Trí thức gốc Việt đầu tiên tại Quốc hội Mỹ

(Dân trí) - Tháng 1/2/2009 vừa qua, Tiến sĩ Cao Quang Ánh đã chính thức nhậm chức để trở thành Nghị sĩ gốc Việt đầu tiên tại Quốc hội nước này. Việc một trí thức người Việt được bầu vào Hạ viện Mỹ là niềm tự hào cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Sau khi giành được chiến thằng lịch sử trước đối thủ thuộc đảng Dân chủ William Jefferson trong cuộc bầu cử vào Hạ viện Mỹ tại Đơn vị bầu cử số 2 của bang Louisiana, tháng 1/2/2009 vừa qua, Tiến sĩ Cao Quang Ánh đã chính thức nhậm chức để trở thành Nghị sĩ gốc Việt đầu tiên tại Quốc hội nước này. Việc một trí thức người Việt được bầu vào Hạ viện Mỹ là niềm tự hào cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
 
Trí thức gốc Việt đầu tiên tại Quốc hội Mỹ - 1

Nghị sĩ Cao Quang Ánh trả lời phỏng vấn của báo chí
Vươn lên nhờ tự lực

Nghị sĩ Cao Quang Ánh (tên tiếng Anh Joseph Cao) sinh ngày 13/3/1967 tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) trong một gia đình Công giáo có 8 người con. Năm 1975, cậu bé Ánh cùng một người chị và em trai đã sang Mỹ định cư.

Những ngày đầu mới đặt chân lên đất Mỹ, Cao Quang Ánh đã được các cậu, dì nuôi nấng và lớn nên ở Houston, tiểu bang Texas của Mỹ. Trải qua những năm tháng tuổi thơ thiếu thốn sự chăm sóc của cha mẹ, Quang Ánh đã học được cách sống tự lập ngay từ nhỏ, và điều đó dường như đã giúp anh không ngừng nỗ lực trong cuộc sống và học tập để tự mình vươn lên và có được những thành công sau này. Cậu học trò Cao Quang Ánh chăm chỉ học hành và luôn học giỏi. Sau khi tốt nghiệp PTTH tại trường Trung học Jersey Village, Cao Quang Ánh theo học ngành vật lý tại Đại học Baylor, và ra trường năm 1990.

Nhà hoạt động cộng đồng không ngừng học tập

Tuy ra trường với tấm bằng cử nhân khoa học (Bachelor of Science) ngành vật lý, nhưng vốn là người có tinh thần phục vụ xã hội, Cao Quang Ánh đã dành ra hai năm đầu sau khi ra trường để về làm việc cho một chủng viện ở tiểu bang Louisiana. Anh tham gia các hoạt động nhân đạo của chủng viện và đã đi đến nhiều quốc gia trên thế giới như Hồng Công, Philippines, Mexico... để làm các công việc xã hội (chống đói nghèo), và từng về Việt Nam làm việc. Với ý thức không ngừng học tập để mở ra những cơ hội mới và nâng cao khả năng phục vụ cộng đồng, năm 1992, anh đến thành phố New Orleans để tiếp tục tu nghiệp. Sau đó, Cao Quang Ánh theo học tiếp tại Đại học Fordham ở New York, và nhận bằng cao học nghệ thuật (Master of Fine Arts) về triết học vào năm 1995.

Trở về New Orleans, anh giảng dạy các môn triết học và đạo đức tại Đại học Loyola. Sau một thời gian chuyển đến bang Virginia làm giảng viên tại một trường Công giáo, năm 1997 Cao Quang Ánh trở lại New Orleans và làm tiếp luận án Tiến sĩ Luật tại Trường luật Loyola, trong khi tiếp tục dạy môn triết học tại Đại học này. Năm 2000, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật (Juris Doctorate), và tham gia làm việc cho tổ hợp luật sư Waltzer & Associates. Năm 2002, Tiến sĩ Quang Ánh mở văn phòng luật sư riêng. Anh cũng là một thành viên trong Hội đồng Cố vấn Quốc gia cho Hội đồng Giám mục Mỹ. Ngoài ra, Quang Ánh còn tích cực tham gia những hoạt động thiện nguyện giúp đỡ cho những đồng bào người Việt có hoàn cảnh khó khăn khi sang Mỹ.

Gia nhập chính trường

Sự nghiệp chính trường của Tiến sĩ Cao Quang Ánh được bắt đầu sau cơn bão Katrina với những hậu quả khủng khiếp gây ra cho thành phố New Orleans nơi anh ở. Như nhiều người dân khác tại New Orleans, nhà cửa và văn phòng của anh đã bị cơn bão được coi là thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử nước My phá hủy. ''Chúng tôi đã mất mọi thứ'', anh cho biết.

