“My day” và câu chuyện của cô gái từ ao làng ra biển lớn

Bích Hồng làm dự án “My day” với mong muốn mang lại những điều tốt đẹp cho trẻ em nông thôn nghèo

Các cuộc trưng bày ảnh từ dự án “My day”- góc nhìn cuộc sống qua ống kính của các “nhiếp ảnh gia nhí”- sẽ diễn ra tại xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa từ ngày 30/3 đến 1/4/2014. Tiếp sau đó là một chuỗi các cuộc trưng bày tại Hà Nội cùng chủ đề sẽ kéo dài từ ngày 03/04 đến 6/6/2014 tại nhiều địa điểm.

Em Quyền (ảnh: Nguyễn Thị Quỳnh Anh, 11 tuổi)

"Em Quyền" (ảnh: Nguyễn Thị Quỳnh Anh, 11 tuổi)

Cuộc trưng bày ảnh tại Thanh Hóa giới thiệu 150 bức ảnh và tại Hà Nội là 100 bức ảnh tiêu biểu nhất, được lựa chọn từ gần 10.000 bức ảnh do hơn 70 trẻ em từ 9 đến 15 tuổi ở xã Xuân Sơn thực hiện trong khoảng thời gian 3 tháng cuối năm 2013.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “My day”- dạy chụp ảnh cho trẻ em nông thôn nghèo. Dự án nhằm tạo điều kiện cho trẻ em các vùng này được học cách sử dụng máy ảnh, được hướng dẫn thực hành và được mượn máy ảnh để sáng tác, mô tả cuộc sống thường ngày của các em qua các tác phẩm ảnh.

Theo đuổi ước mơ

“18 tuổi, em từ quê Thanh Hóa vào TP.HCM học đại học. Cha mẹ em lo lắm, con gái nhà quê chưa bao giờ đi tới đâu (ở Thanh Hóa mà đến năm học lớp 5 em mới lần đầu tiên xuống biển Sầm Sơn), giờ đến sống ở một nơi xa lạ, không có người thân. Nhưng rất may là bố mẹ không ngăn cản em. Em không hối hận khi có quyết định như vậy”– Đó là tâm sự của Vũ Thị Bích Hồng, cô gái 28 tuổi, quê ở xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Học xong ngành Nhân học, Bích Hồng làm việc tại một tòa soạn báo ngành tại TP.HCM. Năm 25 tuổi, cô khám phá ra niềm đam mê nhiếp ảnh. Theo đuổi công việc nhiếp ảnh cho các dự án, được đi đó đi đây nhiều nơi ở trong và ngoài nước, cô thực sự muốn làm điều gì đó cho những đứa trẻ ở nông thôn như mình trước kia, để các em bớt thiệt thòi so với trẻ thành thị. Đó cũng là lý do cô viết dự án “My day” và thực hiện giai đoạn đầu tiên ngay chính làng quê của mình.

Bích Hồng đến trường học ở quê mình để dạy cho các em nhỏ chụp ảnh

Bích Hồng đến trường học ở quê mình để dạy cho các em nhỏ chụp ảnh

Sống tại TP.HCM, thực hiện dự án ở Thanh Hóa trong khi chưa hề có nhà tài trợ chính thức nào mà hầu hết chỉ dựa vào sự giúp đỡ của bạn bè, Bích Hồng rất vất vả để theo đuổi những mục tiêu mà cô mong muốn thu được từ dự án. Cô muốn giúp các em bé nông thôn tự phát hiện khả năng tiềm ẩn về nhiếp ảnh, cô chia sẻ niềm đam mê của mình và giúp các em có một sân chơi bổ ích. Khi Bích Hồng trình bày ý tương, chính quyền địa phương và nhà trường hết sức ủng hộ. Thông tin về dự án được giới thiệu tới các em nhỏ, ngay sau đó hơn 70 bé đã đến tận nhà Bích Hồng để đăng ký tham gia.

Bích Hồng về Thanh Hóa, tập hợp các bé, chia thành các nhóm từng 3 em, để mỗi nhóm sẽ dùng chung nhau 1 máy ảnh. (Nguồn máy ảnh cho mượn là các máy ảnh cũ, do Bích Hồng kêu gọi bạn bè ủng hộ). Cô hướng dẫn các bé kỹ thuật chụp hình, rồi cùng các em đi sáng tác buổi đầu tiên. Sau khi có ảnh, cô đưa lên máy tính, nhận xét từng tấm hình tốt hay chưa tốt, nên làm sao để hình đẹp hơn. Buổi sau đó, các bé được giao máy ảnh để tự đi sáng tác.

Cùng các em xem từng bức ảnh và đưa ra lời nhận xét

Cùng các em xem từng bức ảnh và đưa ra lời nhận xét

“Quả thật, có nhiều bé tiếp thu ngoài khả năng tưởng tượng của mình. Có những em mới 9 tuổi, vậy mà nắm được rất nhanh cách sử dụng máy ảnh. Các em sinh ra và lớn lên ở nông thôn, lần đầu tiên tiếp xúc với máy ảnh, nên cái nhìn qua ống kính của các em rất chân thực. Một điều thú vị nữa là mỗi bức ảnh đều gắn liền với một câu chuyện”.

Những cuộc “triển lãm” đầu tiên

Cuộc trưng bày ảnh tại xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa (từ 30/3 đến 1/4/2014): sẽ thu hút hơn 8.000 nông dân trong xã, là cha mẹ, ông bà của các “nhiếp ảnh gia nhí” và chính các em tới tham quan. Với những người nông dân chất phác ở một xã nghèo thuần nông, chắc chắn ít có cơ hội đi xem triển lãm, mà lại xem các “tác phẩm” của con em mình, chụp chính cảnh xung quanh mình, sẽ là một sự kiện thật đặc biệt.

Ngay cả các “nhiếp ảnh gia nhí” cũng háo hức chờ đón cuộc trưng bày ảnh, bởi các em mới chỉ được xem qua ảnh của mình trên màn hình máy ảnh số và máy tính, chứ chưa nhìn thấy tác phẩm được in tráng và đóng khung. Tại cuộc trưng bày ảnh, các “nhiếp ảnh gia nhí” sẽ có mặt, chia sẻ câu chuyện trong những tấm ảnh. Các bậc ông bà cha mẹ cũng có thể nói lên cảm xúc của mình khi xem ảnh. Mọi người thêm yêu, thêm gắn bó với quê hương.

“My day” và câu chuyện của cô gái từ ao làng ra biển lớn - 4

"Bạn cùng xóm" (ảnh:Lê Đình Phương 13 tuổi)

Bà đi chập mộ (ảnh:Vũ Văn Thịnh, 13 tuổi)

"Bà đi chập mộ" (ảnh:Vũ Văn Thịnh, 13 tuổi)

Bình minh quê em (ảnh:Đoàn Thị Lan Trinh, 15 tuổi)

"Bình minh quê em" (ảnh:Đoàn Thị Lan Trinh, 15 tuổi)

Phần thưởng dành cho tác giả những bức ảnh được chọn, không phải là tiền (do Bích Hồng quyên góp được) mà là những chiếc máy ảnh nhỏ, để các em bé tiếp tục sáng tác ảnh, làm phong phú hơn đời sống tinh thần.

Đối tượng xem các cuộc trưng bày ảnh tại Hà Nội là các em nhỏ sống ở thành phố và phụ huynh. Các trẻ em nông thôn sáng tác ảnh với cảm xúc chân thật và những sáng tạo riêng. Học sinh thành phố đa phần chưa có nhiều cơ hội về thăm nông thôn, nên qua những bức ảnh chân thật ấy các em sẽ có cái nhìn mới về các vùng miền của đất nước, về cuộc sống của những bạn bè cùng trang lứa… Các em sẽ có cái nhìn chia sẻ hơn, sẽ được bồi dưỡng thêm những cảm xúc yêu thương con người, thiên nhiên, các động vật sống xung quanh mình, gắn kết thế hệ trẻ với nhau, xóa dần khoảng cách nông thôn- thành thị”.

Nếu điều kiện cho phép, Bích Hồng dự định đưa một số “tác giả nhí” từ Thanh Hóa ra Hà Nội để tiếp xúc với các bạn nhỏ tới xem trưng bày ảnh ở Hà Nội. Và không chỉ ở Hà Nội, cô muốn mang những bức ảnh này đi giới thiệu ở các thành phố khác. Kinh phí từ những bức ảnh được mua tại các cuộc trưng bày ảnh sẽ được chuyển hoàn toàn vào Quỹ khuyến học của các địa phương có các em nhỏ tham gia dự án.

Sẽ quyết tâm theo đuổi “My day”

Bích Hồng dự định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình dạy nhiếp ảnh cho trẻ em nông thôn nghèo ở các địa phương khác, đặc biệt là các địa phương miền núi, nơi có các em bé dân tộc ít người, nơi cuộc sống còn khó khăn hơn ở những vùng nông thôn đồng bằng như quê cô, và đối tượng trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi.

