Mathilde Tuyết Trần: Từ trang viết đến cuộc đời

Theo Mathilde Tuyết Trần, văn chương là để giữ gìn ngôn ngữ, bản sắc Việt. Bà đã lập trang web có 3 thứ tiếng: Việt - Đức - Pháp để chia sẻ các bài viết của mình với cộng đồng người Việt trên thế giới.

Trang web vừa truyền tải kiến thức văn hóa nghệ thuật, vừa bắc một nhịp cầu văn hóa, vừa lưu trữ tiếng Việt trong cộng đồng mạng thế giới.

Tôi được gặp Mathilde Tuyết Trần lần đầu khi bà về Việt Nam dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất năm 2009. Cảm nhận đầu tiên về bà là một người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, nữ tính, đằm thắm. Hơn 40 năm sống trên đất Pháp, không làm mất đi những nét đặc trưng của phụ nữ Việt Nam đó. Rồi những lần gặp sau, tôi khám phá ra bên trong vẻ bình dị như bao phụ nữ Việt khác là một người phụ nữ đầy nghị lực, sắc xảo với đôi mắt sáng và cuốn hút người đối diện với cách nói chuyện rất tình cảm, gần gũi… Điều đó khiến tôi bắt đầu tìm hiểu về bà.

Người phụ nữ đa tài

Mathilde Tuyết Trần


Mathilde Tuyết Trần

Mathilde Tuyết Trần, tên Việt Nam thời con gái là Trần Thị Tuyết. Theo cách của châu Âu thì Trần Thị Tuyết được gọi và viết là Tuyết Trần. Còn Mathilde là tên bà ngoại của chồng bà, người phụ nữ Pháp mà bà hằng yêu mến và cảm phục. Cái tên Mathilde Tuyết Trần được bà chọn làm bút danh cho những bài viết và tác phẩm của mình.

Bà là người gốc Bắc, nhưng sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh). Từ những năm 60-70 của thế kỷ 20, bà là một trong số ít nữ sinh Việt Nam đầu tiên du học tại Cộng hòa Liên bang Đức. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ về Kinh tế quản trị tại trường Đại học kỹ thuật Aachen – CHLB Đức, bà vào làm việc trong lĩnh vực Quản lý hành chính tại Đức trong vai trò là Chuyên viên cao cấp phụ trách lĩnh vực tài chính, nhân sự của chính quyền thành phố Cologne. Bà còn đảm đương cương vị làm đại diện cho chính quyền thành phố trong các dự án của Cộng đồng Châu Âu ở Brussels. Trong 3 năm (1992 – 1995) bà đã hoàn tất 9 dự án do mình quản lý và phối hợp thực hiện bao gồm các lĩnh vực kinh tế, môi trường, giáo dục, đào tạo nghề cho phụ nữ và người thất nghiệp… Thời điểm đó, việc một phụ nữ Việt Nam được nhận vào làm việc tại vị trí đó khiến nhiều người Đức rất ngạc nhiên. Với tài năng và nghị lực của mình, bà đã làm cho các đồng nghiệp của mình nể phục.

Dù được đào tạo về quản trị kinh doanh và thành công trong lĩnh vực quản lý kinh tế, nhưng dường như không mặn mà với con đường đang đi đó, bà đã rẽ sang một hướng đi khác để thực hiện niềm đam mê nghiên cứu lịch sử và viết sách của mình. Và mọi người thường biết đến bà như một nữ văn sỹ hơn là một người làm về lĩnh vực tài chính, kinh doanh.

Trong hơn 10 năm kể từ khi chia tay với lĩnh vực kinh doanh, bà đã viết rất nhiều. Trong đó phải kể đến 3 cuốn: Hoa gai (tiểu thuyết), Dấu xưa - tản mạn lịch sử nhà Nguyễn (khảo cứu lịch sử) xuất bản năm 2010 và Việt Bắc – Một mùa xuân, xuất bản năm 2011 đã gây tiếng vang trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Ngoài ra bà còn viết và dịch ra tiếng Pháp 2 cuốn giới thiệu về các món ăn, ẩm thực của người Việt, biên dịch và viết nhiều bài nghiên cứu văn, thơ khác. Trên trang web cá nhân của bà có hàng trăm bài viết, nghiên cứu, phê bình văn, hàng chục bài thơ, nhiều bức tranh sơn dầu rất đẹp do bà sáng tác*. Thế mới biết sức viết của người phụ nữ này thật đáng khâm phục.

