Giáo sư Phạm Hữu Tiệp

Sinh viên Việt Nam được đánh giá cao tại Đại học Florida

(Dân trí) - Cuối tháng 7/2007, cuộc thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48 (IMO 48), lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã thành công tốt đẹp, và đoàn học sinh Việt Nam đã vươn lên xếp hạng thứ 3 toàn đoàn, đạt thành tích cao nhất từ trước tới nay.

Bên cạnh những thành tích rực rỡ của những học sinh Việt Nam, một trong những gương mặt người Việt Nam trong thành phần Ban giám khảo cuộc thi cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Đó là Giáo sư Toán học Phạm Hữu Tiệp, từ trường Đại học Florida, Mỹ.

 

Giáo sư Phạm Hữu Tiệp sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Tuy bố mẹ của Phạm Hữu Tiệp không có ai theo ngành Toán, nhưng anh có một người cậu dạy Toán ở Đại học Sư phạm. Bố Phạm Hữu Tiệp vốn là một nhà báo, lúc còn nhỏ học rất giỏi, và khi lên 13 ông tuổi từng được nhận học bổng nội trú toàn phần để theo học ở trường Quốc học Vinh, và ngay từ những năm 1960 ông có trong tay ba tấm bằng đại học. Ngoài ra, Phạm Hữu Tiệp còn có haingười cậu khác là giáo viên dạy cấp ba.

 

Sống trong một gia đình như vậy, ngay từ khi còn nhỏ, Phạm Hữu Tiệp đã tỏ ra là một cậu bé thông minh, lanh lợi. Khi Phạm Hữu Tiệp chuẩn bị vào lớp một, các cậu Tiệp thử cho cháu mình giải một số bài toán. Thấy cậu bé có năng khiếu về toán, các cậu của Phạm Hữu Tiệp quyết định cho Tiệp học “nhảy cóc” lên học lớp hai.

 

Khi còn học cấp một, Phạm Hữu Tiệp sống với mẹ ở Thanh Trì, Hà Nội. Theo anh, hạnh phúc lớn nhất hồi đó của mình là được về nhà thông báo kết quả học tập với mẹ. Mỗi lúc như vậy, mẹ Phạm Hữu Tiệp vui lắm nên mặc dù hồi đó cuộc sống vất vả nhưng gia đình anh không bao giờ thiếu tiếng cười.

 

Biết con trai có năng khiếu về toán, hằng tuần đi làm về thăm nhà, bố anh đều không quên mang theo báo “Toán học và Tuổi trẻ” cùng các tạp chí toán học dành cho học sinh thời bấy giờ về cho anh đọc. Rất say mê môn toán, nhưng Phạm Hữu Tiệp đã biết cân đối thời gian cho môn học mà anh yêu thích. “Hồi đó, chúng tôi không học nhiều như bây giờ. Bố tôi nghiêm lắm, buổi tối nhất định 9 giờ là phải đi ngủ và buổi chiều sau khi học xong là giúp mẹ việc nhà rồi được đi chơi đến giờ ăn cơm”, Phạm Hữu Tiệp kể lại.

 

Tuy Phạm Hữu Tiệp thích học toán từ nhỏ, nhưng chuyện anh thi vào lớp chuyên toán lại xảy ra một cách tình cờ. Năm Phạm Hữu Tiệp học hết lớp bảy, trong khi đi lao động hè, thầy giáo chủ nhiệm tình cờ nói với Tiệp là sắp có cuộc thi để chọn vào lớp chuyên toán Chu Văn An, Hà Nội. Thế là Tiệp cũng thử sức đi thi, và trúng tuyển.

 

“Có lẽ, tôi được thừa hưởng tinh thần hiếu học và sự say mê đối với công việc của bố mẹ. Mẹ tôi tuy không theo ngành toán, nhưng hồi nhỏ mẹ là người yêu thương và dõi theo từng bước trưởng thành của tôi, Phạm Hữu Tiệp cho biết.

