Sang Nga tìm hàng Việt

Rất nhiều người Việt ở LB Nga biết đến chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp gia đình các ông Trần Quốc Ngợn (Lợi) - Trần Quốc Triệu.

Ngày 29/5/2015, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan chính thức được ký kết. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, như dệt may và thủy sản... Phóng viên TTXVN đã tới tỉnh miền nam Krasnodar, vựa lúa mì của nước Nga, để tìm hiểu cơ hội tiếp cận thị trường hấp dẫn này.

Dưới cái nắng mùa hè gay gắt tới 40ºC, sự trù phú của Krasnodar thể hiện rõ qua những cánh đồng ngô và hướng dương bát ngát, trải dài hai bên đường, hay các vệt hoa rực rỡ trồng bên cạnh những ngôi nhà mái vát đặc trưng.

 

Sang Nga tìm hàng Việt - 1

Một cửa hàng Lucky ở Krasnodar.

Rất nhiều người Việt ở LB Nga biết đến chuỗi bán lẻ của doanh nghiệp gia đình các ông Trần Quốc Ngợn (Lợi) - Trần Quốc Triệu. Khởi điểm từ những quầy tiêu thụ hàng may mặc nằm rải rác trên toàn tỉnh, sau 10 năm xây dựng và phát triển, ngày nay chuỗi cửa hàng tiêu thụ này đã gồm 60 cửa hàng tổng hợp gắn biển hiệu Lucky, diện tích mặt bằng trung bình hơn 1.000 m2, sử dụng hơn chục lao động địa phương, cùng khoảng 150 cửa hàng tiêu thụ nhỏ không chỉ ở trong tỉnh mà còn vươn sang các tỉnh lân cận.

Hàng hóa trong các cửa hàng Lucky rất đa dạng và phong phú, đáp ứng nhu cầu của người bình dân địa phương với giá phải chăng. Tuy nhiên hiện các cửa hàng này chủ yếu chỉ tiêu thụ hàng Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và hàng của các xưởng may người Việt tại Nga.

Tại cửa hàng tổng hợp ở thành phố nghỉ dưỡng Goryachy Klyuch, cách thành phố Krasnodar 45 km về phía Nam, chị Rita Tatulian, người quản lý cửa hàng, cho biết: "Có rất nhiều khách hàng hỏi mua hàng Việt Nam nhưng hiện tại cửa hàng vẫn chưa đáp ứng được. Chúng tôi hy vọng sắp tới sẽ được tiêu thụ nhiều mặt hàng thú vị của quê nhà".

Quay lên phía Bắc thành phố Krasnodar 68 km là thành phố Timashyovsk với hơn 50.000 dân nằm bên bờ sông Kirpili. Chị Veronhika, nhân viên bán hàng, tâm sự: "Lợi nhuận chính của cửa hàng là nhờ bán hàng trẻ em. Người Việt ở Nga thường cung cấp cho chúng tôi những mẫu váy áo trẻ em thêu lấp lánh và mọi người đều thích mặt hàng này. Khách hàng nhìn chung ưa chuộng các mặt hàng giá không quá đắt mà chất lượng tốt".

Tại trụ sở công ty ở thành phố Krasnodar, ông Trần Quốc Ngợn chia sẻ: "Khả năng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và các nước nói chung có tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên, các cụ có câu “nhập gia tùy tục”. Người dân Nga hơi khó tính, họ yêu cầu chất lượng phải đảm bảo và giá cả phải phù hợp. Hai điều này nói thì dễ nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải có tâm để phục vụ khách hàng và có tâm để sản xuất hàng hóa thì mới bền vững được. Quan điểm của chúng tôi là phục vụ lâu dài cho nên những mặt hàng không đảm bảo chất lượng, chúng tôi kiên quyết loại bỏ, kể cả có bán đến tận tay người dân rồi chúng tôi cũng đổi lại".

Tới chợ chính ở thành phố Krasnodar, nơi có đại bộ phận người Việt đang làm ăn buôn bán, anh Phạm Văn Dưỡng, quê Thái Bình cho biết: "Ngoài chất lượng, khách hàng còn đòi hỏi mẫu mã hàng hóa phải thay đổi. Chúng tôi chủ yếu lấy hàng Thổ Nhĩ Kỳ, hàng của các doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất ở Nga và hàng Trung Quốc. Hàng hóa muốn bán được thì thứ nhất giá cả phải cạnh tranh, thứ hai là phải hợp mẫu mã, thứ ba là chất lượng phải đảm bảo. Có những mặt hàng giá rẻ những không phù hợp thị hiếu thì khách hàng cũng không muốn mua".

Theo FTA đầu tiên của EAEU, hai bên cam kết mở cửa thị trường đối với 9.927 dòng thuế (87,4-95,7%). Đặc biệt thuế các mặt hàng dệt may Việt Nam được cắt giảm ngay sau khi FTA có hiệu lực. Cùng với đó là những cửa hàng tổng hợp giống như Lucky cùng khoảng 100.000 người Việt đang làm ăn sinh sống tại LB Nga, mà phần lớn kinh doanh ngoài chợ. Đây sẽ là lợi thế không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng, dấn thân vào khai phá thị trường Nga.

Theo Duy Trinh

baotintuc.vn

Sang Nga tìm hàng Việt - 2