1. Dòng sự kiện:
  2. Hai phi hành gia mắc kẹt ngoài không gian
  3. Tại sao lại thế?

Mắt người vừa "nhìn thấy" một màu chưa từng tồn tại trong tự nhiên

Minh Khôi

(Dân trí) - Các nhà khoa học phát hiện thấy màu sắc chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại.

Mắt người vừa nhìn thấy một màu chưa từng tồn tại trong tự nhiên - 1

Dải màu cơ bản dựa trên sự kết hợp của 3 màu đỏ, xanh lam và xanh lục (Ảnh: Science Alert).

Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học California, Berkeley và Đại học Washington (Mỹ) vừa công bố kết quả đột phá khi tạo ra được một màu sắc hoàn toàn mới, nằm ngoài dải màu mà mắt người có thể nhìn thấy tự nhiên.

Màu này được gọi với cái tên tạm thời là "olo", được cho là chưa từng được ghi nhận trong lịch sử thị giác nhân loại.

Theo nhóm nghiên cứu, thị giác con người bình thường chỉ có thể nhận biết màu sắc thông qua ba loại tế bào hình nón trong võng mạc, lần lượt nhạy với ánh sáng đỏ (L), xanh lục (M) và xanh lam (S).

Theo đó, tất cả các màu mà chúng ta nhìn thấy là kết quả từ việc phối hợp tín hiệu giữa ba loại tế bào này. Tuy nhiên, trong điều kiện tự nhiên, không có bước sóng ánh sáng nào chỉ kích thích duy nhất tế bào M (xanh lục), do đặc tính chồng lấn phổ của các tế bào cảm quang.

Từ giới hạn đó, nhóm nghiên cứu đã phát triển một nguyên mẫu thiết bị có tên Oz, cho phép chiếu tia laser đơn sắc vào các tế bào hình nón riêng biệt trên võng mạc - cụ thể là nhắm trực tiếp vào nhóm tế bào M.

Nhờ kỹ thuật này, các tín hiệu truyền lên não bộ tạo nên trải nghiệm màu sắc mà người tham gia mô tả là hoàn toàn mới, không giống bất kỳ màu nào từng thấy trước đó.

Mắt người vừa nhìn thấy một màu chưa từng tồn tại trong tự nhiên - 2

Thiết bị Oz giúp tạo màu mới chưa từng xuất hiện trước đây (Ảnh: Nhóm nghiên cứu).

Trong thí nghiệm, các tình nguyện viên được yêu cầu nhìn vào một nền xám trung tính trong khi một tia laser màu xanh lục được chiếu chính xác vào nhóm tế bào M.

Kết quả, những người tham gia cho biết họ không thể pha trộn các màu cơ bản (đỏ, xanh lục, xanh lam) để tái tạo màu mà họ nhìn thấy, buộc phải thêm ánh sáng trắng để làm giảm độ bão hòa. Điều này cho thấy màu "olo" không nằm trong hệ màu thông thường mà chúng ta vẫn biết.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một màu duy nhất, nhóm nghiên cứu còn ghi nhận rằng khi sử dụng thiết bị Oz để kích thích võng mạc trong điều kiện động (ví dụ quan sát các chấm chuyển động), người tham gia có thể cảm nhận được các biến thể màu sắc chưa từng xuất hiện trong tự nhiên, thậm chí mô tả một số hiện tượng thị giác thường gặp.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng vấp phải nhiều tranh luận. GS John Barbur, chuyên gia thị giác tại Đại học London, nhận định rằng việc nhắm mục tiêu một nhóm nhỏ tế bào võng mạc là một tiến bộ kỹ thuật đáng ghi nhận, nhưng chưa thể khẳng định đây là màu sắc hoàn toàn mới.

Theo ông, những thay đổi về độ sáng và tương phản có thể khiến não bộ cảm nhận sai lệch về cường độ hoặc độ bão hòa, thay vì tạo ra màu thực sự chưa từng thấy.

Ngoài ra, các tín hiệu thị giác thu được trong nghiên cứu chủ yếu diễn ra ở vùng ngoại vi võng mạc, nơi mật độ tế bào hình nón thấp và độ sắc nét thị giác giảm. Điều này đồng nghĩa với việc màu sắc mới không thể được nhìn rõ như các màu thông thường và vẫn còn hạn chế trong ứng dụng thực tế.

Dù còn nhiều câu hỏi chưa lời giải, nghiên cứu đã mở ra hướng đi mới trong khoa học thần kinh thị giác. Nhóm tác giả kỳ vọng nguyên mẫu Oz có thể giúp khám phá sâu hơn cách não bộ xử lý tín hiệu hình ảnh, cũng như tạo tiền đề cho các ứng dụng điều trị rối loạn thị giác, đặc biệt trong các trường hợp mù màu.

Theo www.sciencealert.com