Cô gái xa xứ với dự án xử lý rác thải ở Việt Nam

Mặc dù thời gian sống ở Pháp và Nga còn dài hơn ở quê hương, nhưng Mai Linh vẫn khẳng định: trước hết, tôi chính là người Việt Nam

Dương Nguyễn Mai Linh, sinh viên trường kinh doanh ở Pháp Business School Skema, mới đây đã cùng nhóm bạn của mình trình bày dự án “Green VN” – Việt Nam xanh, nhằm cải thiện vệ sinh đô thị, gìn giữ môi trường ở Việt Nam. Dự án nhận được sự quan tâm của Phó Thị trưởng của thành phố Lille và được đánh giá là có triển vọng, có tính khả thi.


Dương Nguyễn Mai Linh (cô gái mặc áo dài Việt Nam) và nhóm của mình trong buổi trình bày dự án.

Dương Nguyễn Mai Linh (cô gái mặc áo dài Việt Nam) và nhóm của mình trong buổi trình bày dự án.

Mai Linh sinh năm 1997 ở Nga và lớn lên tại đây cùng gia đình mình. Linh kể “Hàng năm tôi đều về Hà Nội thăm ông bà tôi và đại gia đình. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã luôn để ý thấy những bãi trên đường phố đã làm hỏng phong cảnh đẹp của Hà Nội. Không khí cũng ô nhiễm. Ban đầu, tôi chỉ cảm thấy rất bất tiện. Nhưng sau đó, qua thời gian học ở Pháp, tôi dần nhận thấy những nguy cơ về sức khoẻ và môi trường trong tương lai mà Việt Nam sẽ phải đối mặt”.

Sau đó, gia đình Mai Linh chuyển về Việt Nam sinh sống, còn cô sang Pháp tiếp tục đi học. Mai Linh kể, từ hồi nhỏ, mỗi lần về Hà Nội, cô luôn để ý thấy rác ở nơi công cộng và sự ô nhiễm. “So sánh Việt Nam với Nga và Pháp, những nơi tôi từng sống từ nhỏ đến giờ, tôi thấy như vậy thật không ổn. Theo báo cáo về chỉ số môi trường của quốc tế, Việt Nam cũng có chất lượng không khí rất kém. Vì sao mỗi khi ra đường về đến nhà là mẹ cũng bảo tôi phải rửa tay, rửa mặt? Vì sao khi đi đường chúng ta cứ gặp những đống rác khiến chúng ta phải tránh?

Chính vì những băn khoăn ấy mà tôi và các bạn cùng nhóm đã xây dựng dự án Green VN (Việt Nam xanh) nhằm mục đích làm giảm ô nhiễm môi trường và thay đổi nhận thức của mọi người về rác thải, chúng ta có thể biến rác thành thứ gì đó có ích. Ví dụ: Thay vì phải tiêu tốn 40 triệu đô la mỗi năm để hủy rác, như ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta có thể tái chế rác, đó cũng là giải pháp tiết kiệm. (Theo bài báo sau https://tuoitrenews.vn/society/36797/ho-chi-minh-city-spends-over-134000-on-daily-waste-treatment , TP Hồ Chí Minh sử dụng 134 490 đô-la mỗi ngày để xử lý rác thải, và chỉ tái chế được 10% . Theo con số này, chúng tôi tính ra rằng hàng năm sẽ phải mất hơn 40 triệu đô để tiêu hủy rác!)


Dự án Green VN mong muốn tìm đối tác và cộng tác viên ở Việt Nam.

Dự án Green VN mong muốn tìm đối tác và cộng tác viên ở Việt Nam.

