Bản lĩnh Việt làm nên tỷ phú đất Lào

Hầu như cộng đồng người gốc Việt tại Lào và người dân bản địa đều biết đến cái tên Phạm Văn Hùng. Anh là giám đốc Nhà máy thép Kham Hung Xay Cha lơn. Hiện tại, đây là nhà máy thép có công suất lớn nhất tại Lào. Báo chí mệnh danh anh là: Tỷ phú đất Lào, Hùng “thép”, Thi sĩ doanh nhân…


Anh Hùng “thép” (thứ ba từ phải) trong chuyến tham quan Sapa cùng các kiều bào về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Anh Hùng “thép” (thứ ba từ phải) trong chuyến tham quan Sapa cùng các kiều bào về dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Thi nhân - doanh nhân

Cuối năm 2015, tôi có dịp gặp anh trong Đoàn đại biểu kiều bào tham dự Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ IX. Anh là một trong số 15 kiều bào tiêu biểu đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài mời về dự đại hội.

Ấn tượng đầu tiên về anh là nụ cười hồn hậu và giọng nói chân chất, mộc mạc, đặc trưng vùng đất “chị Hai năm tấn”. Anh có khả năng tấu hài khá đặc biệt khi dẫn dắt chương trình văn nghệ trên xe từ Lào Cai về Hà Nội mà không hề vấp váp một lần nào. Những tiếng cười cứ liên tiếp rộ lên, khiến cho các thành viên quên cả buồn ngủ, say xe. Đối với kiều bào, đó là những phút giây thực sự thú vị bởi lâu lắm rồi họ mới lại được tư duy, nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ vui đến thế.

Thời còn học phổ thông, anh Hùng là học sinh giỏi văn. Khi nhập ngũ, cái tài văn chương ấy lại càng có “đất dụng võ”. Không chỉ thuộc rất nhiều thơ ca, hò vè các miền, anh còn sáng tác cả một “trường ca” về những đoạn đường cơ cực đã trải qua: Nghèo trong sạch, tôi chẳng tham/Tự thân bươn chải cơ man xứ người…

Tài hùng biện, tấu hài, tài pha trò, bắt chước, tài ứng biến, đối đáp… đã giúp anh rất nhiều trong công tác cộng đồng.

Là một trong những người rất có uy tín trong cộng đồng Việt tại Lào, anh Hùng được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng Hội người Việt tại CHDCND Lào. Với bản tính “thi nhân bao đồng”, anh luôn lăn xả vào công tác xã hội, từ dẫn chương trình, biểu diễn ảo thuật cho đến tài trợ các gia đình Việt kiều có hoàn cảnh khó khăn; nêu sáng kiến lập quỹ để gửi tiết kiệm, lấy lãi trang trải cho các sinh hoạt cộng đồng…

Bà Bun Thăn Phim Ma Sỏn (nguyên giáo viên trường phổ thông Bắc Giang - trường sơ tán của con em cán bộ Lào tại Việt Nam thời kỳ chiến tranh) chia sẻ: “Anh Hùng Xay Cha lơn là một trong những người tài giỏi bậc nhất ở Lào. Anh không chỉ giàu về vật chất mà còn giàu về tâm hồn. Anh Hùng có trí nhớ rất tuyệt vời, có khiếu thơ, ca, hò vè… và luôn hết lòng vì cộng đồng. Tôi rất ngưỡng mộ một người có tấm lòng đẹp như anh ấy”.

Bản lĩnh từ quân ngũ

Phạm Văn Hùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình gồm bốn anh em tại Thái Bình. Mọi người trong nhà đều thành đạt trong lĩnh vực giáo dục và chính trị, chỉ riêng anh chọn con đường kinh doanh. Giống như bao chàng trai cùng trang lứa, anh xung phong lên đường nhập ngũ và được điều về trung đoàn 921, sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không không quân Việt Nam. Với vị giám đốc này, 5 năm trong quân ngũ là khoảng thời gian rất quý giá bởi nó đã giúp anh hun đúc bản lĩnh.

Sau khi xuất ngũ, năm 1989, anh Hùng sang Lào làm lái xe cho một công ty về trang trí xây dựng. Với đầu óc thông minh, nhạy bén, sau vài năm gom góp vốn liếng, anh quyết định thành lập công ty xây dựng. Lúc này, anh bắt đầu nhận được nhiều công trình trọng điểm như xây dựng Văn phòng Thủ tướng, các trường học, sửa chữa tòa nhà Quốc hội…

Tỷ phú đa tài Phạm Văn Hùng.
Tỷ phú đa tài Phạm Văn Hùng.

13 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, anh để ý đến thị trường thép, thị trường mà anh đã luôn bị động và phụ thuộc. Vì thế, để giành thế chủ động, anh đã đầu tư tâm sức vào nghiên cứu thị trường này và quyết định chuyển hẳn sang lĩnh vực kinh doanh thép hình.

Năm 2001, nhà máy thép Kham Hung Xay Cha lơn ra đời với tổng mức đầu tư là 10 triệu USD, công suất đạt 3.000 tấn sản phẩm/tháng. Đến nay, anh đã mở rộng quy mô thành ba cụm nhà máy với tổng diện tích hơn năm héc ta, vốn đầu tư tăng lên 30 triệu USD.

Năm 2008, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp trong ngành thép đã phải chịu áp lực lớn từ lãi suất vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, đó lại là lúc doanh nghiệp của anh bước vào giai đoạn bứt phá.

Không phải chịu áp lực lãi suất ngân hàng (do tỷ lệ vốn vay không quá 10% so với vốn tự có của doanh nghiệp), anh một mặt giúp các bạn hàng, mặt khác tăng nguồn sản phẩm dự trữ cho doanh nghiệp, bình ổn nhu cầu thị trường thép ở Lào.

Đằng sau bản lĩnh của một tỷ phú, một con người “hét ra lửa”… là một tấm lòng nhiệt huyết cộng đồng và luôn vì danh dự của người Việt ở xứ người. Khi đã ở trên đỉnh cao sự nghiệp, anh vẫn luôn canh cánh trong lòng ba điều: biết ơn nhân dân Lào - nơi đã nuôi dưỡng sự nghiệp của anh; biết ơn cội gốc quê hương - nơi đã sinh ra và dưỡng dục anh; biết ơn thời quân ngũ, đã rèn luyện bản lĩnh cho anh.

Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vientiane Đào Minh Châu tâm sự: “Có thể nói rằng anh Hùng chính là một trong những người đại diện cho bản lĩnh người Việt tại Lào. Anh rất thương bà con. Mỗi khi đi thăm người già không nơi nương tựa hay những gia đình có thu nhập thấp, anh đều bỏ tiền túi ra tặng chứ không hề lấy quỹ của Hội”.

Nếu có kiều bào nào trăn trở với Tổ quốc của mình, nếu có kiều bào nào cố gắng hướng về Việt Nam bằng cách bước ra thế giới… thì đó chính là anh! Thành công ở Lào của anh hôm nay là minh chứng cho những điều trên. Giống như anh, nhiều Việt kiều chúng tôi chỉ thực sự có ý niệm sâu sắc về cội nguồn, về quốc gia, dân tộc khi đã rời xa Tổ quốc, khi đã có đủ thời gian trải nghiệm nơi xứ người.

Theo Thủy Tiên