Tản mạn với Đặng Thái Sơn

Để gặp được NSND Đặng Thái Sơn thật khó bởi lịch làm việc dày đặc của ông. Nhưng, cũng sẽ thật dễ, nếu như bạn có thêm một chút may mắn và gợi đúng điều vẫn khiến ông hằng thao thức: Nước Nga.

NSND Đặng Thái Sơn

NSND Đặng Thái Sơn
Với nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng thế giới Đặng Thái Sơn, hiện đang sinh sống ở Canada, chỉ có hai nơi mà ông gọi là quê hương, đó là Việt Nam và Nga. Với ông, mười năm học tập và biểu diễn tại Nga, từ 1977 đến 1987, là ký ức đẹp đẽ nhất trong cuộc đời hoạt động âm nhạc sôi động của mình.

Thời kì đó, du học sinh Việt Nam sống khá vất vả... Hẳn ông có lý do khi nói đó là thời gian đẹp đẽ nhất?

Hồi ấy, khi học tại Học viện âm nhạc Tchaikovsky, học bổng của tôi khoảng 60-70 rúp/tháng, sau khi trừ đi một số chi phí còn khoảng 55 rúp. Nếu số tiền đó chỉ dùng cho sinh hoạt hàng ngày thì tương đối đầy đủ, nhưng gia đình chúng tôi đều nghèo nên đứa nào cũng dành dụm gửi về nhà. Những kỳ nghỉ đông, nghỉ hè, chúng tôi thường vào nhà máy điện gần trường để làm thêm và được trả công theo năng suất.

Muốn kiếm được nhiều tiền, tôi đã nhận phần việc nặng nhọc nhất là tiện các chi tiết của thiết bị điện. Tôi làm chăm chỉ đến mức, người thường làm được 5-6 rúp/ngày đã là giỏi, còn tôi làm được 7,5 rúp. Khi nhìn thấy bàn tay nhăn nheo của tôi sau kì nghỉ, thầy Vladimir Natanson của tôi đã kêu lên đầy xót xa…

Đó là những năm tháng vất vả, tôi miệt mài học đến nỗi chẳng có năm phút để nghỉ ngơi. Nhưng giờ nhìn lại thì thấy vui khủng khiếp vì đó là quãng thời gian tuyệt đẹp. Tôi chỉ lo đánh đàn mà chẳng phải nghĩ đến bất cứ điều gì khác.

Những ánh hào quang chói lọi sau này không khiến ông vui sao?

Mọi người cứ nghĩ được đi nhiều nước, đánh đàn hay, giành nhiều giải thưởng, được mọi người vỗ tay… là thích, nhưng đằng sau đó có rất nhiều sức ép. Đã thành nghệ sĩ nổi tiếng thì lúc nào cũng phải đánh hay, đánh dở là bị chê. Có những lúc, nghệ sĩ mệt mỏi, ốm đau, u buồn, sốc tâm lý… mà chưa đến mức phải hủy diễn thì vẫn phải đánh hay vì nếu đánh dở thì không có cơ hội nào để quay lại đó biểu diễn. Vì thế, với khán giả, tôi đánh hay là đương nhiên còn đánh dở là bị quên lãng.

Văn hóa nghệ thuật có hai dạng là nghệ thuật sáng tác và nghệ thuật biểu diễn. Nếu làm sáng tác thì khi nào có hứng thì làm, không có hứng thì nghỉ. Nhưng làm biểu diễn thì lúc nào cũng phải làm tốt, làm hay, dù muốn hay không.

Hẳn ông đã từng có lúc phải biểu diễn trong tâm trạng đó?

Tôi không thể quên được buổi biểu diễn đó, khi mà tôi phải chơi một bản nhạc có nội dung hết sức vui tươi. Tối hôm đó biểu diễn thì buổi trưa, tôi nhận được tin sét đánh: Người bạn gái thân thiết của tôi bị bắt cóc và giết hại dã man khi đi du lịch. Tôi ngã quỵ và suy sụp đến mức có thể hủy bỏ tất cả. Nhưng, cuối cùng, tôi đã trấn tĩnh bằng cách tự cho mình suy sụp như vậy trong ba tiếng. Đến năm giờ chiều, tôi buộc những cảm xúc đau đớn ấy dừng hẳn lại, như chưa hề có chuyện đau lòng ấy xảy ra để có thể đứng vững và diễn...

Bây giờ, dường như ông dành nhiều thời gian cho giảng dạy hơn là biểu diễn. Ông tìm thấy ít cảm hứng hơn chăng?

Thành thực mà nói, khi người ta còn trẻ thì sẽ có nhiều sức để biểu diễn hơn. Với tuổi tác của tôi bây giờ, sự thích nghi với thay đổi múi giờ đã kém hơn. Nếu đi từ Việt Nam sang châu Âu để biểu diễn thì tôi thấy đỡ mệt hơn, nhưng nếu tới Bắc Mỹ chẳng hạn, thì tôi cần ít nhất năm ngày để làm quen với múi giờ, trong khi thường tôi chỉ có tối đa hai ngày là phải diễn, rồi lại đi.

Tôi cũng không thể diễn mãi những bài cũ mà phải dành thời gian dựng chương trình mới. Lịch diễn hàng năm của tôi chia theo mùa và thường đầu năm, tôi dành ra vài tháng để dựng chương trình. Trong khi đó, tôi còn giảng dạy ở Đại học Montréal, dạy thạc sĩ ở các nước, tham gia các khóa dạy mùa hè và tập cho các thí sinh dự thi âm nhạc quốc tế…

Việc biểu diễn theo tour thì chương trình nào gợi nhiều hứng thú thì tôi mới nhận lời. Có thể đó là những buổi diễn sang trọng, đặc biệt hay chỉ là diễn trong khán phòng nhỏ, có ít người nghe - nhưng đó là những khán giả vô cùng tinh tế về nhạc cảm… Còn khi đã không có cảm hứng thì dù thù lao cao tôi cũng sẽ từ chối.

Hàng năm, tôi vẫn chủ động tham gia những buổi biểu diễn với mục đích từ thiện.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Sinh năm 1958 tại Hà Nội, Đặng Thái Sơn được cử đi học dương cầm tại Học viện âm nhạc Tchaikovsky từ năm 1977. Đến tháng 10/1980, ông trở thành nghệ sĩ dương cầm châu Á đầu tiên giành giải Nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ mười tại Warsaw (Ba Lan). Năm 1984, ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và trở thành Nghệ sĩ nhân dân trẻ nhất từ trước đến nay.

Năm 1991, ông định cư tại Montréal (Canada) và giảng dạy ở Đại học Montréal. Năm 1999, ông là nghệ sĩ dương cầm duy nhất không phải là người Ba Lan được mời đến dự buổi hòa nhạc nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của Frédéric Chopin và là người châu Á đầu tiên trong Ban giám khảo Concours Chopin năm 2005.

Thường xuyên biểu diễn tại Nga, ông đã quyên góp tiền để ủng hộ xây dựng lại Nhạc viện Tchaikovsky sau hỏa hoạn. Ông cùng những người bạn Nhật Bản của mình lập nên quỹ từ thiện giúp đỡ Nhạc viện Hà Nội và một số trường tại Việt Nam. Ông thường xuyên trở về Việt Nam để tham gia các buổi hòa nhạc lớn và để chăm sóc mẹ là nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên, năm nay đã gần 100 tuổi.





















Theo Quỳnh Khánh
Thế giới & Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm