Tiến sĩ Lê Quang Bình và những trăn trở về đất nước

(Dân trí) - Trong số 17 Việt kiều đã nhận danh hiệu Vinh danh nước Việt 2006, có một gương mặt được nhiều chuyên gia công nghệ thông tin ở Mỹ cũng như Việt Nam khâm phục. Đó là Tiến sĩ Lê Quang Bình, hiện đang làm việc tại thung lũng Sillicon.

Tiến sĩ Lê Quang Bình sinh ngày 14/12/1964, và lớn lên tại Việt Nam. Trước khi sang Mỹ đoàn tụ với gia đình, Lê Quang Bình đã tốt nghiệp khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh vào năm 1987.

 

Đến Mỹ năm 1990, chàng trai người Việt Lê Quang Bình khi đó đã chỉ có hai bàn tay trắng và khát vọng mãnh liệt chiếm lĩnh tri thức giữa thế giới khoa học kỹ thuật tiến tiến tại nước Mỹ. Với sự nỗ lực không ngừng để vượt qua những khó khăn về sự bất đồng ngôn ngữ và văn hoá trong khi vừa tiếp thu kiến thức chuyên môn, Lê Quang Bình đã theo học ngành Điện tử và tin học (Electrical Engineering and Computer Science) tại Đại học California Berkeley.

 

Và Lê Quang Bình đã đạt điểm “A” không chỉ trong hầu hết những môn khó về chuyên môn như Máy tính, Toán, Vật Lý…, mà cả những môn đòi hỏi một trình độ tiếng Anh khá cao như luận văn, lịch sử, địa lý... để tốt nghiệp loại xuất sắc (trong 7% sinh viên có điểm cao nhất) của trường đại học nổi tiếng của Mỹ về điện tử, tin học này vào năm 1994.

 

Sau khi tốt nghiệp Đại học California Berkeley, Lê Quang Bình đã làm việc cho hãng AMD (Advanced Micro Devices, Inc.) - Tập đoàn sản xuất bộ vi xử lý lớn thứ 2 trên thế giới (chỉ sau Intel Corp), có trụ sở tại Thung lũng Silicon - với vai trò là kỹ sư thiết kế bộ nhớ flash (flash memory). Đồng thời, anh tiếp tục con đường nghiên cứu về ngành Điện tử (Electrical Engineering) ở trường đại học Stanford danh tiếng, và lấy được bằng cao học năm 1999 với điểm xuất sắc, rồi hoàn thành luận án Tiến sĩ với 6 phát minh quan trọng. Đáng kể nhất là phát minh mới ứng dụng cho bộ nhớ flash đang được ứng dụng rộng rãi trong điện thoại di động và máy ảnh kỹ thuật số. Với tính thực tiễn cao, phát minh của anh đã được tạp chí khoa học IEEE Mỹ đánh giá xuất sắc và được Tập đoàn AMD ứng dụng ngay vào thực tế và đem lại hiệu quả kỹ thuật cũng như kinh tế lớn.

 

Với những thành công trên con đường học tập và nghiên cứu, sau 10 năm làm việc cho hãng AMD, Lê Quang Bình đã không ngừng thăng tiến trong nghề nghiệp, từ kỹ sư thiết kế, lên làm kỹ sư thiết kế cao cấp, rồi trưởng nhóm thiết kế... và trở thành một trong những nhà khoa học có nhiều công trình, giải thưởng, sáng chế nhất của Tập đoàn này.

 

Sự cần cù, thông minh, ham học hỏi là những yếu tố quan trọng đã giúp cho Tiến sĩ Lê Quang Bình có được nhiều thành công như trên. Để có những phát minh mới, nhiều khi anh đã phải bỏ ra 18 - 20 giờ mỗi ngày và “ngồi lì” trong phòng nghiên cứu của mình.

 

Theo Lê Quang Bình, công việc của anh có liên quan trực tiếp tới những vấn đề khoa học - kỹ thuật đang phát triển rất nhanh, nên anh phải cập nhật, bổ sung kiến thức một cách thường xuyên. Nhưng bù lại, anh đã có đủ những phương tiện, máy móc, thiết bị hiện đại cần thiết cho việc nghiên cứu và những nhân viên giỏi dưới quyền hỗ trợ. “Mỹ là đất nước quy tụ nhiều trí thức đến từ các nước trên thế giới cho nên để tìm một chỗ đứng cao trong xã hội Mỹ là một điều khó khăn, đòi hỏi một nỗ lực lớn, một ý chí mạnh mẽ và sự đam mê nghiên cứu”, Tiến sĩ Bình cho biết.

