Khởi nghiệp cho cuộc đời mình
(Dân trí) - Gặp gỡ sinh viên Khoa kinh tế Trường đại học Vinh tại các cuộc thi khởi nghiệp, những dự án thành hình, thì mới hiểu học kinh tế, không còn khô khan số liệu nữa, mà cũng đầy đủ những dũng cảm mộng mơ.
Cũng bởi cái tinh thần mộng mơ đó, Trưởng khoa Nguyễn Thị Thu Cúc, cấp ba vốn là học sinh chuyên Văn của ngôi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nổi tiếng xứ Nghệ, đã rẽ ngang sang ngành học kinh tế và gắn bó đến thời điểm này.
Mơ mộng và nhưng không thiếu phần thực tiễn, có lẽ là những dấu hiệu của những cá nhân khởi nghiệp. Dù là ở lĩnh vực gì, chuyên ngành gì, thì sự chủ động tự mình quyết định con đường đi, đó là hạnh phúc mà những người trẻ hôm nay dựa vào và khiến họ tự hào khi nhìn lại chặng đường mà họ đã dũng cảm trải qua.
Sự chuyển mình trong dạy và học đã biến khoa kinh tế, từ những nhận thức cũ kỹ với những khô khan số liệu, chuyển mình trở thành khoa có những hoạt động ý tưởng, dự án sôi nổi của Trường đại học Vinh. Chỉ riêng trong năm học vừa qua, đã có tới 21 dự án khởi nghiệp trong sinh viên.
Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp thanh niên” vào năm 2017, là năm đầu tiên do Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức. Tại cuộc thi còn mới mẻ với một tỉnh như Nghệ An, nhưng sinh viên Khoa kinh tế, Trường đại học Vinh đã tham gia nhiều ý tưởng, dự án. Điều đặc biệt là trong 8 dự án, ý tưởng tại vòng chung kết thì có tới 5 ý tưởng, dự án là của sinh viên khoa kinh tế. Đó là những dự án, ý tưởng: “Kinh doanh đặc sản Nghệ Tĩnh”, “Trang trại chăn nuôi lợn trà xanh”, “Mô hình trang trại nuôi và chế biến phân phối côn trùng”, “Sản xuất đậu phụ sạch”, “Thiên đường bánh ngọt Smile”.
Không gói gọn ở những cuộc thi sân nhà tỉnh Nghệ An, sinh viên Khoa kinh tế trường đại học Vinh đã tự tin để mang những ý tưởng khởi nghiệp của mình tham gia các cuộc thi được tổ chức trên cả nước. Gần đây nhất là nhóm sinh viên Phạm Thị Chiến, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Nguyễn Thị Huyền Thương đã vượt qua 182 dự án trên cả nước, lọt vào vòng chung kết 12 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất do Học viện Nông nghiệp tổ chức.
Các bạn sinh viên trên thực tế đã mạnh dạn áp dụng những ý tưởng, dự án kinh doanh đó vào đời sống. Tiêu biểu nhất là từ ý tưởng kinh doanh đặc sản Nghệ Tĩnh của nhóm bạn Vũ Mạnh Hoàng, Trần Thị Thúy Hằng, Nguyễn Thanh Thúy, Nguyễn Thanh Thủy đã “hiện thực hóa” để trở thành Công ty TNHH thương mại đặc sản Nghệ An. Công ty đã khai trương siêu thị đặc sản Nghệ Tĩnh tại thành phố Vinh, trở thành một địa chỉ cung cấp những đặc sản ẩm thực của cả vùng quê hai tỉnh Bắc trung bộ.
Họ đã tự tạo công ăn việc làm cho chính mình và những người khác. Tinh thần khởi nghiệp đã mang lại những kết quả bước đầu mà như những nhà khởi nghiệp đã tâm sự, đó là họ không phải chạy đôn đáo đi xin việc, được làm công việc mà mọi người ấp ủ và nhất là từ ý tưởng mơ mộng đó đã hình thành một việc kinh doanh mà họ tự trả lương cho chính bản thân mình.
