Việt Nam tham gia Lễ hội Văn hóa đa Quốc gia Sakia tại Ai Cập
Ngày 23/2, tại thủ đô Cairo, Ai Cập, Trung tâm văn hóa El Sawy đã tổ chức Lễ hội Văn hóa đa Quốc gia Sakia lần thứ 14.
Gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đã tham gia để giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa, cũng như giao lưu giữa văn hóa, tôn giáo.
Đây là hoạt động giao lưu văn hóa hàng năm giữa các nước. Lễ hội năm nay thú hút hàng nghìn lượt khách tham quan, chủ yếu là các bạn trẻ Ai Cập, để tìm hiểu những nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực và các thông tin của gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đại diện cho các châu lục trên toàn cầu.
Mỗi nước mang đến lễ hội một sắc thái riêng khiến cho không gian văn hóa El Sawy thực sự sôi nổi và hấp dẫn. Một số nước còn tổ chức hát, múa các điệu truyền thống hay biểu diễn võ cổ truyền.
Dù đây mới chỉ là lần thứ hai Việt Nam tham gia sự kiện này nhưng đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè quốc tế, nhất là các bạn trẻ Ai Cập. Phần lớn khách tham quan thích tìm hiểu và khám phá về tà áo dài, đàn đá, nón lá và trống đồng Đông Sơn của Việt Nam.
Anh Haye Maik, sinh viên Ai Cập cho biết, “Không gian văn hóa Việt Nam rất đặc sắc. Tôi cũng đã từng nghe nhiều về đất nước các bạn nhưng hôm nay mới được tận mắt chứng kiến. Thật là tuyệt vời. Tôi thích nhất là công cụ đàn đá, rất hay và lạ”.
“Hôm nay thực sự là một ngày vui với tôi và thành công với các nước tham dự, tôi được biết nhiều về nền văn hóa các nước, nhất là các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tôi thích nhất là tà áo dài, đó là đặc trưng rất đẹp của Việt Nam”, chị Hena một người dân Cairo chia sẻ.
Bên cạnh đó, khách tham quan còn được thưởng thức ẩm thực nem gà và cà phê rất đặc trưng của người Việt, cũng như được đọc và tìm hiểu các ấn phẩm văn hóa, du lịch về đất nước, con người Việt Nam. Du khách còn được tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới qua các thước phim tư liệu lịch sử.
Tham tán Công sứ Vũ Thiện cho biết: “Việt Nam tham gia Lễ hội với tinh thần thể hiện nét đặc trưng văn hóa, giao lưu, trao đổi văn hóa của các dân tộc nhằm có tiếng nói chung trong cộng đồng quốc tế. Đây cũng là thông điệp của lễ hội này.
Chúng tôi sẽ làm một chuỗi các sự kiện văn hóa theo dấu chân Bác Hồ. Bác đã đặt chân tới Ai Cập và là người đặt nền móng cho quan hệ Việt Nam-Ai Cập. Chúng tôi hy vọng với truyền thống và nét đẹp văn hóa, quan hệ Việt Nam-Ai Cập sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm tới”.
Đây thực sự là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa. Không chỉ giúp cho các nước quảng bá hình ảnh, văn hóa tới bạn bè quốc tế mà còn góp phần giao lưu giữa các nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới, gắn kết cộng đồng vì một thế giới hòa bình, phát triển thịnh vượng./.
Theo