 

Được theo học lớp chuyên toán của trường Chu Văn An, năng khiếu về toán của Phạm Hữu Tiệp càng có dịp phát huy cao hơn. Đến năm 1979, trong cuộc thi Olympic Toán học quốc tế tại London, Phạm Hữu Tiệp đã giành được tấm Huy chương Bạc về cho đất nước.

 

Sau khi đạt được thành tích trên, cũng như nhiều học sinh đoạt thành tích cao trong những kỳ thi Olympic Toán học quốc tế khác của Việt Nam, Phạm Hữu Tiệp sang học Toán lý thuyết tại khoa Toán trường Đại học Tổng hợp danh tiếng mang tên Lomonosov ở Mátxcơva. Anh là một trong những sinh viên giỏi và rèn luyện tốt của trường. Tốt nghiệp khoa Toán năm 1985, Phạm Hữu Tiệp được trường Đại học Tổng hợp Lomonosov giữ lại để làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ vào năm 1989; và bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1991, khi anh mới 27 tuổi.

 

Tốt nghiệp xong, anh về nước ngay, nhưng do không xin được việc làm trong nước, ba tháng sau Phạm Hữu Tiệp quay lại Matxcơva để làm công tác khoa học theo lời mời của Đại học Tổng hợp Lomonosov. Sau đó anh sang Đức, rồi sang Mỹ làm việc, và anh vừa được mời trở về Việt Nam tham gia Ban giám khảo cuộc thi Olympic Toán học quốc tế lần thứ 48.

 

Giờ đây, Phạm Hữu Tiệp đang là giáo sư khoa Toán trường Đại học Florida. Công việc của anh là giảng dạy, phụ trách sinh viên làm luận án tiến sĩ, tham gia các công việc trongcác ban, hội đồng của khoa và trong trường, nghiên cứu chuyên môn trong lĩnh vực của mình. Tính đến nay, anh đã có hai cuốn sách và hơn 70 công trình khoa học đăng ở các tạp chí lớn chuyên ngành trên thế giới.

 

Năm 2006, Phạm Hữu Tiệp được bầu vào Faculty Senate (tổ chức đại diện cho giáo sư toàn trường). Mặc dù luôn bận rộn với công việc ở trường, nhưng anh vẫn thường xuyên liên lạc với các đồng nghiệp ở Việt Nam để trao đổi và tiến hành việc xin học bổng cho sinh viên Việt Nam sang làm luận án tiến sĩ tại Đại học Florida, cũng như giới thiệu các em đến các đại học ở Mỹ, nơi có đồng nghiệp của anh làm việc.

 

Hiện nay, ở Đại học Florida nơi Giáo sư Phạm Hữu Tiệp làm việc có khoảng 10 sinh viên Việt Nam đang làm luận án Tiến sĩ ở các ngành khác nhau. Năm tới, sẽ có thêm 5 em nữa sang làm luận án Tiến sĩ. Phạm Hữu Tiệp hy vọng sẽ ngày càng có thêm nhiều sinh viên Việt Nam sang học toán hoặc các ngành khác và học tốt ở Đại học Florida.

 

Theo anh, sinh viên Việt Nam đang học tập ở khoa Toán Đại học Florida đều được đánh giá rất cao, có những em được mời đi dự hội nghị quốc tế ở Đức, Thụy Sĩ... ngay trong lúc đang làm luận án. “Tôi luôn luôn cảm thấy thiếu thời gian vì việc mình muốn làm thì nhiều mà quỹ thời gian thì có hạn. Nhưng chắc chắn tôi sẽ vẫn dành phần lớn thời gian cho việc làm toán. Tôi cũng rất quan tâm và sẽ dành thời gian để tham gia đóng góp vào việc giúp đỡ đào tạo các bạn trẻ Việt Nam yêu toán”, anh khẳng định.

 

Gia đình Phạm Hữu Tiệp giờ đã có hai cô con gái. Anh cho biết vợ chồng anh coi trọng việc dạy hai con tính tự lập từ nhỏ. “Được tận tay chăm sóc con gái, tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc và thông cảm với vợ hơn”, vị Giáo sư của trường Đại học Florida này cho biết.

 

Vũ Anh Tuấn

Theo math.ufl.edu, danquyen.com và báo chí trong nước