Cộng đồng Phật tử Việt tại Nga tham gia đại lễ cầu nguyện hòa bình

(Dân trí) - Theo lời thỉnh cầu của cộng đồng Phật tử Nga và Việt Nam, Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đã chủ trì cử hành đại lễ cầu siêu và cầu nguyện hòa bình tại thành phố Saint Petersburg.

Đức Gyalwang Drukpa thực hiện các nghi thức, chủ trì đại lễ tại Saint Petersburg (Ảnh: Đ.H)
Đức Gyalwang Drukpa thực hiện các nghi thức, chủ trì đại lễ tại Saint Petersburg (Ảnh: Đ.H)

Từ ngày 3-4/10, Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn Phật giáo Truyền thừa Drukpa (Ấn Độ) đã tổ chức đại lễ cầu siêu và cầu nguyện hòa bình với sự tham gia của cộng đồng Phật tử Nga và Việt Nam. Sự kiện ý nghĩa và linh thiêng này còn có sự tham gia của ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Ủy viên Hội đồng Cố vấn Đối ngoại Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa được tôn sùng là hiện thân của Đức Phật Quan Âm, là một nhân vật Phật giáo có năng lực tâm linh xuất chúng và ông đã chủ trì nhiều dự án nhân đạo, các hoạt động truyền giảng Phật pháp đúng với tôn chỉ phụng sự con người và vũ trụ của dòng Truyền thừa Drukpa.

Các khóa lễ cầu nguyện hòa bình và cầu siêu độ cho người đã mất theo nghi thức Phật giáo Truyền thừa Drukpa có ý nghĩa đặc biệt với lịch sử và con người Saint Petersburg. Trong thế chiến thứ 2, thành phố này từng là biểu tượng của lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dũng cảm bất khuất. Chỉ tính riêng cuộc chiến kéo dài 872 ngày với quân đội phát xít Đức, khoảng 1 triệu hồng quân và người con nước Nga đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền dân tộc, góp phần tiêu diệt chủ nghĩa phát xít.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Tôi thấy rằng đây là khóa lễ có ý nghĩa sâu sắc không chỉ với người Nga, với Saint Petersburg mà còn với tất cả những ai yêu hòa bình, trân trọng sự hy sinh của các lớp tiền nhân vì nền hòa bình thế giới”.

Sau khóa lễ Hỏa tịnh khiển trừ chướng ngại vào buổi sáng sớm, đích thân Đức Gyalwang Drukpa đã chủ trì đại lễ quán đỉnh, đại lễ Jangwa cầu siêu Jangwa (khóa lễ tịnh hóa ác nghiệp và trợ duyên sớm siêu thoát-theo Phật giáo Kim Cương thừa) cho vong linh người mất.

Đại lễ thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng Phật tử Việt và Nga sinh sống tại Saint Petersburg (Ảnh: Đ.H)
Đại lễ thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng Phật tử Việt và Nga sinh sống tại Saint Petersburg (Ảnh: Đ.H)

Đây là khóa lễ được nhiều người dân thành phố mong chờ. Ghi tên vào danh sách cầu siêu với di ảnh của người chồng trên tay, chị Arina cho hay, chồng chị mới mất cách đây 5 ngày. “Mặc dù anh ấy không phải Phật tử nhưng tôi tin rằng năng lực cầu nguyện của Ngài Drukpa cùng tăng đoàn sẽ giúp vong linh của anh tìm được nơi nương tựa và sớm siêu thoát. Tôi thấy lòng mình thanh thản khi khóa lễ kết thúc”, chị Arina tâm sự.

Đạo Phật bắt đầu du nhập vào Nga từ thế kỉ XVII - XVIII, khi những bộ tộc Mông Cổ tới định cư tại vùng hạ lưu sông Volga và ngoại Baical. Trải qua chặng đường thăng trầm trên dưới 400 năm, Phật giáo nước Nga hiện nay đang phát triển theo xu hướng tích cực, thu hút khoảng 1 triệu Phật tử trong mối quan hệ cởi mở và hòa hợp với các truyền thống tâm linh tính ngưỡng tại đây.

Saint Petersburg là cố đô và cũng là thành phố lớn thứ hai của Nga. Với hơn 3.700 di tích lịch sử và văn hóa, bao gồm cả di tích Phật giáo Kim Cương thừa, thành phố này đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa thế giới.

Ngay khi hoàn tất đại lễ quán đỉnh, cầu nguyện tại Saint Petersburg, Đức Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn sẽ trở về Mátxcơva để tham dự chương trình ra mắt sách “Hạnh phúc tại tâm” - phiên bản tiếng Nga vào ngày 7/10.

Đ.H

Từ Saint Petersburg​, Nga