Người nuôi dưỡng những giấc mơ Việt ở Đức

(Dân trí) - Đã bước sang tuổi lục tuần nhưng nữ doanh nhân Trịnh Thị Mùi vẫn đầy nhiệt tâm và giàu ý tưởng mới lạ. Tiếp xúc với bà, sự thông minh, dí dỏm và cái duyên ăn nói của một người từng đứng trên bục giảng đã gây ấn tượng với tôi ngay từ lần đầu gặp gỡ.

 


Doanh nhân Trịnh Thị Mùi và người bạn đời

Doanh nhân Trịnh Thị Mùi và người bạn đời

Bà Trịnh Thị Mùi sinh năm 1956 tại Hà Nội. Năm 1987, bà Mùi sang Cộng hòa Dân chủ Đức theo diện xuất khẩu lao động. Khi nước Đức thống nhất, bà Mùi cũng như bao người khác rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhiều người đã nhận tiền hỗ trợ từ Chính phủ Đức (3.000 Đê Mác) để về nước. Người phụ nữ truân chuyên Trịnh Thị Mùi lại đứng trước những ngã rẽ.

Phần vì hoàn cảnh riêng tư, phần muốn đương đầu, lập nghiệp ngay trên mảnh đất đầy thách thức nhưng cũng nhiều hứa hẹn ấy, bà Mùi bà quyết chí ở lại. Thân gái dặm trường trên miền đất lạ, bà Mùi khởi nghiệp bằng nghề buôn bán lẻ hàng dệt may, ngay trên vùng đất Berlin đầy sóng gió.

Bà bắt đầu tìm mối hàng từ Việt Nam, Hungary, Trung Quốc, Ba Lan,… nhập vào Đức để kinh doanh. Ngoài hàng dệt may, bà Mùi triển khai kinh doanh thêm các mặt hàng khác như Mây tre đan, giày dép, trà Trân Châu và tham gia một số lĩnh vực thương mại khác. Nhờ định hướng đúng, sáng tạo, nắm bắt tốt thời cơ và cái “duyên làm ăn” nên công việc của bà “thuận buồm xuôi gió”, sớm gặt hái những thành công khiến nhiều người thán phục.

Là người nhạy bén trong kinh doanh, lại đi nhiều nơi, nhìn cảnh người Việt Nam phải “buôn thúng bán bưng” dọc trên các vỉa hè, góc chợ với rất nhiều thiệt thòi và nguy hiểm, bà Trịnh Thị Mùi băn khoăn, suy nghĩ và “mơ” tới một môi trường làm việc tốt hơn cho cộng đồng mình.

Năm 1993, bà thuê đất xây dựng một khu chợ tại Rhin str. 85, Berlin. Đây chính là khu chợ đầu tiên của người Việt Nam tại Đức. Từ “cái nôi” này, nhiều người Việt đã thành lập doanh nghiệp, tìm mối hàng nhập về để kinh doanh nhộn nhịp. Sau đó, một số khu chợ khác cũng đã mọc lên. Đỉnh điểm, có lúc lên tới 13 khu Chợ của người Việt Nam tại Berlin. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các khu chợ bị rơi vào khó khăn, teo tóp dần rồi bị phá sản.

Bà Mùi kể lại rằng bản thân bà cũng từng trải qua nhiều phen khốn đốn, bị lục soát, niêm phong, tịch thu hàng hóa… vì những sai phạm, do kém hiểu biết pháp luật và còn non kinh nghiệm. Sau này nghĩ lại, bà thấy đó chính là những bài học để bản thân trưởng thành trên thương trường.


Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Berlin, Đức

Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Berlin, Đức

Năm 2004, thấy mô hình “chợ trời” đã có phần lạc hậu trong môi trường kinh doanh chuyên nghiệp ở Đức, bà Mùi đã cùng vài người bạn đầu tư gần 10 triệu euro để mua đất, xây cất nên Trung tâm ITC Thái Bình Dương, rộng 51.000m2 tại quận Lichtenberg, Berlin. Đây là trung tâm kinh doanh lớn nhất của người Việt ở Đức lúc đó, với hơn một trăm gian hàng lớn, nhỏ và khu liên hợp văn phòng cho thuê, nhà nghỉ... Trung tâm có cả các công ty đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… đầu tư, nhưng chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp của người Việt, chiếm trên 80% các gian hàng.

Bà Mùi tâm sự, hồi đó nhìn thấy các cháu nhỏ phải “đi chợ cùng bố mẹ”, hoặc gửi ôsin Tây chăm sóc nên không nói được tiếng mẹ đẻ. Nghĩ đến con, lại nghĩ đến sự lam lũ, thiếu thốn tình cảm gia đình, quê hương, thiếu hụt chỗ dựa tinh thần của bản thân mình cũng như các đồng hương Việt, bà Mùi - với bản năng của một trí thức từng đứng trên bục giảng và ý thức về trách nhiệm của mình - đã “mơ” tới những điều bền vững hơn cho cộng đồng.

Bà tâm đắc với câu nói: “Không biết mình đến từ đâu sẽ không biết mình đi về đâu” của ông Genscher - Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức. Và thế là Năm 2005, bà Trịnh Thị Mùi chủ trì xây dựng lên Chùa Phổ Đà, ngôi chùa thuộc hàng sớm nhất ở Đông Đức. Rồi năm 2007, bà thành lập Trường dạy tiếng Việt Sao Mai, kinh phí đa phần do bà tài trợ, cùng với những Việt kiều có trách nhiệm khác để duy trì hoạt động. Năm 2008, bà Mùi tiếp tục thành lập Trung tâm văn hóa Việt Nam để bà con ta có nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa và xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng. Đặc biệt, con em người Việt có sân chơi để trau dồi, học hỏi và dìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Bà Mùi còn tích cực tổ chức, kêu gọi và tham gia nhiều hoạt động từ thiện, xây dựng cộng đồng và góp phần trách nhiệm trong bảo về biển đảo quê hương.

Với vai trò và uy tín lớn trong cộng đồng, bà Trịnh Thị Mùi từng nhiều năm đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên của Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức và hiện đang là Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Đức.

Từ sự thành công và những đóng góp tích cực cho cộng đồng Việt ở Đức, năm 2007, bà Trịnh Thị Mùi vinh dự là một trong tám nữ Việt kiều tiêu biểu trên thế giới được mời về dự Đại hội phụ nữ  toàn quốc lần thứ 10. Bà cũng đã nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam(2008) và được trao giải thưởng Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu khu vực Châu Âu (2009).

Năm 2014, Trung tâm thương mại ITC Thái Bình Dương vinh dự được Ban dân vận Trung Ương Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác vận động quần chúng và cộng đồng ở nước ngoài. Những sự vinh danh đó dẫu chưa thể ghi nhận hết những đóng góp thầm lặng của bà Trịnh Thị Mùi, nhưng cũng đã kịp thời đánh giá được vai trò và công lao của bà cho cộng đồng, quê hương.

Bà Mùi chia sẻ: “Tôi rất xúc động khi cảm nhận được rằng Tổ Quốc thân yêu vẫn luôn gần gũi, dõi theo những bước đi lên của mình cũng như những Việt kiều yêu nước khác”.

Nguyễn Thức Tuấn