Tiến sỹ Việt ở Séc trăn trở về lọc asen trong nước ngầm Hà Nội

Vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6,Tiến sỹ trẻ tuổi Hoàng Diệu Hưng cùng với năm học sinh, sinh viên thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba của cộng đồng người Nghệ Tĩnh tại Séc đã được vinh danh là tấm gương hiếu học cho các bạn trẻ noi theo.

Hoàng Diệu Hưng (

Hoàng Diệu Hưng (trái) nhận phần thưởng của Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh (Ảnh: Quang Vinh/Vietnam+)

Tại Đại hội lần thứ nhất Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Séc được tổ chức ở Prague vào ngày cuối tháng 5/2015, Chủ tịch Hội Đinh Ngọc cho biết: "Trong khoảng 7.000 người Nghệ Tĩnh đang sinh sống tại Séc thì tuyệt đại đa số các gia đình đều gìn giữ truyền thống hiếu học ở vùng quê "địa linh nhân kiệt."

Dù do hoàn cảnh mà phải bán hàng vặt, hàng "pốt" (thực phẩm) trên đất Séc thì các bậc làm cha cha làm mẹ đều đầu tư chu đáo cho việc học hành của con cái, hướng thế hệ sau hòa nhập tốt với xã hội sở tại, đóng góp không chỉ bằng công sức mà cả bằng trí tuệ và luôn nhớ về cội nguồn."

Hoàng Diệu Hưng đứng đầu danh sách được vinh danh. Chàng tiến sỹ tin học sinh năm 1982 có quê gốc là xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, sở hữu bảng thành tích đáng nể: Đạt danh hiệu học sinh giỏi trong tất cả các năm học phổ thông ở Séc. Điều này không dễ dàng vì Hưng theo bố mẹ sang Séc học từ năm lớp bảy, phải học tiếng Séc từ khâu đánh vần, phải làm quen với chương trình phổ thông của nước sở tại vốn có nhiều điểm khác biệt so với chương trình ở Việt Nam.

Sau thời gian "mò mẫm" rồi thích nghi là giai đoạn "bứt phá." Hưng không chỉ giỏi thực sự so với các bạn trong lớp, trong trường mà còn "vươn ra ngoài" giật các giải học sinh giỏi toán của tỉnh Vysocina. Bố anh, ông Hoàng Tế Độ, và mẹ anh, bà Hoàng Thị Ngọc Hằng, làm công việc buôn bán nhỏ như nhiều nghìn người Việt khác tại Séc. Ông Độ, bà Loan không muốn người con trai có tư chất thông minh nối nghiệp "bán hàng vặt" của bố mẹ. Ông nói thẳng với Hưng rằng anh "không có cửa" đứng trong cửa hàng của bố mẹ như rất đông các cô cử, cậu cử người Séc gốc Việt khác.

Một thực trạng đáng suy nghĩ trong cộng đồng người Việt ở Séc là một tỷ lệ không nhỏ thanh niên học xong đại học, cao đẳng, lại quay về bán hàng cùng bố mẹ. Một phần có những chuyên ngành khó xin việc, một phần lương cử nhân, kỹ sư khởi nghiệp ngay tại một nước phát triển như Séc cũng không cao. Tuy nhiên, bố mẹ Hưng không muốn con chọn con đường dễ, không có chông gai - làm việc trong cơ sở kinh doanh của gia đình - mà muốn con có tương lai rộng mở hơn.

Với học lực của mình Hưng "nhẹ nhàng" lọt vào một ngôi trường thuộc hàng đỉnh ở Séc - Trường Đại học Kỹ thuật ở Prague, kết quả học rất tốt và anh cũng bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại trường. Hiện tại Hưng chuyên nghiên cứu phần mềm ứng dụng trong công nghệ hàng không ở công ty Kite Sistems đóng tại Prague.

Anh còn là giảng viên thỉnh giảng ở chính ngôi trường đại học mà anh được đào tạo. Các tham luận của Hưng tại gần 20 hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp... được đánh giá cao. Các phương tiện truyền thông của Séc nhiều lần đưa tin về Hưng, tạo hiệu ứng tốt về cộng đồng người Việt ở Séc.