Danh sách những sinh viên tốt nghiệp, danh sách những người tham gia các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp, có một điều lạ nữa là đa phần các bạn nữ sinh. Lạ là bởi khi những nữ nhi, tưởng chừng như không quen thuộc với những cuộc thi, dự án kinh doanh lại là những nhân tố chủ chốt của những đội đạt giải cao.
Nhìn vào đội ngũ giảng viên khoa kinh tế, cũng có thể nhận thấy hình ảnh nữ nhi mạnh mẽ thế nào. Điều đó khiến chúng tôi suy nghĩ, kinh tế và phụ nữ dường như có mối liên hệ nào đó, khiến cho việc học và hành những chuyên ngành này, trở thành điều tự nhiên. Hay là phụ nữ sinh ra với thiên hướng “tay hòm chìa khóa” đã ăn vào bản ngã, nên khiến cho điều lạ này lại trở thành đương nhiên đến vậy.
Những chuyên ngành kế toán, chuyên ngành quản trị kinh doanh, chuyên ngành tài chính ngân hàng, chuyên ngành kinh tế đầu tư đã nữ tính đi, mềm mại đi bao nhiêu khi bóng dáng những nữ giảng viên, nữ sinh viên hiển hiện ở mọi lớp học.
Tất nhiên, không phải bạn sinh viên nào cũng có thể lập dự án và kinh doanh, còn những người bạn khác, trước khi ra trường với sự năng động đã tìm được hướng đi cho cuộc đời mình. Sinh viên đã không thụ động chỉ ngồi học, tiếp thu kiến thức, mà có rất nhiều bạn đã tìm được công việc cho mình từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường.
Tìm được công việc từ sớm là gạt đi được bao nhiêu lo toan cho bản thân. Nhưng đồng thời, với các giảng viên, sự tự tin của sinh viên, sự vững vàng trong công việc của những học trò nhỏ, là niềm tự hào âm thầm mà những người đi dạy khó mà diễn tả được.
Trưởng khoa Nguyễn Thị Thu Cúc tâm sự: Khoa kinh tế là một trong số những khoa có số lượng sinh viên đông đảo nhất của Trường đại học Vinh. Sinh viên của khoa đến từ khắp các vùng miền của đất nước, mỗi năm lại có gần 700 tân sinh viên nhập học. Đó là chưa tính đến số lượng không nhỏ những khóa học sau đại học. Khóa trước ra trường, khóa sau nhập học, nhiều bạn đã ổn định nghề nghiệp và thành danh, với các giáo viên đó là chứng chỉ giảng dạy thành công nhất.
Thực tế, cách nay chưa lâu, những ngày sinh viên khóa 55 tốt nghiệp vừa rồi, chúng tôi cũng được khoa kinh tế mời tham gia một lễ chia tay đậm sắc màu “tự chủ”. Kết thúc 4 năm học dưới mái nhà chung đại học Vinh với một buổi chia tay này không hề giống những lễ bế giảng mà sinh viên cuối khóa thường chứng kiến.
Các sinh viên kinh tế không chờ đợi được tổ chức một lễ chia tay được “định sẵn”, với máu “hướng ngoại”, họ tự tay lên kế hoạch, kêu gọi các nhà tài trợ, đa phần là những doanh nghiệp trên địa bàn mà sinh viên khoa đã có mối quan hệ công việc. Và buổi chia tay đó tươm tất và thú vị hơn nhiều những buổi chia tay mà người viết từng chứng kiến. Nó đúng với tinh thần tự tin của tuổi trẻ, tự lực làm những điều mà các bạn cho là đúng đắn.
Vì áp lực của ngành học trong thời kỳ nền kinh tế đang mở rộng, việc ứng dụng linh hoạt vào các lĩnh vực hoạt động của xã hội, ngành kinh tế của đại học Vinh đang mang một bộ mặt mới, tươi tắn, ở tuổi 15, độ tuổi còn khiêm tốn so với những ngành học truyền thống có từ thời kỳ đầu của trường đại học trên đất học xứ Nghệ.
Duy Thắng