Nhìn ra thế giới 47, 2009

Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng và giải thưởng lớn trên đất Mỹ

Vào tháng 9/2007, báo chí Mỹ có nhiều bài đưa tin về việc nữ Tiến Sĩ Huỳnh Mỹ Hằng, một nhà hóa học người Việt tại Mỹ đã giành được giải thưởng MacArthur Fellowship trị giá 500.000 USD cho phát minh "chất nổ cơ bản xanh" (green primary explosives) của chị.

 Đây là một trong những giải thưởng cao quí nhất tại Mỹ, và Huỳnh Mỹ Hằng là nhà khoa học Việt Nam thứ 2 được trao giải này.

 Cô sinh viên giỏi của Đại học SUNY Geneseo

Tiến Sĩ Huỳnh Mỹ Hằng (tên gọi ở Mỹ: My Hang Huynh) sinh năm 1962 và lớn lên tại Việt Nam. Năm 1985, cô rời quê nhà sang định cư tại Mỹ. Đến sống ở Albany (New York), tuy không nói được tiếng Anh, nhưng cô gái 23 tuổi này đã thể hiện một khả năng học tập vượt trội, và chỉ một năm sau, năm 1986, Mỹ Hằng đã xuất sắc vượt qua được kỳ thi GED (General Educational Development), một kỳ thi bắt buộc trước khi vào học đại học, để được theo học tại Trường Đại học State University of New York, Genesseo (SUNY Geneseo).

Tại Trường Đại học nổi tiếng này, cô nữ sinh Việt Nam Huỳnh Mỹ Hằng luôn được bạn bè và giáo sư trong trường đánh giá cao về sự thông minh, chăm chỉ trong học tập. Giáo sư Gary Towsley, người dạy Toán cho Huỳnh Mỹ Hằng vẫn nhớ hình ảnh về một cô sinh viên người Việt Nam hay mắc cỡ, nhưng ham học. "Cô ấy nghĩ không có điều gì là không thể thực hiện được", Giáo sư nhận xét.

Năm 1991, Huỳnh Mỹ Hằng tốt nghiệp Đại học SUNY Geneseo với hai bằng cử nhân Toán và Hóa học. Với những thành tích học tập xuất sắc tại Đại học SUNY Geneseo, chị theo học tiếp chương trình Tiến sĩ  tại Đại học State University of New York, Buffalo. Năm 1998, Huỳnh Mỹ Hằng đã bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ hóa học. Từ năm 2002, Tiến sĩ Mỹ Hằng Làm việc cho Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos của Mỹ, tại tiểu bang New Mexico.

Công tác tại Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos, Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng được làm việc với nhà Hóa học nổi tiếng Thomas Meyer. Tiến Sĩ Huỳnh Mỹ Hằng nghiên cứu những kỹ thuật dùng để tổng hợp các chất nổ năng lượng mạnh cho tập đoàn High Explosives Science and Technology Group. Những chất nổ này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Trong quá trình làm việc, chị nhận thấy một điều: Mặc dù khoa học đã có nhiều tiến bộ, nhưng về cơ bản, những loại chất nổ được sản xuất ra ngày nay vẫn sử dụng thuỷ ngân và chì là những thành phần chính như chất nổ cách nay hơn 400 năm, để lại hậu quả xấu về mặt môi trường và sức khỏe.

Với những trăn trở như vậy, Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng đề ra mục tiêu nghiên cứu tìm cách thực hiện việc sử dụng đồng đỏ và sắt thay vì sử dụng thủy ngân và chì trong sản xuất chất nổ. Chị bắt đầu công việc vào tháng 3/2003. Trong quá trình nghiên cứu, Huỳnh Mỹ Hằng gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Các nhà hóa học chuyên về chất nổ thường là những chuyên gia được đào tạo chuyên về Hóa hữu cơ. Tuy nhiên, với những thành tích trong Hóa vô cơ, Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng lại nhìn vấn đề từ góc nhìn khác. Chị phải chứng minh bằng đủ mọi cách cho các nhà hoá hữu cơ hiểu ra vấn đề.

Sau khi một trong những thí nghiệm của chị có kết thúc không thành công, Giáo sư Meyer đã giúp Huỳnh Mỹ Hằng đến Phân viện nghiên cứu chất nổ ở Los Alamos để có thêm điều kiện làm việc. Càng nghiên cứu, Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng càng thấy đam mê đối với lĩnh vực chất nổ. Tháng 5/2005, Huỳnh Mỹ Hằng đã chế tạo thành công loại chất nổ mới mang tên "chất nổ cơ bản xanh" không có thuỷ ngân và chì. "Điều quan trọng là mình có thể loại bỏ được hai chất độc đó vì chất chì rất có hại cho trẻ con, rất độc trong nước uống, v.v...", chị cho biết.

Giải thưởng xứng đáng cho nữ Tiến sĩ người Việt

Dựa vào các nghiên cứu mà chị đạt được, các cơ quan trên đã đánh giá chất nổ mới và họ khẳng định các hiệu quả gây nổ của "chất nổ cơ bản xanh" không hề kém chất nổ sử dụng thủy ngân và chì. Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng đã được chính thức công nhận và được cấp bằng phát minh.

Những tính năng ưu việt của "chất nổ cơ bản xanh" được thể hiện trong ứng dụng thực tiễn, chỉ một năm sau, Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng đã được tặng giải MacArthur Fellowship cho phát minh của mình. Chị trở thành một trong 24 nhân vật tiêu biểu của nước Mỹ giành được giải thưởng MacArthur Fellowship, còn được gọi là "Genius Grants" (giải "Thiên Tài"). Đây là một trong những giải thưởng cao quý nhất ở Mỹ, được trao cho những gương mặt xuất sắc trong các ngành khoa học kĩ thuật, khoa học xã hội, nhân văn, nghệ thuật v.v... Dù vậy, phát biểu khi nhận giải, nhà khoa học Huỳnh Mỹ Hằng chỉ khiêm tốn cho biết: "Tôi không cảm thấy mình là một thiên tài. Tôi chỉ tiến vào khoa học bằng một con đường khác mà thôi... Nó có thể thật sự đưa đến những đột phá kỳ diệu nếu một ai đó sẵn sàng làm một cách khác hơn những gì họ được đào tạo".

Sẵn sàng trước những thử thách mới

Như vậy, sau 20 năm, đây là lần thứ hai một người Việt Nam được trao tặng giải thưởng MacArthur Fellowship. Người đầu tiên là học giả Huỳnh Sanh Thông, được trao năm 1987.

Được biết, ngoài giải thưởng MacArthur Fellowship, trong năm 2007, nhà khoa học Huỳnh Mỹ Hằng còn đoạt giải thưởng Ennest Orlando Lawrence của Bộ Năng lượng Mỹ cho công trình nghiên cứu của mình. Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng cho biết, khoản tiền từ những giải thưởng trên sẽ giúp chị có thêm điều kiện trong việc theo đuổi những công việc nghiên cứu tiếp theo của mình. Với những thành công đạt được sau hơn 20 năm nghiên cứu, chị có kế hoạch sẽ hợp tác với các nhà sinh học, công ty dược phẩm và nghiên cứu sâu hơn về chất nổ. Tự đặt ra cho mình những thử thách mới, nhà khoa học nữ người Việt này tỏ ra rất tự tin khi chị nói: "Có rất nhiều cơ hội khác nhau. Nếu tôi không e sợ chất nổ, tôi không sợ bất cứ điều gì".

                    Vũ Anh Tuấn