Xã Xuân Sơn nghèo, nhiều người phải để con ở nhà, đi xuất khẩu lao động. Một em bé đã chụp lại tấm ảnh mẹ mình treo trên tường, dĩ nhiên tấm ảnh ấy không có gì cả, và sẽ không xuất hiện trước công chúng. Nhưng khi được hỏi vì sao lại chụp ảnh như thế, em bé trả lời: “Vì em nhớ mẹ”. Không cảm động sao?

"Có thể tấm ảnh của bạn chưa phải là tốt nhất, nhưng cảm xúc của bạn là duy nhất, câu chuyện của bạn là duy nhất" - Vũ Thị Bích Hồng, 28 tuổi, cử nhân ngành Nhân học, nhiếp ảnh gia tự do, người sáng lập và là người thực hiện dự án "My day", chia sẻ.

Kết quả của dự án sẽ là những cuộc trưng bày ảnh tại các vùng nông thôn xa xôi đó. Người nông dân sống xa các thành phố lớn, các trung tâm nghệ thuật, họ ít có cơ hội để tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa- văn nghệ. “Em muốn họ có cơ hội thưởng thức các tác phẩm ảnh, có khi cảm nhận của họ còn tinh tế và sâu sắc hơn những người có kiến thức văn hóa văn nghệ, vì cảm xúc của con người là không có giới hạn”. Bích Hồng nói rằng, một trong những mục tiêu của dự án cũng là tạo ra sự công bằng cho người dân nông thôn trong tiếp cận với nghệ thuật. “Trong gia đình người dân quê, họ có thể cũng treo một vài bức ảnh. Thường đó là hình ảnh của một vùng đất xa xôi, nơi mà họ ước mong được đi du lịch. Nhưng cuộc “triển lãm” nhỏ này cho họ thấy những hình ảnh đẹp của làng quê nơi họ sống lâu nay, có thể họ là nhân vật trong bức ảnh, và người ghi lại những hình ảnh đẹp đó lại chính là con em họ. Điều này chắc chắn rất ý nghĩa!”.

Điều Bích Hồng mong mỏi là sẽ có thêm nhiều người đồng hành để nhân rộng dự án này ra các vùng nông thôn khác. Bích Hồng cho biết, trong dịp này, một số đơn vị cũng đã ủng hộ những món quà thiết thực làm phần thưởng cho các em nhỏ có ảnh chụp tốt hơn cả: CLB bóng đá Fasterone thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Truyền thông vì sự phát triển bền vững (CSD) Hà Nộiở tài trợ giải thưởng (thi ảnh) trị giá 5 triệu đồng, Ambient Café 89A Lý Nam Đế tài trợ giải thưởng (thi ảnh) trị giá 8 triệu đồng, Wrigley ủng hộ 5 thùng kẹo, Vietfood ủng hộ 200 phần quà và 3 triệu đồng, Cty nhiếp ảnh Sáng Tạo (TP.HCM) tài trợ 20 cuốn sách dạy nhiếp ảnh cơ bản và nâng cao, nhóm Yêu quý bảo vệ Cát Tiên (SCT) ủng hộ 100 cây bút và 20 áo thun với thông điệp bảo vệ môi trường, 1 nhóm thân hữu hỗ trợ 500 cuốn vở viết…

Bích Hồng trong một chuyến đi về Đất Mũi

Bích Hồng trong một chuyến đi về Đất Mũi

“Cha mẹ, họ hàng nhiều khi cũng trách em sao cứ lo những việc bao đồng cho vất vả… Em kiên trì giải thích, và em đã phần nào thay đổi suy nghĩ của mọi người, rằng cuộc sống cần có sự chia sẻ. Người con gái nông thôn như em, được đi đó đi đây để biết rằng thế giới quanh ta có bao điều mới mẻ, đẹp đẽ, em muốn các em bé nông thôn nghèo cũng có những ước mơ đẹp và biết tìm cách biến giấc mơ thành hiện thực”- Bích Hồng tâm sự.

Chương trình hoạt động trưng bày ảnh “My day”

09 giờ sáng 30/03/2014 - Khai mạc trưng bày ảnh và trao giải cho các em sau cuộc thi ảnh vào lúc tại xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

10 giờ sáng 05/04/2014- Khai mạc cuộc trưng bày ảnh tại Flickr cafe Hà Nội, 43 Lò Đúc, đến hết ngày 06/04/2014.

Sau đó một chuỗi hoạt động trưng bày được kéo dài đến 6/6/2014, qua các địa điểm tại Hà Nội như sau:


- Mạc Cà phê, số 2 ngõ 597 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân 08-25/04/2014
- Ambient Caffe, số 89 Lý Nam Đế 26/4-14/05/2014
- Cà phê Quang, 498 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, 15/5-6/6/2014



















Theo Thúy Hoa
VOV Online