Mathilde Tuyết Trần



Một trong những cuốn sách của bà khiến tôi đọc rất say mê, đó là cuốn Dấu xưa - tản mạn lịch sử nhà Nguyễn. Cuốn sách dày hơn 500 trang đi sâu vào các vấn đề còn nhiều câu hỏi mà lịch sử để lại như: Tại sao mất nước thời Tự Đức, Một bí ẩn về vua Hàm Nghi, Vua Duy Tân và một kết cục bi thảm, về khúc bi tráng của người anh hùng Đề Thám…, những văn bản hiệp ước quan trọng trong số 11 hiệp ước mà nhà Nguyễn đã lần lượt ký với Pháp, những tư liệu này đến nay ít người Việt Nam được tiếp cận. Hay như những phát hiện về cuộc đời của vua Thành Thái, Hàm Nghi và Duy Tân trong thời gian lưu đày... một phần sử Việt nhưng không phải người Việt nào đến nay cũng rõ. Sách đã được xuất bản lần thứ nhất bằng tiếng Việt tại Pháp năm 2010 (với 7 chương) và sau đó được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản trong nước năm 2011 (với 5 chương). Đây là một công trình khảo cứu lịch sử có nhiều sự kiện, tư liệu chưa được công bố, do tác giả dày công lục tìm trong đống văn khố hiện vẫn còn lưu trữ tại Pháp, cũng như qua các cuộc thăm viếng nhiều nhân vật có liên quan đang ở Pháp.

Thành công của cuốn sách chính là sự kết hợp giữa tính mới của các sự kiện, tư liệu chưa từng được công bố với lối viết sử hay, lạ, không khô khan cứng nhắc…, giữa sự chính xác được mô tả một cách tỉ mỉ của các sự kiện, nhân vật với cách trình bày hiện đại, mạch lạc có khái quát cao của những nội dung đề cập đến trong cuốn sách. Và xuyên suốt đó là một tình yêu với đất nước, dân tộc Việt của một phụ nữ luôn hướng về nguồn cội.

Sau thành công của Dấu xưa – tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, một cuốn sách khác của bà cũng được độc giả đón nhận với tình cảm yêu mến, đó là cuốn Việt Bắc – Một mùa xuân. Cuốn sách là kết quả những chuyến đi về thăm Việt Nam của bà, là sự ghi lại những cảm xúc bằng một lối văn tinh tế, chính xác và khách quan, không chỉ là cuộc hành trình “xem cảnh ngắm người” như tác giả đã viết trong cuốn sách, mà còn được xem như "sách hướng dẫn" cho những ai muốn đi du lịch tại Việt Nam. Để viết cuốn sách này, bà đã thực hiện 4 chuyến đi, từ Đông sang Tây, từ Lạng Sơn đến Điện Biên Phủ. Đi đến đâu bà cũng ghi chép tỉ mỉ rồi đọc các sách, nhất là sách lịch sử, văn hóa để tìm hiểu, suy ngẫm và viết. Bà đã ghi lại đến hàng trăm địa danh, tên sông, núi, làng mạc gắn liền với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc ở đó. Cuốn sách không giống như cuốn nhật ký ghi chép cảm xúc của khách du lịch ta thường thấy, mà là sự kết hợp của các yếu tố: lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội, kinh doanh… Sự kết hợp nhuần nhuyễn đó được thể hiện qua cách viết khác lạ của bà khiến nhiều người bị cuốn hút khi đọc.

Hiện tại, bà đang viết tiếp một cuốn biên khảo lịch sử và đang bắt đầu cuốn "Từ Lũng Cú đến Đất Mũi". Bà còn là cộng tác viên thường xuyên của tạp chí Quê Hương và Tạp chí Hồn Việt của Hội nhà văn Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh, Báo Quân đội Nhân dân…

Mong muốn bảo tồn văn hóa Việt nơi xứ người

Mathilde Tuyết Trần



Lý giải cho việc ham mê nghiên cứu lịch sử và trở thành nhà viết sử, bà cho biết: “Tôi cũng như tất cả những người Việt Nam khác đều mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương. Với khả năng nhỏ bé của mình, tôi chỉ mong muốn có thể giới thiệu đôi chút văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam cho bạn bè quốc tế và thế hệ trẻ người Việt Nam ở nước ngoài hiểu hơn về đất nước Việt Nam trong quá khứ và hiện tại”.

Sống nhiều năm ở Pháp, bà biết có rất nhiều người Việt (cả những nhân vật lịch sử) đã sống và chết trên đất Pháp, hiện nay hậu duệ của họ vẫn còn ở Pháp. Bà cũng biết có nhiều tư liệu về Việt Nam vẫn còn lưu trữ, ngủ im trong các văn khố ở Pháp, trong khi giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài nói chung, ở Pháp nói riêng thuộc rất nhiều lịch sử Pháp, Đức, Hy Lạp và lịch sử các nước sở tại nhưng hoàn toàn không biết hoặc biết rất ít về lịch sử Việt Nam. Các bậc cha mẹ ở nước ngoài muốn tìm một cuốn sách lịch sử Việt Nam để đọc và dạy cho con em mình cũng rất khó. Chính vì vậy, bà đã bắt đầu dấn thân vào công việc nghiên cứu lịch sử.

Đối với Mathilde Tuyết Trần, văn chương là để giữ gìn ngôn ngữ Việt, giữ gìn bản sắc Việt. Cho nên, bà lập trang web của mình bằng 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Đức và tiếng Pháp để chia sẻ các thông tin, cảm xúc, suy nghĩ, bài viết của mình với cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Trang web được lập ra vừa truyền lại kiến thức và văn hóa nghệ thuật, vừa bắc một nhịp cầu với các nền văn hóa khác, vừa lưu trữ lại tiếng Việt trong cộng đồng mạng thế giới.

Theo quan điểm của bà, một trong những cách bảo tồn “chất Việt” tốt nhất là bảo tồn văn hóa Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở hải ngoại. Đây là một việc rất cấp bách và cần thiết. Bà cho biết: “Hiện nay chúng ta có 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Những người Việt này, nếu ai cũng chỉ làm một việc nhỏ nào đó để bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam tại hải ngoại qua mọi hình thức văn học, ngôn ngữ, truyền thống, âm nhạc, ẩm thực... thì không còn gì hay bằng. Nếu ngày nay chúng ta hãnh diện rằng chúng ta không bị đồng hóa, đó là nhờ tổ tiên ông bà cha mẹ chúng ta, hàng triệu người dân bình thường đã nối tiếp nhau gìn giữ cho chúng ta, thì bổn phận của chúng ta phải cố gắng như thế”. Thế hệ người Việt thứ hai ở nước ngoài ít được tiếp xúc với người Việt Nam, cầu nối tiếp xúc chỉ là cha mẹ nên việc dạy và học tiếng Việt cũng gặp nhiều khó khăn, muốn học tiếng Việt tốt cần có sự giao thoa đối chiếu giữa hai thứ tiếng, một bên là tiếng Việt, một bên là tiếng sở tại. Hiện nay mới chỉ có một số giáo trình song ngữ Anh - Việt chứ chưa có các thứ tiếng khác như Đức - Việt hoặc Pháp - Việt… Chính vì vậy, bà dự định sẽ soạn hai cuốn sách giáo khoa song ngữ Việt - Pháp và Việt - Đức, mục đích đưa những cấu trúc văn phạm, những chính tả cơ bản của tiếng Việt để cho các bậc cha mẹ hay các em thanh, thiếu niên có thể tự học một mình.

Với Mathilde Tuyết Trần, việc duy trì bản sắc văn hóa, ngôn ngữ Việt chính là một cách để gìn giữ đất nước và dân tộc. Bà nói: “Ngày nào người dân Việt còn giữ gìn tục lệ thờ cúng tổ tiên, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, ngày đó mình còn hy vọng con cháu đời sau sẽ nhận ra con đường huyết mạch phải đi để giữ gìn đất nước và dân tộc”.

Theo Minh Đức
Quê hương