1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57
  3. Hai phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian
  4. Tại sao lại thế?

Tìm ra cách biến máu người thành "bẫy tử thần" cho muỗi

Minh Khôi

(Dân trí) - Dù vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, nghiên cứu này mở ra một hướng đi mới trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm do muỗi gây ra.

Tìm ra cách biến máu người thành bẫy tử thần cho muỗi - 1

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine có thể mở ra cuộc cách mạng trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét (Ảnh: Getty).

Các nhà khoa học từ Trường Y học Nhiệt đới Liverpool (Anh) vừa công bố một phương pháp mới đầy tiềm năng nhằm kiểm soát số lượng muỗi và giảm thiểu sự lây lan của bệnh sốt rét.

Đó là thay vì chỉ dựa vào các biện pháp diệt muỗi truyền thống, nhóm nghiên cứu đề xuất sử dụng một loại thuốc có khả năng biến máu người thành vũ khí chống lại loài côn trùng này.

Nghiên cứu hiện được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.

Loại thuốc được sử dụng trong nghiên cứu là nitisinone. Đây là một dược phẩm đã được cơ quan quản lý chấp thuận để điều trị một số bệnh di truyền hiếm gặp. Nghiên cứu đã thử nghiệm và chứng minh được rằng, khi muỗi hút máu người có chứa nitisinone, chúng sẽ chết trong vòng 12 giờ.

Đó là vì nitisinone hoạt động bằng cách ức chế sản xuất một loại protein nhất định, giúp giảm thiểu các sản phẩm phụ độc hại trong cơ thể con người. Tuy nhiên, khi muỗi tiêu thụ máu có chứa thuốc này, tác dụng của thuốc khiến côn trùng nhanh chóng tử vong.

"Một cách để ngăn chặn sự lây lan của các bệnh do côn trùng truyền nhiễm là làm cho máu của động vật và con người trở nên độc hại đối với chúng", Lee R. Haines, nhà vi sinh vật học của Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, cho biết.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nitisinone có thể là một công cụ hữu ích trong việc kiểm soát bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác do côn trùng mang lại.

Trước đây, các nhà khoa học từng nghiên cứu về ivermectin - một loại thuốc chống ký sinh trùng có thể tiêu diệt muỗi khi chúng hút máu người hoặc động vật đã dùng thuốc.

Tuy nhiên, ivermectin có một số hạn chế nhất định. Mặc dù chúng cần một liều lượng thấp hơn để giết muỗi nhưng tác dụng chậm hơn, thời gian lưu lại trong máu ngắn khiến hiệu quả diệt muỗi bị giảm sút và có nguy cơ tiêu diệt các loài côn trùng quan trọng khác trong hệ sinh thái.

Trong khi đó, nitisinone có thời gian bán hủy dài hơn, tức là nó lưu lại trong máu người lâu hơn, giúp tăng khả năng tiếp xúc của muỗi với thuốc và tăng hiệu quả diệt muỗi.

Mặc dù kết quả nghiên cứu đầy hứa hẹn, nhưng phương pháp này vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và cần được nghiên cứu thêm trước khi triển khai rộng rãi.

Một số lo ngại bao gồm tác động đến hệ sinh thái, vì trước đây một số loại thuốc chống ký sinh trùng đã chứng minh khả năng tiêu diệt cả những côn trùng có lợi như ong và bướm.

Ngoài ra, khả năng kháng thuốc của muỗi cũng là một vấn đề đáng quan tâm, bởi việc sử dụng thuốc diệt muỗi thông qua con người có thể dẫn đến tình trạng muỗi tiến hóa để chống lại tác động của thuốc, làm giảm hiệu quả trong tương lai.

Tác động lâu dài đến sức khỏe con người cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng, vì mặc dù nitisinone đã được phê duyệt để điều trị một số bệnh di truyền, nhưng việc sử dụng nó trên quy mô lớn để diệt muỗi vẫn cần nghiên cứu thêm về tính an toàn và hiệu quả.

Nếu được phát triển và ứng dụng thành công, phương pháp này có thể kết hợp với các chiến lược kiểm soát muỗi khác để tạo ra một hệ thống phòng chống dịch bệnh hiệu quả và bền vững hơn.

Theo www.sciencealert.com