“Tôi dạy con học tiếng Việt từ khi bé còn trong bụng mẹ”
Khao khát được nghe tiếng “mẹ đẻ" nơi đất khách quê người và con mình phải thạo tiếng Việt, chị Thu Hương cũng như nhiều bà mẹ Việt ở Trung Quốc tìm mọi cách để con được tiếp cận tiếng Việt
Xa quê hương, “thèm” được nghe tiếng mẹ đẻ
“Ngay từ khi có bầu, tôi đã mua truyện tiếng Việt về đọc cho con nghe. Kể từ khi con ra đời, tôi thường nói chuyện với con bằng tiếng Việt. Mẹ nói cứ nói, còn con hiểu được đến đâu là việc của con. Đến năm con tôi 2 tuổi, cháu vẫn chưa biết nói làm vợ chồng tôi khá lo lắng. Nhưng chỉ ít lâu sau, con nói được và nói luôn cả 2 thứ tiếng Trung và Việt”- chị Nguyễn Thu Hương, Trưởng nhóm Cô dâu Việt ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc nhớ lại.
Trong căn hộ ở một khu chung cư khá hiện đại ngay Trung tâm thành phố Nam Ninh của vợ chồng chị Hương luôn rộn ràng tiếng cười nói bằng tiếng Việt của mẹ con chị, làm cho chúng tôi quên đi cảm giác mình đang ở Trung Quốc.
Chị Nguyễn Thu Hương hiện đang là nhân viên Tổng đài cho một công ty điện thoại ở Nam Ninh, công việc khá bận rộn. Nhưng không vì thế mà chị sao nhãng việc dạy tiếng Việt cho trẻ ở thành phố Nam Ninh. Lớp học được chị và nhóm chị em là cô dâu Việt trẻ thành lập cách đây khoảng 4-5 năm. Mỗi tuần lớp học duy trì đều đặn 2 buổi và cô giáo cũng chính là các bà mẹ trong nhóm cô dâu Việt trẻ.
“Năm 2006, tôi theo chồng sang Trung Quốc sinh sống. Cảm giác lúc đó rất nhớ nhà. Khi mới sang, tôi chưa có nhiều bạn bè, hàng ngày lại phải giao tiếp trong môi trường toàn tiếng nước ngoài, nên rất “thèm” nghe tiếng mẹ đẻ. Tôi bắt đầu liên hệ với các cô dâu Việt trẻ ở đây và dần dần chúng tôi lập thành nhóm các cô dâu Việt trẻ. Ban đầu chỉ có khoảng vài người, hiện nay đã có hơn 40 chị em tham gia”- chị Hương tâm sự.
Ngoài việc duy trì lớp dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở Nam Ninh, nhóm còn là nơi các cô dâu Việt chia sẻ với nhau về cuộc sống, về những khó khăn và cả những niềm vui của mỗi người. “Nhóm Cô dâu Việt trẻ là chỗ dựa tinh thần cho những cô dâu như chúng tôi, nhất là các chị em mới sang đây. Trong nhóm mọi người quan tâm đến nhau từ việc rất nhỏ, chẳng hạn có chị em nào không thạo nấu món ăn Việt hay điều kiện gia đình không cho phép thì những chị em khác nấu rồi chia sẻ cho nhau. Cuối tuần, chúng thường tổ chức các buổi picnic để các mẹ, các con cùng giao lưu. Trong các buổi sinh hoạt thế này, chúng tôi quy định chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt”.
Chị Hương cho biết, nhiều chị em ở đây có hoàn cảnh khá khó khăn, nên nhiều khi không có điều kiện để quan tâm tới lớp dạy tiếng Việt cho trẻ dù lớp học hoàn toàn miễn phí. Chị Hương và các chị em trong nhóm lại phải gặp những chị em có con trong độ tuổi mẫu giáo và Tiểu học để động viên cho con đi học. Ban đầu nhiều người cũng không thiết tha, nhưng sau khi được tiếp xúc với nhiều bé trong lớp học biết nói tiếng Việt, họ đồng ý cho con đi học. Hiện nay, đã có khá nhiều gia đình cho con theo học lớp tiếng Việt cho trẻ em của các cô dâu Việt trẻ ở Nam Ninh.