Sau bão Katrina, Tiến sĩ Cao Quang Ánh đã cùng cộng đồng người Việt tại New Orleans, một trong những nhóm người đầu tiên trở lại thành phố, tích cực tham gia giải quyết hậu quả do cơn bão để lại. Nhận thấy hệ thống hành chính ở địa phương quá quan liêu, chậm chạp trong việc giúp đỡ những người dân ổn định lại cuộc sống, với tư cách là một lãnh đạo cộng đồng, anh đã vận động thành công để bãi bỏ việc lập một bãi rác gần nơi cư dân sinh sống. Được khích lệ bởi sự thành công của người Việt trong nỗ lực tái thiết sau trận bão Katrina, Cao Quang Ánh quyết tâm ra phục vụ xã hội trên bình diện chính trường để có tiếng nói nhằm thay đổi hệ thống chính sách địa phương. Mặc dù chưa bao giờ có kinh nghiệm tranh cử, nhưng anh đã ra ứng cử vào nghị viện tiểu bang Louisiana năm 2007 với tư cách là một ứng cử viên độc lập. Tuy cuộc chạy đua không thành công, và Cao Quang Ánh thiếu chỉ khoảng 250 phiếu để vào vòng sau, nhưng nhờ vậy anh đã rút ra được những bài học quan trọng để có thể tham gia trong "cuộc chơi"lớn hơn, là tranh cử vào Hạ viện liên bang Mỹ trong cuộc bầu cử một năm sau đó.

Trở thành Nghị sĩ liên bang gốc Việt đầu tiên tại Mỹ
 
Trí thức gốc Việt đầu tiên tại Quốc hội Mỹ - 2

Tham gia cuộc bầu cử vào Hạ viện Mỹ  năm 2008, Cao Quang Ánh ra ứng cử với tư cách ứng cử viên Cộng hòa tại Đơn vị bầu cử số 2 để chạy đua với ứng cử viên da màu Jefferson. Khi mới ra tranh cử, nhiều người nghĩ rằng Cao Quang Ánh đã làm việc "châu chấu đá xe", vì anh là một ứng cử viên Cộng hòa không tên tuổi và không phải là người da đen trong một khu bầu cử quốc hội có đa số cử tri ủng hộ đảng Dân chủ và người Mỹ gốc Phi. Trong khi đó, đối thủ thuộc đảng Dân chủ là chính trị gia lão thành Jefferson đã thắng cử hạ nghị sĩ liên bang trong 9 nhiệm kỳ liên tiếp.

Tuy nhiên, với những hoạt động tích cực trong công tác xã hội thời gian trước đó, Cao Quang Ánh đã giành được sự ủng hộ của đảng Cộng hòa trung ương và vùng New Orleans, kể cả sự ủng hộ của một số chính khách đảng Dân chủ vì họ cho rằng nghị sĩ Jefferson đang bị tai tiếng vì những cáo buộc tham nhũng. Thế nhưng, quan trọng nhất là cùng sự nỗ lực của chính bản thân anh đã được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam thiểu số ở New Orleans. Cao Quang Ánh đã đi gặp gỡ tiếp xúc với công chúng và báo giới để vận động cử tri, không phân biệt da trắng hay da mầu, thuyết phục họ bằng cương lĩnh tranh cử của anh với kế hoạch sẽ làm hết sức mình để giúp đỡ xây dựng lại New Orleans, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo việc làm tốt hơn, tái thiết cảng New Orleans, giảm chi tiêu lãng phí ở Washington, đảm bảo trẻ em được giáo dục tốt nhất, bảo vệ các vùng đất ngập nước ở địa phương, đồng thời tăng cường phục hồi bờ biển để chống bão... Anh đã gây quỹ được 200.000 USD cho chiến dịch tranh cử. Một số cuộc thăm dò ý kiến trước bầu cử cũng cho thấy Cao Quang Ánh được rất nhiều cử tri, trong đó có nhiều người gốc Phi, ủng hộ.

Và kết quả là Cao Quang Ánh đã giành được 50% phiếu bầu, vượt qua ứng cử viên Jefferson, người nhận được 47% số phiếu, để trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 6/12/2008. Việc một người gốc Việt thắng cử để trở thành Nghị sĩ liên bang đã được xem là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Quốc hội Mỹ. 

Vị Nghị sĩ học giả được nhiều người trông đợi

Trong buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Nghị sĩ liên bang tại trụ sở Quốc hội Mỹ, Cao Quang Ánh cho biết việc anh được bầu vào Hạ viện liên bang là niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Theo nghị sĩ Cao Quang Ánh, việc một người Mỹ gốc Việt có mặt tại Quốc hội sẽ đại diện cho tiếng nói của hàng triệu Việt kiều ở Mỹ trong cơ quan lập pháp cao nhất của quốc gia này. Nghị sĩ Cao Quang Ánh cam kết sẽ nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của một dân biểu liên bang, trong đó tập trung đáp ứng những đòi hỏi của cử tri trong nhiều vấn đề, như nâng cấp hệ thống giáo dục, y tế và củng cố hệ thống đê điều.

Theo các nhà quan sát, việc Cao Quang Ánh trở thành Nghị sĩ Quốc hội gốc Việt đầu tiên sẽ mở ra cơ hội giúp cộng đồng người Việt tại Mỹ tham gia nhiều hơn vào chính trường nước này.

Được đánh giá là ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa, đồng thời là một học giả đã giảng dạy đại học, nhiều cử tri hy vọng Nghị sĩ người Việt này sẽ góp phần xây dựng những chính sách thúc đấy sự phát triển về giáo dục trong cộng đồng những người thiểu số tại Mỹ, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Vì vậy, không chỉ những người Việt Nam, nhiều cộng đồng người Mỹ gốc Á như Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc... cũng vui mừng cử đại diện đến chúc mừng và coi văn phòng nghị sĩ Cao Quang Ánh là chỗ gởi gắm và vận động cho các vấn đề của người châu Á tại Mỹ trong tương lại.

                Vũ Anh Tuấn 
(Theo TTXVN, Cali Today và báo chí nước ngoài)