Trẻ em Việt Nam tại Voronezh (Nga): Nan giải chuyện học tiếng Việt

Tại Voronezh (Nga) hiện có 135 cháu thanh thiếu nhi người Việt. Trong đó, một nửa đang trong độ tuổi đến trường, tuy nhiên chuyện học tiếng Việt đang là một khó khăn rất lớn. Làm sao để những đứa trẻ này có thể sử dụng được ngôn ngữ mẹ đẻ là một điều rất khó khăn.

Một buổi tập văn nghệ của các cháu thiếu nhi người Việt tại Voronezh

Một buổi tập văn nghệ của các cháu thiếu nhi người Việt tại Voronezh

Khi tiếng Việt dần vắng

Trẻ em ở đây thuộc thế hệ thứ 2. Bà con ta sang đây làm ăn từ những năm 80 của thế kỉ trước. Họ chủ yếu làm công nhân tại các xí nghiệp hóa chất, nhà máy săm lốp tại khu vực Đất Đen của Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, họ tiếp tục bám trụ lại, chủ yếu mưu sinh bằng nghề buôn bán vải và các hàng hóa khác phục vụ cộng đồng người Việt và cả người Nga. 

Nói về chuyện học tiếng Việt cho thế hệ người Việt thứ 2 tại đây, các bậc phụ huynh đều rất lo lắng cho việc học hành của con cái. Bởi việc dạy tiếng Việt cho các cháu không đơn giản do các cháu đã quen với văn hóa và ngôn ngữ phương Tây, đòi hỏi phải có sự đầu tư sâu về thời gian và công sức. Trong khi các bậc cha mẹ quanh năm buôn bán bận rộn, thời gian cho công việc nhiều, nên việc chăm lo dạy tiếng Việt cho các cháu bị hạn chế.

Anh Nguyễn Đình Thản, có con gái đang học lớp 7 tại đây cho biết: "Gia đình vẫn rất quan tâm tới việc dạy tiếng Việt cho con em. Hàng ngày, bất cứ khi nào rảnh rỗi là cả nhà lại bật chương trình VTV 4 cho con xem. Tuy nhiên, việc dạy cho các cháu có thể biết đọc và biết viết thì cần có không gian trường lớp, hay sự kèm cặp thường xuyên của các thầy cô, ở đây thì hiếm lắm!”. Anh Nguyễn Duy Thương, có con đang học lớp 3 cũng bày tỏ nguyện vọng: 

"Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga và cộng đồng tại Voronezh nên quan tâm hơn nữa tới công tác dạy tiếng Việt cho các cháu. Bởi thực tế rằng, nếu các cháu không hiểu biết tiếng Việt, cộng đồng ta sau này sẽ thành "Âu hóa" mất. Người Việt Nam đi đâu cũng phải giữ gốc gác, cội nguồn quê hương, dân tộc. Tiếng Việt chính là cái hồn của cội nguồn quê hương, nên phải bảo lưu và phát triển".

Không chỉ gia đình anh Thản, anh Thương mà cộng đồng người Việt ở đây đều mong muốn có thể tổ chức một lớp học tiếng Việt vào dịp hè, để các cháu nhỏ không chỉ nói và nghe mà còn có thể đọc và viết được tiếng Việt.

Khuyến khích việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng

Trao đổi với BCH Hội người Việt Nam tại TP Voronezh, ông Nguyễn Đình Điền - Ủy viên BCH Hội phụ trách mảng đời sống và văn hóa – thể thao cộng đồng cho biết: 

"Cộng đồng người Việt Nam tại Voronezh đang ngày càng lớn mạnh và phát triển không ngừng. Thế hệ các cháu thiến niên nhi đồng hiện nay rất được Hội chú ý quan tâm. 100 % các cháu trong độ tuổi đến trường được hỗ trợ làm giấy tờ tùy thân, thủ tục nhập học và bảo hiểm xã hội. Hầu như các cháu trong cộng đồng đều được tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở mang kiến thức văn hóa. Hàng năm, Hội vẫn lập danh sách khen thưởng cho các cháu có thành tích học tập xuất sắc, phát quà vào các dịp trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng. 

Về vấn đề dạy tiếng Việt, Hội có chủ trương khuyến khích việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng. Những gia đình nào có điều kiện có thể liên lạc với các bạn lưu học sinh về nhà dạy kèm cho các cháu. Do nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, an ninh nên việc xin lớp, lập trường học tiếng Việt tại địa bàn hiện nay là chưa khả thi. Tuy nhiên, nếu có sự đồng nhất trong cộng đồng, sự hỗ trợ và chỉ đạo nhất quán từ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Hội người Việt Nam tại Voronezh sẽ xem xét khả năng lập trường lớp dạy tiếng Việt cho các cháu thiếu nhi".

Ngoài trời, từng bông tuyết trắng nhẹ rơi một màu trắng xóa trải đều từ cổng "chợ Việt” đến tận khu rừng bạch dương. Trong gian phòng nhỏ phía cuối chợ, chúng tôi nghe thấy các em hát đoạn điệp khúc của bài "Ngày tết quê em” bằng tiếng Việt. Tiếng hát tuy ngọng nghịu nhưng thật ấm áp! Tôi chợt nghĩ, dù ít dù nhiều thì mỗi bài hát cũng sẽ gieo vào lòng các em một tình cảm đẹp với những điều gì đó "đượm màu” dân tộc, gieo vào lòng các em những âm thanh Việt tuyệt vời. Hi vọng đến một ngày, trên xứ sở xa xôi, tiếng Việt sẽ được các em nuôi dưỡng, sử dụng, duy trì và phát triển tới các thế hệ sau.

Theo Phong Vũ - Gia Ly
Đại Đoàn Kết