Làm sao để duy trì đam mê khởi nghiệp?
Thời gian gần đây, làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam thu hút rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Nhưng để khởi nghiệp thành công lại không phải câu chuyện dễ dàng với bất kỳ ai. Không ít startup Việt đánh mất đam mê ban đầu khi gặp phải khó khăn, thất bại.
Đừng chỉ khởi nghiệp “theo số đông”
Theo báo cáo về tinh thần khởi nghiệp năm 2015, Việt Nam đứng thứ 7 trong số 44 nước tham gia khảo sát có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, sau Đan Mạch, Nam Phi, Thái Lan, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ.
Số liệu này cho thấy mong muốn, khao khát khởi nghiệp của người Việt rất lớn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, tinh thần khởi nghiệp cao là chỉ số tốt nhưng vẫn chưa đủ để đánh giá phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam có thực sự hiệu quả.
Ông Phạm Ngọc Anh – Chủ tịch Cty CP Đào tạo ASK cho rằng: “Khởi nghiệp không đơn giản là chuyện bạn có một ý tưởng, một số vốn, một số mối quan hệ mà có thể bắt đầu kinh doanh ngay được. Đừng bao giờ khởi nghiệp kiểu “theo số đông”. Thấy người ta kinh doanh thành công thì mình cũng lao vào kinh doanh mà không có kinh nghiệm và tính toán rủi ro. Làm kinh doanh kiểu đó thì trước sau gì bạn cũng đánh mất đam mê, niềm tin vào việc mình làm, tệ hơn là thất bại, nợ nần.....”.
Làm gì để duy trì đam mê khởi nghiệp?
Những bạn trẻ khi mới khởi nghiệp thường rất hăng hái, không sợ khó, không sợ khổ nhưng cũng thất bại rất nhanh và bỏ cuộc. Và để tránh gặp phải tình trạng này thì những người mới khởi nghiệp phải trang bị cho mình một số yêu cầu:
- Có thái độ đúng đắn với việc kinh doanh
Nhiều người hiểu lầm rằng, kinh doanh là trò chơi mà mọi người lao vào để kiếm tiền nhưng thực tế kinh doanh là trò chơi của sự sáng tạo. Ở đó nhà kinh doanh phải là người nhìn thấy những vấn đề của cộng đồng, xã hội và sáng tạo những giải pháp để thay đổi những vấn đề đó thông qua sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mình.
Bản chất của việc kinh doanh là đi giúp đỡ những người khác. Và sau đó chúng ta được trả công bằng lợi nhuận. Nó khác hẳn với việc chúng ta sử dụng kinh doanh là công cụ để kiếm tiền từ xã hội.
Giải quyết vấn đề cho người khác và tiền, lợi nhuận sẽ đến với bạn. Nếu làm được điều đó thì chúng ta sẽ thực hiện công việc kinh doanh với một sự đam mê kỳ lạ. Nó khác với việc chúng ta mệt mỏi đuổi theo tiền bạc, vật chất.
- Lập kế hoạch kỹ lưỡng cho việc khởi nghiệp kinh doanh
Có một câu nói rất hay và đúng trong ngữ cảnh của công việc kinh doanh: “Công tác chuẩn bị thành công là bạn đã thành công được 50%”.
Hầu hết những người mới khởi nghiệp hiện nay thường coi nhẹ khâu chuẩn bị hay lập kế hoạch cho dự án kinh doanh của mình. Họ không có kế hoạch hoặc kế hoạch rất sơ sài cho công việc kinh doanh. Chính vì không nghiên cứu, không lập kế hoạch rõ ràng nên họ không dự báo được những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Khi khó khăn, rủi ro đến thì các startup thường bất ngờ và không có giải pháp.
- Tính toán rủi ro, thách thức
Sự khác biệt giữa những người kinh doanh thành công là ở chỗ họ cũng có nhiều rủi ro giống như những người khác nhưng họ biết cách dự báo nó và đưa ra kế hoạch, phương án giải quyết nó. Vì vậy, công việc kinh doanh của họ rất vững bền và lâu dài.
Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp không tính toán, dự đoán hết những rủi ro, khó khăn mà bản thân và doanh nghiệp mình có thể gặp phải. Kết quả là mọi thứ diễn ra không đúng kế hoạch, mục tiêu và “đoàn tàu” bắt đầu chệch bánh khỏi quỹ đạo.
Khi ra mắt một công ty mới trên thị trường, người chủ doanh nghiệp cần phải nghiên cứu và đo lường được những rủi ro và đưa ra phương án đối phó với rủi ro. Trong đó, cần chú trọng tới yếu tố thị trường, đối thủ cạnh tranh, chính sách pháp luật,....
- Vượt qua nỗi sợ thất bại
Nỗi sợ hãi thất bại là một trong những trở ngại ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc duy trì đam mê với người khởi nghiệp. Trong đó, chủ yếu là do nỗi sợ hậu quả tài chính từ việc kinh doanh thất bại.
“Nợ nần không phải điều dễ chịu gì nhưng bạn phải đối diện và chịu trách nhiệm với sự thật vì chính bạn là người gây ra điều đó. Tôi đã từng sống trong tình cảnh nợ nần sau 5 lần kinh doanh thất bại. Nhưng bạn phải thật tỉnh táo và tìm hướng giải quyết khôn ngoan nếu không tình cảnh nợ nần của bạn sẽ tệ hơn rất nhiều” – ông Ngọc Anh chia sẻ.
Hãy bắt đầu bằng việc tự hỏi bản thân: Tại sao bạn bắt tay vào kinh doanh? Động lực để bạn bắt đầu kinh doanh? Vì sao bạn gặp phải thất bại? Nguyên nhân thất bại của bạn nằm ở đâu?.... Sau đó, bắt tay vào tìm đáp án cho từng vấn đề.
“Khi bạn sắp bỏ cuộc, hãy nhớ tới lý do khiến bạn bắt đầu”.
Làm sao để duy trì đam mê khởi nghiệp?
Minh Hằng