Nhóm của Mai Linh gồm 8 sinh viên tham gia dự án “Việt Nam xanh” (Green VN). Ngoài trưởng nhóm Mai Linh, còn có Aurélia Gai (Giám đốc quan hệ đối tác), Jenny Wong (Giám đốc truyền thông, marketing), Alexandre Le Cadre (trợ lý truyền thông và marketing), Hélène Saint James (Chịu trách nhiệm tìm kiếm nguồn tài chính), Leslie Bamenga (Thủ quỹ). Marie Dasque (chịu trách nhiệm những vấn đề pháp lý), Floriane Rodriguez (tổ chức sự kiện). Các bạn trẻ mang nhiều quốc tịch khác nhau, nhưng họ đã bị thuyết phục bởi ý tưởng của trưởng nhóm: làm một dự án phục vụ thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Mai Linh cho biết: sau khi trình bày dự án, nhóm đã nhận được sự ủng hộ của các cố vấn và các đối tác, gồm:

Thứ nhất, đó là ENACTUS- tổ chức phi chính phủ hoạt động tại 36 quốc gia, tổ chức này có một mạng lưới các chuyên gia, đã luôn động viên nhóm và đánh giá rằng dự án rất có triển vọng.

Thứ hai, là nhà tài trợ và đối tác đầu tiên của nhóm- công ty Kiloutou của Pháp, mà các sinh viên đã kết nối được qua mạng ENACTUS. Kiloutou thấy dự án Green VN đầy tham vọng nhưng có tầm quan trọng và có tính khả thi.

Thứ ba, là ngài Franck Hanoh, Phó Thị trưởng của thành phố Lille, mà nhóm có dịp tiếp cận thông qua trường Business School Skema nơi cả nhóm đang theo học. Ông cho rằng dự án của nhóm rất có tương lai.

Hiện nhóm đang mong muốn điều gì từ phía Việt Nam và Hà Nội? Mai Linh cho biết: “Vì dự án GreenVN khá lớn, nên chúng tôi cần vốn và nhà đầu tư. Chúng tôi cũng cần những địa chỉ, những đơn vị tại Hà Nội chuyên về thu gom và tái chế rác thải.

Chúng tôi hiện đang tìm kiếm Luật sư ở Việt Nam có thể nói tiếng Pháp hoặc tiếng Anh để hỗ trợ dự án một cách bài bản.

Chúng tôi cũng đang tìm kiếm những người tình nguyện làm công việc phỏng vấn (chúng tôi sẽ cung cấp bảng câu hỏi) những người đi bộ trên đường phố Hà Nội để thu thập dữ liệu phục vụ cho dự án”.

Và sẽ rất tuyệt vời nếu có doanh nghiệp nào chuyên về xử lý tái chế rác thải ở Việt Nam quan tâm đến dự án này và hỗ trợ, hợp tác cùng chúng tôi".

Hiện dự án của nhóm đang nằm dưới sự dẫn dắt và quản lý của ENACTUS. Tuy nhiên các sinh viên có dự định phát triển thành một dự án độc lập, để có thể dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm đối tác, bàn thảo cách thực hoạt động để hiện thực hóa. Ngài Phó thị trưởng Lille Franck Hanoh cũng ủng hộ ý tưởng này và hứa sẽ nhiệt tình hỗ trợ cho dự án.

Cô gái biết mình nói tiếng Việt không thực sự trôi trảy, nhưng khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Tôi luôn ý thức rằng mình là hậu duệ của tổ tiên người Việt Nam, là công dân Việt Nam tuy rằng tôi sống ở Việt Nam không nhiều bằng ở Nga và Pháp. Nếu chỉ nhìn vào cách nói năng, cử chỉ, thì chẳng ai bảo tôi là người Việt Nam mà chỉ gọi là “Việt kiều”. Quê hương đối với tôi là nơi mà gia đình tôi sinh sống và nơi tôi có thể trở về, nơi đó nhất định là Việt Nam.

Tôi nghĩ Việt Nam là một đất nước đầy tiềm năng, nhưng vẫn còn rất nhiều rào cản khiến cho đất nước còn chậm phát triển. Càng hay về Việt Nam, càng thấy buồn vì những đống rác ven đường, tôi càng mong muốn được làm một điều gì đó có ích cho Việt Nam. Dự án này xuất phát từ cảm xúc của tôi... Tôi nghĩ, từ nhỏ đến giờ, dù phần lớn thời gian tôi sống ở Nga rồi ở Pháp, nhưng trên tất cả, tôi là người Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam. Vì thế, nếu có thể làm được điều gì cho Việt Nam, tôi nhất định sẽ làm!”./.

Theo PV/VOV