"Mẹ tôi vui khi Tổng thống Obama thăm Việt Nam"
“Nghe tin Tổng thống Barack Obama sẽ tới Việt Nam trong tuần này, tôi đã choáng váng khi mẹ nói: “Mẹ nghĩ chuyến đi sẽ giúp chúng ta hàn gắn”. Đó là lời cô con gái kể về mẹ mình - một Việt kiều Mỹ đang sống San Francisco sau 35 năm mới quay lại Việt Nam.
Bài viết của tác giả Cecilia Tran được chia sẻ trên trang mạng PRI tâm sự về trường hợp của mẹ mình – bà Hà Ngọc Bích, năm nay 53 tuổi:
Mẹ tôi là người Mỹ gốc Việt thế hệ cũ vốn chịu đựng những tổn thương đáng kể sau khi rời quê nhà. Bà tham gia làn sóng tị nạn thứ hai hồi năm 1980 sau thời gian sống nghèo đói cùng cực dù đất nước đã hết chiến tranh. Quãng thời gian nghiệt ngã đó tôi đã được mẹ kể suốt thời thơ ấu của mình.
Nhưng mọi chuyện trở nên thay đổi bất ngờ sau chuyến về thăm Việt Nam của bà hồi tháng 11-2015. Đó là lần đầu tiên mẹ tôi trở lại quê hương sau 35 năm. Ngày ấy, mẹ rời bỏ quê nhà lúc 18 tuổi sau khi bố và anh trai bà qua đời vì bệnh, mẹ lo sợ vì người anh làm lính ngụy. Mẹ đã lên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ hướng về Thái Lan mà không quay đầu nhìn lại.
Năm 2002, khi tôi học lớp 8 ở San Jose, gia đình tôi gồm cha mẹ, hai chị em tôi định về thăm Việt Nam, nhưng tháng đó, đêm nào mẹ tôi cũng gặp ác mộng về cảnh bắt bớ trong chiến tranh hay hải tặc Thái Lan. Cuối cùng, chuyến đi đó phải hủy. Nhưng điều gì khiến mẹ tôi muốn quay lại sau 35 năm? Tất cả chỉ từ một yêu cầu kết bạn trên trang mạng xã hội Facebook.
Phải nói mẹ tôi là người không thích giao du. Tuổi thanh xuân, mẹ chăm sóc các em, sau đó lại hy sinh cho con cái. Dường như mẹ tôi đã quen với sự cô đơn. Vì vậy, tôi bất ngờ khi mẹ khoe rằng bà đã nhiều năm dò tin tức của những người bạn thân nhất hồi phổ thông và cuối cùng, họ đã tìm thấy bà qua Facebook.
Tôi lờ mờ nhớ lại câu chuyện về một người bạn của mẹ tên Mai, người vẫn chở mẹ bằng xe đạp đến trường suốt mùa mưa. Bà cũng kể về một bạn gái tên Tốt từng bán dây chuyền để đãi mẹ và em gái của bà khi lần đầu tiên ăn ở nhà hàng.
Từ đó, cuối tuần nào tôi cũng thấy mẹ tôi sử dụng điện thoại và chat video trực tuyến rồi cười khúc khích với hai phụ nữ ở phía bên kia địa cầu.
Bà Mai đi xe buýt 5km tới nhà bà Tốt để 3 người trò chuyện trên mạng với nhau. Thỉnh thoảng họ chụp ảnh măng cụt chín, kem sầu riêng để nhắc nhở mẹ tôi về hương vị quê nhà.
Có gì đó ấm áp trong tiếng cười của mẹ tôi mà tôi chưa từng nghe thấy trước đây. Sau một năm liên lạc, hai người bạn hỏi mẹ tôi có muốn gặp họ không, bà nói: “Mình sẽ về”.
Vì tôi đã về Việt Nam hai lần nên mẹ bảo tôi cùng đi.
Bà Hà Ngọc Bích (ngoài cùng bên phải) gặp lại bạn thời thơ ấu sau 35 năm xa cách
Ở thành phố Rạch Giá, cô Tốt vẫn làm nông dân như gia đình mẹ tôi trước kia. Sau đó cô Mai đến. Ba người bạn từ thời thiếu nữ hàn huyên trong tiếng cười và thường xuyên chụp ảnh “tự sướng”, như thể là mẹ tôi vừa trở về nhà sau một chuyến đi dài.
Tôi thường cảm thấy sợ hãi khi mẹ kể những câu chuyện về Việt Nam bằng sự nặng nề và buồn bã khổ đau. Nhưng khi bà ngồi với những người bạn này, như chưa bao giờ bà có những khoảnh khắc hạnh phúc đến thế. Ngày chia tay ở sân bay, mẹ tôi vội vã quay đi để không nhìn thấy nước mắt của bạn mình.
Chuyến đi đó tới nay đã qua gần 6 tháng nhưng vẫn còn dư âm. Mẹ vẫn trò chuyện hàng tuần với bạn bè mình qua video trực tuyến. Bà nói rằng bà ngủ tốt hơn và không còn ác mộng về hành trình rời bỏ Việt Nam ngày trước.
Vì vậy, khi mẹ nói rằng cảm thấy hy vọng về chuyến đi của Tổng thống Obama, tôi chia sẻ sự lạc quan ấy. Bà cũng như nhiều người đều hiểu rằng không thể hàn gắn rạn nứt hay tìm lối thoát trong sự cô lập.
Và mặc dù đây mới chỉ là chuyến thăm thứ ba của Tổng thống Mỹ tới Việt Nam trong 43 năm, mẹ tôi cũng hiểu rằng không bao giờ là quá muộn để chữa lành vết thương.
Theo Yến Chi/ PRI
An ninh thủ đô