Dù ở đâu vẫn luôn hướng về Tổ quốc

Đó là chia sẻ của ông Đào Duy Tiến, Phó Chủ tịch CLB Trí thức Lê Quý Đôn tại Ba Lan với báo chí.

Dù sinh sống, làm việc ở Ba Lan nhưng ông Tiến luôn một lòng hướng về Tổ quốc và tâm niệm rằng Việt Nam là quê hương duy nhất. Chia sẻ với báo chí khi tham dự chương trình Xuân quê hương 2013 tại Hà Nội, ông Tiến cho biết, một trong những trăn trở của ông khi về nước đón Tết lần này là làm sao duy trì được văn hóa, tiếng Việt cho thế hệ trẻ con Lạc, cháu Hồng ở Ba Lan hiện nay.

Sau khi học xong tiến sĩ ở Ba Lan năm 1974, ông Đào Duy Tiến trở về Việt Nam công tác tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 1992, ông trở lại Ba Lan làm thực tập sinh cao cấp rồi ở lại đó sinh sống và làm việc đến nay.

Ông Đào Duy Tiến


Ông Đào Duy Tiến

Ông Tiến chia sẻ: "Trong CLB Trí thức Lê Quý Đôn, anh em chúng tôi cố gắng ngoài việc nghiên cứu khoa học còn tìm học bổng ở các nước khác nhau để đưa sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu; mời các nhà khoa học Việt Nam sang Ba Lan công tác… Tháng 5/2013 chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo toán học ứng dụng ở thủ đô Warszawa và sẽ có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam. Hiện nay, CLB đã có GS Mai Xuân Lý ở Viện Vật lý (Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan), GS Nguyễn Ngọc Thành… về nước giảng dạy ở TP Hồ Chí Minh. Sắp tới, giữa giới khoa học người Việt ở Ba Lan và trong nước sẽ có đề tài lớn về địa chất, tôi hy vọng sẽ thành công và tạo điều kiện cho sự hợp tác mạnh mẽ hơn về sau này".

Chia sẻ quan điểm làm sao để thu hút nhiều hơn những trí thức Việt kiều về Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của đất nước, ông Tiến cho biết: "Cá nhân tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để các nhà khoa học Việt kiều về nước giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho các em sinh viên cũng như giao lưu, trao đổi với các nhà khoa học trong nước. Tuy điều kiện bây giờ đã thuận lợi hơn nhưng chúng tôi mong có yêu cầu, kế hoạch đặt hàng cụ thể từ trong nước thì mới có thể dễ dàng hợp tác và thu xếp công việc ở Ba Lan để về nước làm việc".

Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Là một kiều bào quan điểm của ông trước việc Bộ Chính trị chỉ thị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp từ ngày 2/1 đến 31/3/2013 như thế nào? Ông Tiến cho biết: "Phần lớn bà con ở Ba Lan đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Nhà nước cần có những quy định cụ thể hỗ trợ cho người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài như có thể giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, ngôn ngữ quê hương. Hiện cộng đồng người Việt tại Ba Lan gặp một số khó khăn là làm sao cho thế hệ trẻ mới lớn lên tại nước bạn có thể tiếp nhận được phong tục, tập quán Việt Nam. Đặc biệt là những cháu mang hai dòng máu Việt Nam - Ba Lan. Nhiều khi nói chuyện, các cháu không biết nguồn gốc quê hương mình ở đâu, gồm những phong tục, truyền thống đặc trưng nào".

Theo ông Tiến, để khắc phục những hạn chế trên, các cơ quan, ban, ngành của Việt Nam cần phối hợp với Đại sứ quán, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan tạo điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ kinh phí cho việc giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em sinh sống ở Ba Lan được thuận lợi hơn. "Vấn đề đặt ra với chúng tôi là làm sao để giúp đỡ thế hệ trẻ hướng về cội nguồn. Chúng tôi nghĩ, trước hết phải dạy cho thế hệ trẻ biết tiếng Việt, vì tiếng Việt là gốc rễ của văn hóa Việt Nam. Trung tâm Văn hóa Ba Lan và trường dạy tiếng Việt Lạc Long Quân ra đời với mục đích đó. Hằng năm đều có hơn 150 cháu đến học tiếng Việt từ lớp một đến lớp sáu. Chúng tôi biên soạn lại giáo trình dựa trên sách giáo khoa tiếng Việt của Việt Nam, giảng dạy lịch sử thông qua phim ảnh" - ông Tiến chia sẻ.

Ở Ba Lan, nhiều năm ngày Tết cổ truyền Việt Nam không phải là ngày nghỉ nhưng không vì thế mà bà con kiều bào không có những hoạt động đón Tết. Mỗi gia đình đều lưu giữ không khí quê hương, vẫn gói bánh chưng, thờ tổ tiên, cúng ông bà đêm giao thừa và gọi điện về Việt Nam chia sẻ không khí đón Tết với người thân, bạn bè để cảm nhận được tình cảm quê hương nồng ấm. "Người Việt Nam dù sinh sống ở bất cứ quốc gia nào nhưng trong người mang dòng máu con Lạc, cháu Hồng, có cội nguồn và gốc rễ ở Việt Nam. Kiều bào chúng tôi luôn hướng về Tổ quốc, luôn mong muốn đóng góp công sức của mình vào sự phát triển chung của đất nước Việt Nam ngày nay" - ông Tiến nhấn mạnh.

Theo Đình Hiệp
HNMO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm