Lời hứa Trường Sa của người Việt xa xứ

Một số dự án lớn còn đang ở phía trước, nhưng “Lời hứa với Trường Sa” vẫncòn đó, chỉ cần có nhiệt huyết, cùng nhìn về một hướng, đồng sức, đồng lòng, tôitin rằng mọi người sẽ làm được.

Những ngày cuối tháng 4/2015, chúng tôi được Đảng ủy Ngoài nước chọn tham gia Đoàn Công tác 06 đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa. Trên chuyến tàu HQ561, 14 đại biểu đến từ 9 nước (Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ba Lan, Ăng-gô-la, Nga và Séc) của đoàn Đảng ủy Ngoài nước được phân công sinh hoạt tại phòng D7. “Đơn vị” chúng tôi ra đời từ đó.

Lời hứa Trường Sa của người Việt xa xứ - 1

Anh Trần Hải Linh và Nguyễn Trung Kiên thay mặt kiều bào Hàn Quốc tặng quà cho chiến sĩ đảo Song Tử Tây. Ảnh: Trần Hữu Thùy Giang

Đất nước là đây, quê hương là đây!

Công việc khác nhau, tuổi tác chênh nhau (đại biểu lớn tuổi nhất sinh năm 1948, đại biểu trẻ nhất sinh năm 1986), mới gặp nhau lần đầu, thế nhưng nhiệt huyết với Trường Sa đã mang chúng tôi đến gần với nhau hơn bao giờ hết. Ngoài giờ sinh hoạt toàn tàu, chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm đã triển khai, trao đổi về các ý tưởng, hoài bão và ấp ủ những dự án mới đối với Trường Sa. Khi tàu cập đảo, chúng tôi giúp nhau chia những túi quà bằng hiện vật và tiền mặt - gửi gắm của kiều bào và du học sinh ở nước ngoài - gửi đến cán bộ chiến sĩ, nhân dân và các cháu thiếu nhi tại các đảo;

Tôi còn nhớ như in sáng tinh mơ ngày 23/4, khi tiếng còi của tàu HQ561 rền vang chào Song Tử Tây, không ai bảo ai, tất cả chúng tôi ùa ra phía trước, mắt rưng rưng nhìn về phía dải đất bấy lâu nay chỉ được nghe, được thấy qua báo đài, sách vở. Đất nước là đây, quê hương là đây. Từ thuở cha ông mang gươm đi mở cõi, biển Tổ quốc chưa bao giờ ngơi nghỉ nên những tấc đất ngoài khơi xa này đã thấm đẫm máu xương, mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ để đất nước hát mãi khúc hoan ca.

 

Lời hứa Trường Sa của người Việt xa xứ - 2

Anh Trần Hải Linh và Nguyễn Trung Kiên thay mặt kiều bào Hàn Quốc tặng quà cho chiến sĩ đảo Song Tử Tây. Ảnh: Trần Hữu Thùy Giang

Chứng kiến những đứa con của đất mẹ, da sạm đen vì nắng gió, nhưng vẫn hiên ngang, vững vàng trước phong ba bão tố tại Song Tử Tây, Đá Nam, Nam Yết, Sinh Tồn, Len Đao, Trường Sa, Đá Lát, chúng tôi càng có niềm tin mãnh liệt vào chủ quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của biển đảo Tổ quốc. Được bồng trên tay những cháu bé cứng cáp “sinh ra ở Trường Sa em là con của biển”, chúng tôi không khỏi vui mừng, tự hào trước những nơi được đặt chân lên.

Dẫu vậy, vinh quang nào dễ có được từ con đường trải đầy hoa gấm. Cán bộ, quân và dân Trường Sa luôn phải đối mặt với hiểm nguy, gian khó đang ngày đêm rình rập. Chúng tôi bàng hoàng khi đứng trước ngôi mộ của những chiến sĩ hy sinh trong thời bình, các anh còn trẻ quá; quặn đau khi tham dự Lễ tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh năm 1988 tại Gạc Ma và uất nghẹn khi chứng kiến các đảo của Việt Nam đang bị chiếm đóng và xây cất, cải tạo trái phép.

Hình ảnh những người chiến sĩ với lá cờ Tổ quốc trên tay, cùng hô vang với chúng tôi: Hoàng Sa - Trường Sa, Việt Nam! Việt Nam!.. đã trở thành điểm nhấn, là động lực thôi thúc chúng tôi tiếp tục thực hiện những hoài bão, những lời hứa của mình đối với Trường Sa.

 

Lời hứa Trường Sa của người Việt xa xứ - 3

Một góc quầy triển lãm Vì Trường Sa thân yêu tại Berlin, Đức 7.2015. Ảnh: Nguyễn Văn Cường

Lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình

Trở về với công việc của mình, chúng tôi vẫn tiếp tục liên lạc, email trao đổi để phối hợp thực hiện các dự án đối với Trường Sa thân yêu. Những cuộc họp chung qua viber, skype mà chúng tôi hay gọi vui là “Hội nghị thượng đỉnh D7” đã tiếp tục trao đổi kỹ lưỡng hơn những ý tưởng như làm nấm, trồng rau xanh công nghệ cao, máu khô, xuồng cao tốc chủ quyền, nhà trọ cho con em chiến sĩ Hải Quân, Quỹ Trường Sa, xuất bản quốc tế công bố bằng chứng lịch sử và tính pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái về chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông... Hơn bốn tháng đi qua, những ý tưởng nhen nhóm ban đầu đã dần trở thành hiện thực.

Nhóm ở Đức, sau khi trao tặng xuồng cao tốc chủ quyền (trị giá gần 3 tỷ đồng) do kiều bào Đức quyên góp trong đợt về Việt Nam tham gia đoàn Công tác số 6, đã tổ chức Triển lãm ảnh, tư liệu về Trường Sa, Hoàng Sa tại Berlin (26/7/2015). Dự án nhà ở miễn phí cho con em cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở các khu vực biên giới, hải đảo của Tổ quốc học ở Hà Nội trong vòng 5 năm của gia đình anh Nguyễn Văn Cường đang triển khai nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều người.

 

Lời hứa Trường Sa của người Việt xa xứ - 4

Gia đình anh Nguyễn Văn Cường trong một lần tham gia phản đối các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại biển Đông. Ảnh: Phạm Mạnh Cường

Từ Nga, ngoài việc tham mưu, chủ trì Hội thảo về tình hình Biển Đông (4/7/2015) do Hội sinh viên Việt Nam tại Liên bang Nga tổ chức, anh Trần Phú Thuận, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga còn mang những bức ảnh, những kỷ vật có được từ chuyến đi Trường Sa của mình triển lãm, trưng bày tại hội thảo. Việc làm này đã tạo được hiệu ứng thiết thực, góp phần giúp bạn bè quốc tế, bà con kiều bào, học sinh, sinh viên ở Nga hiểu thêm về tình hình biển đảo của đất nước.

Ngoài ra, tại cuộc tọa đàm “Hướng về biển đảo quê hương”, anh Phạm Ngọc Trung, thay mặt Ban chấp hành Hội người Việt tại Voronezh đã phát động cuộc vận động ủng hộ “Vì biển đảo quê hương” trong toàn cộng đồng người Việt tại địa bàn. Chương trình ủng hộ kéo dài từ ngày 04/07 đến ngày 22/12 năm nay.

Tại Úc, nhóm nghiên cứu về biển đảo đã nhận được sự ủng hộ của các giáo sư để cộng tác, viết và xuất bản quyển sách về biển đảo Việt Nam; xây dựng website tiếng Anh để cung cấp tư liệu lịch sử, bản đồ và các bài viết khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa…

Khi tôi viết những dòng này, đề án thành lập “Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” tại Hàn Quốc, do anh Trần Hải Linh và Nguyễn Trung Kiên cùng những thành viên đồng sáng lập, đã trở thành hiện thực. Quỹ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động tại Lễ hội văn hóa Việt Nam lần 5 vào ngày 30/8/2015.

Với việc đề ra những dự án ngắn hạn và 5 năm, “Quỹ vì chủ quyền biển đảo Việt Nam” sẽ tập trung vào việc hỗ trợ nhà ở, sách vở và trao học bổng cho các cháu học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng tại thành phố Hồ Chí Minh là con em của các gia đình cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa (mô hình phát triển theo dự án tại Hà Nội của kiều bào Đức như đã nói ở trên).

 

Lời hứa Trường Sa của người Việt xa xứ - 5

Đại biểu Kiều bào Đức tham gia chạy thử xuồng cao tốc CQ trước khi bàn giao cho Hải quân Việt Nam. Ảnh: Phạm Mạnh Cường

Ngoài ra Quỹ còn tập trung nghiên cứu công nghệ trồng rau xanh, nấm trong điều kiện khắc nghiệt, chuyển lọc nước mặn thành nước ngọt đang được áp dụng thành công tại Hàn Quốc để chuyển giao công nghệ, áp dụng trên các đảo.

Còn nhiều, rất nhiều những ý tưởng nhen nhóm đang dần trở thành hiện thực với sự liên kết, đóng góp của các thành viên “D7” nói riêng, và các cô, chú, anh, chị tham gia đoàn Công tác số 6 (2015) nói chung, cũng như những người con đất Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Trong cuộc trao đổi mới nhất qua viber vào tháng 8 này, chúng tôi đã thống nhất rằng, lấy “D7” làm nòng cốt, làm trước và sau đó mở rộng kêu gọi các cá nhân, kiều bào ở các nước hỗ trợ, đóng góp để tiếp tục dự án trao chiếc xuồng cao tốc Trường Sa trị giá khoảng 150, 000 USD cho lực lượng Hải quân Việt Nam.

Một số dự án lớn còn đang ở phía trước, nhưng “Lời hứa với Trường Sa” vẫn còn đó, chỉ cần có nhiệt huyết, cùng nhìn về một hướng, đồng sức, đồng lòng, tôi tin rằng mọi người sẽ làm được và quyết tâm phải làm bằng được, vì tất cả chúng ta đang ngày đêm hướng về đất mẹ và “đang lắng nghe Tổ quốc gọi tên mình”.

Theo Trần Hữu Thùy Giang

Vietnamnet

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm