Trí thức người Việt tại Anh muốn góp phần xây dựng đất nước
Theo phóng viên TTXVN tại London, lần đầu tiên, các trí thức, giảng viên người Việt đang làm nghiên cứu sinh hoặc tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học của Anh đã có dịp gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ với nhau về những công việc họ đã và đang làm với mong muốn đóng góp cho nước nhà.
Trong buổi gặp mặt được tổ chức tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Anh ngày 15/11, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới tất cả các giảng viên nhân Ngày Hiến chương các nhà giáo 20/11 sắp tới.
Bày tỏ niềm tự hào được biết có một đội ngũ đông đảo trí thức người Việt có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực đang giảng dạy tại nhiều trường đại học trên toàn nước Anh, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo hy vọng rằng lực lượng trí thức này sẽ là nền tảng để hình thành mạng lưới trí thức Việt tại Anh, góp phần phối hợp với Đại sứ quán xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam đẹp hơn trong mắt bạn bè Anh cũng như giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu và có hiệu quả thiết thực.
Tham dự buổi gặp mặt, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, chuyên nghiên cứu về vật liệu nano tại Đại học College London (UCL) đã chia sẻ về mong muốn dùng kỹ thuật nano để giúp Việt Nam chống và điều trị các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh việc liên tục về Việt Nam tổ chức các buổi hội thảo khoa học, Giáo sư Thanh cũng đang tích cực vận động các nhà khoa học trẻ Việt Nam tham gia Hội khoa học "Hàn lâm trẻ toàn cầu" (Global Young Academy) để Việt Nam có thêm tiếng nói trong giới khoa học trên toàn cầu.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Bằng, giảng viên cao cấp Đại học Cambridge, đồng thời là giám đốc chương trình đào tạo quản trị quốc gia, lại rất tâm huyết với kế hoạch thành lập một mạng lưới có sự liên kết tham gia của trí thức người Việt ở nhiều nước trên thế giới nhằm giúp Chính phủ phản biện trong các quyết sách lớn của đất nước.
Đông đảo các giảng viên đang giảng dạy trong nhiều lĩnh vực tài chính - ngân hàng, luật, giáo dục, năng lượng, viễn thông... đều bày tỏ nguyện vọng thiết tha muốn đóng góp cho quê hương nhưng thừa nhận sự kết nối với nhà mới chỉ mang tính cá nhân nên hiệu quả còn chưa được như mong muốn. Đáp lại ý kiến của các trí thức, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đề xuất kế hoạch tạo một kênh thông tin chính thức với đầu mối là Đại sứ quán nhằm kết nối giữa lực lượng trí thức ở Anh với trí thức ở trong nước.
Bên cạnh đó là việc tổ chức thêm các sự kiện giao lưu giữa các trí thức, giảng viên người Việt với lực lượng du học sinh Việt Nam để các thầy cô có thể chia sẻ với các em về kinh nghiệm thành công trong một môi trường học tập có tính cạnh tranh cao như ở Anh.