Người Yukon nghĩ về Tết Việt

Trên thực tế, nếu dân Bắc cực chúng tôi mà muốn đón Tết vào lúc mặt trời mang nắng ấm đến để báo hiệu Xuân về, chúng tôi sẽ phải thong thả đếm nhịp chân rong chơi của cái ông mặt trời la đà ấy trên quãng đường dài từ Nam cực về Bắc cực.

Vì gió mùa Xuân chỉ bắt đầu mơn man má hồng con gái Yukon vào cuối tháng năm mà thôi, bởi vì đôi khi đến tận ngày 22 tháng 5 hàng năm, chúng tôi vẫn còn có những đêm mà nhiệt độ ngoài trời tuột xuống dưới 0oC...

Người Yukon nghĩ về Tết Việt



Mùa Đông ở vùng giáp với biên giới Alaska như tại thành phố Whitehorse của chúng tôi đến từ tháng 9, nếu bạn xem điểm chuẩn của ngày Đông là 0oC.

Nhưng nếu bạn tính toán rằng đỉnh điểm của ngày mùa Đông phải là ngày lạnh nhất trong năm thì chúng tôi thường chờ đón ngày cực đông này vào khoảng đầu tháng hai Dương lịch, khi mà nhiệt độ ngoài trời đôi khi có thể là 45o dưới âm (-45oC).

Do đó khi kể chuyện cho các em bé về lý do đón Tết, chúng tôi phải giải thích rằng: “Ông bà chúng ta thông minh lắm, nên các cụ đoán được vào ngày này thì mặt trời bắt đầu chán nản với cuộc đi chơi về hướng Nam, và cũng chính vì biết thế nên ta tổ chức Tết để mời gọi và thuyết phục mặt trời trở về với quê hương Bắc cực chúng ta”.

Trên thực tế, nếu dân Bắc cực chúng tôi mà muốn đón Tết vào lúc mặt trời mang nắng ấm đến để báo hiệu Xuân về, chúng tôi sẽ phải thong thả đếm nhịp chân rong chơi của cái ông mặt trời la đà ấy trên quãng đường dài từ Nam cực về Bắc cực. Vì gió mùa Xuân chỉ bắt đầu mơn man má hồng con gái Yukon vào cuối tháng năm mà thôi, bởi vì đôi khi đến tận ngày 22 tháng 5 hàng năm, chúng tôi vẫn còn có những đêm mà nhiệt độ ngoài trời tuột xuống dưới 0oC.

Thời tiết là thế đấy, nhưng không vì thế mà các mẹ, các dì trong cộng đồng người Việt chúng tôi lại chịu thua. Hương vị Tết không chỉ đến bởi mùa Xuân và ông mặt trời, mà còn đến với thanh thiếu niên Việt Nam như là một nét văn hóa quan trọng, mà luôn là động cơ gắn chặt chúng tôi với hình ảnh quê hương và nền nếp gia đình. Nó cũng chính là một sợi dây vô hình gắn kết chúng tôi lại với nhau, những người Việt xa quê.

Thế rồi cũng bánh chưng, cũng chúc Tết, cũng mai, cũng đào và phong bao đỏ đỏ lì xì. Những người Việt chúng tôi tự hào và hãnh diện trưng ra những nét đẹp sáng ngời của văn hóa Việt Nam trước con mắt ngỡ ngàng thán phục của người dân địa phương.
Chồng tôi, một người đã hoàn toàn thờ ơ với cái tên Việt Nam trong suốt bao thập kỷ, vì ông không đồng ý với việc làm của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Giờ đây, ông Tây ấy cũng phải thảng thốt khẳng định rằng: ‘Khi chúng ta chưa từng sống tại Việt Nam, thì nói đến văn hóa Việt Nam, ta chỉ thường rất đơn giản nghĩ đến các nhà hàng nấu món ăn Việt Nam… nhưng nếu bạn đã từng sinh sống với cộng đồng người Việt, bạn sẽ nhận ra rằng văn hóa Việt có hàng trăm ngàn điều thú vị!”.

Người Yukon nghĩ về Tết Việt


Cũng chính vì thế mà từ khi nghỉ hưu đến nay, ông cương quyết buộc tôi phải đón Tết tại quê nhà. Nếu bạn hỏi tại sao, tôi tin rằng ông Tây ấy sẽ mời ngay bạn ra đi dạo đường hoa Nguyễn Huệ và sau đó chờ đón Giao Thừa với một bầu trời rực sáng bởi pháo hoa tại bến Bạch Đằng. Ông Tây ấy cũng sẽ chỉ cho các bạn xem những bức ảnh, mà số người chen chân trong lễ hội đón Xuân phải lên đến hàng triệu, hàng triệu.

Và tôi cũng mong rằng chính những thán phục ngỡ ngàng của khách nước ngoài như thế, sẽ cổ động và thúc đẩy niềm tin trong tim những con người Việt xa quê về một Việt Nam ngày nay và một Việt Nam sẽ còn vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.

Vâng Việt Nam là nơi mà từ đó chúng tôi ra đi. Nhưng Việt Nam đã và còn mãi mãi là niềm yêu thương và hãnh diện của chúng tôi. Và còn hơn nữa, Việt Nam sẽ là chốn duy nhất luôn mở rộng vòng tay để đón nhận chúng tôi trở về trong một không gian thiết tha đầm ấm và chan chứa tình người, tình quê hương và tình thân gia tộc.

Theo Kim Laight (Canada)
Quê hương Online