Là người Việt thì ở đâu cũng vẫn là người Việt
Với bà Nguyễn Thị Mỹ (78 tuổi, trưởng nhóm Việt kiều Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc), việc nói được tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ của người Việt ở Trung Quốc là một việc quan trọng không kém việc mưu sinh. “Là người Việt thì ở đâu cũng vẫn là người Việt, không được quên gốc gác của mình. Để con cháu mất gốc, không nói được tiếng mẹ đẻ là một thiệt thòi lớn. Con cháu chúng tôi sẽ kết nối với quê hương như thế nào khi chính tiếng mẹ đẻ của mình còn không biết”.
Chị Hương (áo dài vàng) và bà Mỹ (áo đỏ) trong buổi tôn vinh những kiều bào có nhiều đóng góp cho cộng đồng của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh
Xuất phát từ suy nghĩ như vậy, nên từ khi theo chồng sang Trung Quốc sinh sống, dù hoàn cảnh còn khó nhiều khăn trăm bề lại con nhỏ, nhưng bà Mỹ cũng cố gắng thu xếp để vài năm cả gia đình lại về thăm quê ngoại. Các con của bà đều được dạy tiếng Việt từ bé nên bây giờ ai cũng nói được tiếng Việt. Đến các cháu nội, ngoại của bà cũng vậy, khi biết nói là nói được luôn hai thứ tiếng Việt- Trung. “Con cái từ bé đã được dạy cả tiếng Việt, văn hóa Việt nên luôn hướng về Việt Nam. Giờ điều kiện tốt hơn nên gần như năm nào cả gia đình tôi cũng về thăm quê”- bà Mỹ tâm sự.
Bà Mỹ cho biết, nhiều chị em lấy chồng ở Quảng Tây là do bị lừa bán nên hoàn cảnh rất khó khăn. Vì thế, họ cũng không có điều kiện cho con em tham gia các lớp học tiếng Việt. Nhóm của bà đã cố gắng vận động, thuyết phục, những gia đình nào có điều kiện thì cố gắng quan tâm đến việc dạy tiếng Việt cho con, cháu, ai có điều kiện hơn thì đến các lớp học do cộng đồng người Việt tổ chức. Vì vậy, có nhiều gia đình không đưa con em đến lớp học nhưng tự dạy con cháu, nhiều cháu thế hệ thứ 2, thứ 3 nói tiếng Việt cũng khá tốt.
“Tôi chỉ mong đời sống của chị em ngày càng tốt hơn, khi đó họ sẽ quan tâm hơn đến việc dạy tiếng Việt, đưa con em về Việt Nam nhiều hơn… Chỉ khi các con cháu chúng tôi gắn kết tốt với quê hương, luôn giữ được gốc gác người Việt, không quên được tiếng mẹ đẻ thì chúng tôi mới cảm thấy yên tâm”- bà Mỹ tâm sự.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, hiện số lượng người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Quảng Tây khá lớn, khoảng vài chục ngàn người. Phần lớn bà con gắn bó và thiết tha hướng về quê hương đất nước, tích cực tham gia nhiều hoạt động, nhất là hoạt động thiện nguyện hướng về Tổ quốc. Thông qua vai trò của Ban liên lạc Việt kiều, Hội Cô dâu trẻ, Hội Lưu học sinh… người Việt ở đây có nhiều hoạt động tích cực mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, tích cực tham gia các phong trào hướng về đất nước như Tết cộng đồng; Tổ chức ngày văn hóa Việt Nam, tham gia các hoạt động từ thiện ở trong nước… Đặc biệt, Hội Cô dâu trẻ đã vận động được nhiều chị em tham gia tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em.
“Chúng tôi rất khuyến khích và hỗ trợ bà con các hoạt động hướng về quê hương, dạy tiếng Việt cho con em người Việt ở Trung Quốc. Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh luôn cố gắng kết nối, thúc đẩy tinh thần đoàn kết của cộng đồng để bà con để luôn nhớ về Tổ quốc, gìn giữ văn hóa Việt ở nước sở tại”- ông Vinh nói.
Theo Nhóm phóng viên VOV