Sống tại Séc từ thuở niên thiếu, thậm chí Hoàng Diệu Hưng không hiểu thạch tín là gì nhưng anh hiểu rõ chất asen (ở Việt Nam còn gọi là thạch tín) rất độc hại với cơ thể con người nếu liều lượng vượt ngưỡng. Và anh cũng có thông tin về việc nguồn nước ngầm ở đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là tại Hà Nội, bị nhiễm asen nặng.

Các công trình nghiên cứu về hiện trạng nhiễm asen trong nước ngầm khu vực ở Hà Nội cho thấy, có khoảng 30% điểm giếng khảo sát có mức độ nhiễm asen trên 0,05mg/lít, còn ở mức vượt trên ngưỡng cho phép 0,01mg/lít có tới 50%. Hưng cùng với nghiên cứu sinh Nguyễn Thành Đồng từ Việt Nam sang đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu giải pháp sử dụng công nghệ mới nano để loại bỏ asen ra khỏi môi trường nước. Công trình nghiên cứu của hai người Việt đã giành chiến thắng tuyệt đối trong cuộc thi Giải pháp thông minh cho môi trường do Bộ Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học Séc tổ chức.

Tâm sự với phóng viên TTXVN, Hoàng Diệu Hưng cho biết: "Công trình nghiên cứu khoa học của tôi đã hoàn thành, được Bộ trưởng Bộ Môi trường cùng Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Séc đánh giá cao, đã giành được giải thưởng với số tiền khá lớn. Nói về góc độ một người nghiên cứu thì như vậy được coi là ổn. Nhưng tôi không muốn đề tài của mình chỉ nằm trong thư viện."

Hiện tại, công nghệ xử lý nước ngầm trở thành nước ăn và sinh hoạt (gọi là nguồn nước cấp) ở Việt Nam chủ yếu nhằm để xử lý sắt có trong nước. Khi xử lý sắt một phần asen được xử lý do thải ra ngoài theo bùn sắt. Như vậy là công nghệ xử lý nước cấp ở trong nước hiện nay có xử lý asen nhưng không chủ định. Chính vì vậy nước ở những nguồn nước ngầm nhiễm asen nặng sau khi xử lý để cấp cho sinh hoạt có thể không xử lý được asen đạt mức độ an toàn, hoặc có lúc thấp, có lúc cao, chưa nằm trong tầm kiểm soát.

Một điều nghịch lý trong xử lý asen ở Việt Nam là các bể lọc nước nếu để lâu ngày và tích lũy nhiều hydroxit sắt thì khả năng xử lý asen tốt hơn, còn bể được lọc rửa thường xuyên thì có khả năng lọc nước tốt và nhanh hơn nhưng khả năng xử lý asen lại giảm. Trong khi đó về mặt nguyên tắc thì bể lọc cần được thường xuyên rửa để tăng khả năng lọc sắt. Vấn đề xử lý asen trong nước ăn và nước sinh hoạt có thể được giải quyết không quá khó khăn nhờ ứng dụng công trình nghiên cứu của Hoàng Diệu Hưng và Nguyễn Thành Đồng.

Hưng cho biết, giá thành của vật liệu nano do anh và đồng sự chế xuất nhằm lọc asen trong nước có giá thành rẻ hơn nhiều lần các vật liệu dùng để lọc nước hiện đang sử dụng phổ biến ở Séc.

Hưng và đồng sự sẵn sàng chuyển giao công trình nghiên cứu của mình cho các cơ quan chuyên môn ở Việt Nam. Cái khó hiện tại hoàn toàn không nằm trong vấn đề bản quyền mà chưa có một doanh nghiệp nào ở Việt Nam quyết tâm đầu tư để ứng dụng. Hưng nhấn mạnh: "Nguyện vọng của tôi là công nghệ lọc asen trong nước bằng công nghệ nano giá rẻ sớm được ứng dụng ngay trên quê hương mình"./.
 
Theo Trần Quang Vinh/Prague (Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/tien-sy-viet-o-sec-tran-tro-ve-loc-asen-trong-nuoc-ngam-ha-noi/325652.vnp