 

Giờ đây, Tiến sĩ Lê Quang Bình đã trở thành một nhà nghiên cứu khoa học được nhiều tập đoàn công nghệ cao “săn đón”. Từ năm 2004 đến nay, Lê Quang Bình làm việc cho hãng SanDisk tại thung lũng Silicon, với chức vụ giám đốc quản lý thiết kế (Design Engineering Manager).

 

Cho đến nay, Tiến sĩ Bình đã được Cơ quan Nhãn hiệu và sáng chế Mỹ (U.S. Patent and Trademark Office) cấp 57 bằng sáng chế, lớn hơn rất nhiều so với tuổi đời của anh, và được coi là một hiện tượng trong giới khoa học Mỹ. Những những bằng sáng chế đó anh chỉ mới thực hiện trong vòng 13 năm qua, và chắc chắn đó chưa phải là con số cuối cùng của anh.

 

Tuy đã đạt được nhiều thành công trong nghề nghiệp trên đất Mỹ, nhưng tấm lòng của Tiến sĩ Lê Quang Bình vẫn luôn hướng về về quê hương. Trong những năm qua, anh đã thường xuyên tích cực đóng góp tài chính cho các tổ chức nhân đạo từ thiện giúp đỡ đồng bào trong nước như: Quỹ Giảm nhẹ thiên tai cho Việt Nam (Vietnam Disaster Relief Fund) của Hội Chữ thập đỏ Mỹ, Hội Giúp đỡ trẻ em không cha mẹ (Aid for Children without Parents) - một hội từ thiện của người Mỹ gốc Việt ở San Jose, Quỹ Cứu trợ nạn nhân bão Chanchu…

 

Tiến sĩ Lê Quang Bình cho biết: “Dù ở đâu người Việt chúng ta vẫn luôn hướng về đất nước mình. Trăn trở lớn nhất của tôi là mặc dù có rất nhiều tiềm năng nhưng Việt Nam vẫn nằm trong danh sách những nước nghèo và chậm phát triển”. Theo anh, dân tộc Việt nam hoàn toàn có đủ trí thông minh để đứng ngang hàng và vượt qua các nước phát triển trong khu vực. Để đất nước đi lên, chúng ta phải có những quyết định táo bạo, mới mẻ, những ý tưởng sáng tạo, và nên có thái độ tranh luận khoa học.

 

 “Để công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta cần rất nhiều kỹ sư ở các ngành mũi nhọn. Bằng mọi giá chúng ta phải làm tăng nhanh số lượng trí thức bằng cách đại chúng hoá giáo dục Đại học, tạo điều kiện tối đa cho sinh viên du học, dĩ nhiên cùng với những chính sách đãi ngộ, để họ trở về phục vụ đất nước”, Tiến sĩ Lê Quang Bình nhận định.

 

Theo anh, những trí thức trẻ trong nước hiện nay có nhiều thuận lợi so với thế hệ cha anh. Họ có nhiều cơ hội và phương tiện kỹ thuật cao để mở rộng tầm nhìn, học hỏi và thành công. Họ lại được sống trong thời bình và có nhiều điều kiện để học tập, nghiên cứu. Trong thời đại hội nhập hiện nay, họ cũng ít bị bó buộc bởi những cơ chế lỗi thời mà thế hệ đi trước đã gánh chịu. Mặt khác, trí thức trẻ Việt Nam chính là những trụ cột sẽ gánh vác sứ mệnh đất nước trong hiện tại và tương lai, vì vậy, ngay từ bây giờ họ phải được cởi trói khỏi những cơ chế lỗi thời để thoát khỏi sự lạc hậu và làm tròn được sứ mạng của mình.

 

* Danh hiệu Vinh danh nước Việt là danh hiệu được trao tặng cho những người có nhiều đóng góp cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cho sự phát triển đi lên của Việt Nam.

 

Vũ Anh Tuấn

Theo stanford.edu, TTXVN, và báo chí trong nước