hơn. Tuy nhiên, thăng tiến bằng một con đường chân chính, không thủ đoạn, là việc không hề dễ dàng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ai cũng biết rằng, điều quan trọng nhất để một nhân viên được cấp trên chú ý và cất nhắc là nhân viên đó phải làm được nhiều việc hơn kỳ vọng, với kết quả xuất sắc nổi trội hơn hẳn những người khác. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu và thăng tiến đòi hỏi phải có nhiều yếu tố khác.

Dưới đây là 10 bước giúp bạn đạt được mục tiêu tiến những bước cao hơn, xa hơn trên chiếc thang sự nghiệp:

1. Tìm ra niềm đam mê của bạn

Vì sao bạn muốn được cất nhắc? Những lợi ích mà bạn sẽ có thêm từ sự cất nhắc đó là gì? Liệu bạn có tin là bạn có phẩm chất hay kỹ năng gì đó đặc biệt cần thiết cho vị trí mà bạn đang hướng tới?

Thành công đòi hỏi niềm đam mê và tình yêu của bạn đối với những gì bạn làm. Hãy là nhân viên đến công sở sớm và về muộn hơn những người khác. Hãy là người nhân viên mà các sếp của bạn không bao giờ muốn để mất.

Bên cạnh đó, nếu muốn thăng tiến, bạn cũng cần tự hào về công việc mình làm, cho dù đó là những nhiệm vụ tưởng như “lặt vặt” nhất. Tự hào về bản thân và công ty của bạn. Nếu bạn không có được sự tự hào đó, thì hãy xem xét lại mục tiêu thăng tiến của bạn, bởi vì, bạn không xứng đáng có được vị trí mà bạn mơ ước.

2. Giữ thái độ lạc quan


Đừng bao giờ phàn nàn về công việc, khách hàng, đồng nghiệp hay các sếp. Đây là một nguyên tắc bất di bất dịch cho những ai muốn thăng tiến. Cho dù bạn phải làm một công việc khó khăn, giao dịch với một khách hàng khó tính, hãy luôn giữ thái độ tích cực. Đương nhiên, sẽ rất khó để nhìn ra mặt tốt của vấn đề nếu bạn đang cảm thấy bực mình với công việc, nhưng hãy xem đó như một thử thách đáng giá để vượt qua vì con đường thăng tiến của bạn.

Liệu ai sẽ muốn cất nhắc bạn lên một vị trí cao hơn nếu như bạn tỏ ra ghét bỏ công việc mà bạn đang làm? Ai cũng muốn ở bên những người lạc quan và tràn đây nhiệt huyết. Hãy chứng tỏ với cấp trên rằng, bạn thực sự là một người như thế.

3. Biến những lời nhận xét bất lợi thành lợi thế

Thay vì tỏ thái độ chống chế khi nhận được những lời phản hồi bất lợi, hãy đón nhận và suy ngẫm về những nhận xét đó. Những lời phê bình chính là những lời khuyên tốt nhất mà bạn có được.

Thực ra, ai cũng đều muốn được nghe những lời nhận xét tốt về công việc, nhưng những lời nhận xét như vậy lại không thúc đẩy chúng ta làm tốt hơn. Thay vào đó, những lời nhận xét tích cực thường khiến chúng ta rơi vào cảm giác tự mãn với những gì mình đang có. Bởi thế, hãy sử dụng những lời phê bình như một cơ hội để phát triển.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 


4. Mở rộng các kỹ năng

Hãy thường xuyên thử thách bản thân bằng cách nhận những nhiệm vụ mà bạn có thiếu kinh nghiệm, xem những nhiệm vụ đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Hãy xem mọi nhiệm vụ như cơ hội để phát triển sự nghiệp và phát triển các kỹ năng mới. Cho dù thất bại, bạn vẫn sẽ học được điều gì đó mới mẻ. Còn nếu bạn thành công, điều đó chứng tỏ bạn luôn có thể làm được những việc tốt hơn, từ đó cơ hội bạn được sếp chú ý và cất nhắc sẽ lớn hơn. Ngoài ra, việc nhận những nhiệm vụ mới còn giúp bạn mở rộng được các mối quan hệ.

5. Biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của bản thân


Liệu các thế mạnh của bạn có được phát huy nếu bạn được cất nhăc? Hay bạn thiếu những thế mạnh cần thiết để thành công ở một vị trí cao hơn? Hãy dành thời gian tập trung vào những việc mà bạn chưa làm tốt. Nếu bạn không giải quyết được các điểm yếu của bản thân, bạn sẽ khó được cất nhắc, và nếu có thì cũng sẽ khó làm tốt nhiệm vụ. Nỗ lực cải thiện điểm yếu cũng cho sếp thấy, bạn là một người biết nhìn nhận và vượt qua những hạn chế của bản thân.

6. Đưa ra sáng kiến


Hãy tìm kiếm và tự nguyện làm những công việc ở cấp độ cao hơn. Việc bạn sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ cho sếp thấy, bạn đã có đủ khả năng cho vị trí cao hơn và bạn đang bắt đầu phát triển vượt ra khỏi vị trí hiện tại.

7. Không nên lúc nào cũng chỉ làm mọi việc ở mức an toàn

Hãy thử nghiệm các ý tưởng của bạn và thử thay đổi cách mọi việc đang diễn ra, nhưng hãy nhớ là thử nghiệm với cách thức phù hợp. Bạn cần có thái độ tôn trọng và thể hiện rằng, ý định của bạn là làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn cho cả công ty chứ không phải chỉ vì mục đích cá nhân.

8. Tìm một người thầy

Không có gì tuyệt vời hơn nếu những người thành công mà bạn ngưỡng mộ luôn ở bên bạn và đưa ra cho bạn lời khuyên. Hãy kết nối với những người như vậy để nhận được từ họ sự khích lệ và hỗ trợ khi cần thiết. Họ chính là những người sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên về chuyên môn, cách thức để được cất nhắc, làm thế nào đẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ khi thăng tiến…

9. Hỗ trợ người khác

Bạn cần những người thầy, và bản thân bạn cũng nên là một người thầy đối với ai đó. Hãy giúp đồng nghiệp của bạn cải thiện hiệu quả làm việc là một cách tốt để thể hiện tinh thần đồng đội và các kỹ năng lãnh đạo của bạn. Điều đó cũng cho thấy, bạn có chuyên môn để chia sẻ, có sự tự tin để làm vậy, và niềm đam mê thực sự trong việc giúp đỡ người khác.

10. Đừng kỳ vọng những gì bạn không xứng đáng

Cuối cùng, hãy trung thực với chính mình? Có phải bạn chỉ thích vị trí cao hơn đó không? Liệu bạn đã nỗ lực hết sức với vị trí hiện tại? Bạn đã liên tục nỗ lực để làm việc tốt hơn hay chưa?

Nếu đơn thuần bạn chỉ muốn thăng tiến và không hề cố gắng để mở rộng kỹ năng, thể hiện niềm đam mê học hỏi và làm thêm việc, thì sẽ rất khó để bạn sớm thăng tiến. Cũng có thể là việc cất nhắc đó sẽ không bao giờ diễn ra cả.

Phương Anh
Theo Brazen Careerist
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm