Đưa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của Việt Nam đến với người Nga

Sinh viên Việt Nam tại Đại học Sư phạm quốc gia Moskva tổ chức chương trình tri ân thầy cô giáo nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và quảng bá truyền thống tôn sư trọng đạo với bạn bè Nga.


Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tặng hoa tri ân các thầy cô giáo Nga. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tặng hoa tri ân các thầy cô giáo Nga. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và để quảng bá truyền thống này đến với bạn bè quốc tế, ngày 15/11, sinh viên Việt Nam tại Đại học Sư phạm quốc gia Moskva đã tổ chức chương trình nghệ thuật tri ân tới các thầy cô giáo, tôn vinh nghề sư phạm và gắn kết tình đoàn kết giữa sinh viên các nước.

Tới dự có Phó Bí thư Đảng ủy tại Liên bang Nga Phạm Đức Vinh, Trưởng phòng công tác lưu học sinh thuộc Đại sứ quán Việt Nam Lê Chí Lợi, lãnh đạo trường Đại học sư phạm quốc gia Moskva, cùng đông đảo sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học của Moskva và bạn bè quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, chương trình quảng bá bao gồm ba lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và ẩm thực.


 Góc trưng bày văn hóa Việt Nam tại ngày hội. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Góc trưng bày văn hóa Việt Nam tại ngày hội. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Mở đầu là những lời phát biểu chân thành của đại diện sinh viên nói về truyền thống hiếu học, về tình cảm kính trọng và trân quý đối với nghề giáo.

Lời giới thiệu về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam được chính những “nhà giáo tương lai” tự cảm nhận và tự thể hiện bằng hai thứ tiếng Nga-Việt để gửi tới bạn bè quốc tế, thầy cô.

[Kỷ niệm ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11 tại Đức]

Dù ở đất nước nào thì công việc “ươm mầm tương lai” luôn đồng nghĩa với những gian nan, vất vả, những đòi hỏi cao nhất về trình độ và phẩm chất đạo đức. Song chính tình cảm những người thầy dành cho học trò ở mọi mái trường là sức mạnh nhen lên tình yêu, thúc đẩy các em lựa chọn con đường trở thành những “kỹ sư tâm hồn” tương lai.


 Tiết mục múa hiện đại trong nhạc kịch Khoảnh khắc. (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Tiết mục múa hiện đại trong nhạc kịch 'Khoảnh khắc.' (Ảnh: Tâm Hằng/Vietnam+)

Và rồi những ước mơ, hoài bão, những khó khăn, gian khó, và tình bạn, tình yêu ấy của tuổi trẻ đã xuyên suốt vở nhạc kịch mang tên “Khoảnh khắc.”

Vở nhạc kịch gồm 5 tiết mục hát, 4 tiết mục múa, 3 tiết mục nhảy, kết hợp với phần kịch câm, được giàn dựng công phu, chuyên nghiệp, huy động đông đảo sinh viên tham gia và thực sự mang lại cho người xem nhiều cảm xúc…

Nội dung vở nhạc kịch tái hiện những trang nhật ký của một thầy giáo - người đã từng là một lưu học sinh Việt Nam tại Nga.

Từng trang nhật ký được lần mở qua nhạc, qua thơ, qua những tiết mục hiện đại và truyền thống, qua những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong khoảng thời gian người thầy giáo học tập và sinh sống tại xứ sở Bạch Dương.

Hành trang cậu học trò nhận được năm xưa nay được truyền tiếp cho thế hệ sau, để ngọn lửa yêu nghề và tình thầy trò mãi mãi vang xa.

Chương trình kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam là hoạt động thường niên của lưu học sinh Việt Nam tại Moskva, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp này, lãnh đạo trường Đại học Sư phạm quốc gia Moskva đã trao tặng giấy chứng nhận, giấy khen đối với các sinh viên Việt Nam có thành tích tốt trong rèn luyện và học tập, có đóng góp cho các hoạt động chung của nhà trường.

Chương trình năm nay càng ý nghĩa hơn khi cụm chi đoàn số 1 thuộc Ban Cán sự Đoàn tại Liên bang Nga tổ chức bán đồ uống để đóng góp vào quỹ từ thiện "Kết nối yêu thương," giúp đỡ bà con cộng đồng và những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Liên bang Nga và Việt Nam.

Theo Hồng Quân - Tâm Hằng

TTXVN/VIETNAM+