Nam thanh niên mắc "hội chứng đầu gục" do lạm dụng chất gây nghiện
(Dân trí) - Lần đầu tiên, y văn thế giới ghi nhận mối liên hệ giữa lạm dụng chất kích thích và hội chứng hiếm gặp khiến người bệnh không thể ngẩng đầu thẳng.
Các bác sĩ tại Đại học Y khoa Isfahan (Iran) mới đây đã công bố một trường hợp y học đặc biệt: Một nam thanh niên 23 tuổi được chẩn đoán mắc Kyphoscoliokyphosis cổ (CKS) - còn gọi là "hội chứng đầu gục" - sau nhiều năm sử dụng chất gây nghiện. Đây là lần đầu tiên giới y khoa ghi nhận mối liên hệ giữa việc lạm dụng chất kích thích và hội chứng nghiêm trọng này.
Hội chứng kỳ lạ khiến đầu gục gần 90 độ
Hội chứng CKS là một rối loạn thần kinh cơ hiếm gặp, đặc trưng bởi sự suy yếu nghiêm trọng của các nhóm cơ vùng cổ. Người mắc không thể giữ đầu ở tư thế thẳng, mà luôn cúi gập xuống, nhiều khi tạo thành góc gần 90 độ so với trục cột sống.

Nam thanh niên 23 tuổi mắc "hội chứng đầu gục" sau thời gian dài lạm dụng chất gây nghiện (Ảnh: Asian Spine Journal).
Trước nay, CKS thường chỉ xuất hiện ở bệnh nhân mắc bệnh lý thần kinh cơ như Parkinson, bệnh Charcot-Marie-Tooth hoặc trong các dị tật bẩm sinh.
Tuy nhiên, điều khiến giới chuyên môn chú ý là trường hợp bệnh nhân 23 tuổi nói trên không có tiền sử bệnh lý thần kinh hay di truyền nào rõ ràng. Thay vào đó, nguyên nhân gây bệnh lại đến từ một yếu tố hiếm thấy: Thói quen giữ đầu cúi gập trong thời gian dài sau mỗi lần sử dụng ma túy.
Nguyên nhân bất ngờ
Bệnh nhân sống tại Iran, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và từng trải qua rối loạn trầm cảm nặng. Trong nhiều năm, anh lạm dụng heroin, thuốc phiện và đặc biệt là amphetamine - một loại chất kích thích mạnh thường gây hưng phấn tạm thời.
Theo lời kể của chính bệnh nhân và người thân, sau mỗi lần sử dụng amphetamine, anh thường rơi vào trạng thái thụ động kéo dài, ngồi im trong tư thế đầu cúi gập.
Tình trạng này lặp lại suốt nhiều tháng, khiến đốt sống cổ dần biến dạng. Hình ảnh CT cho thấy các đốt sống C3, C4 và C5 bị gù vẹo nghiêm trọng, dù các dây thần kinh sọ và cơ bắp vẫn hoạt động bình thường.
Trước khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã từng thử điều trị bằng nhiều phương pháp, từ dùng thuốc đến vật lý trị liệu, nhưng không cải thiện.
"Anh ta không thể ngẩng đầu lên để nhìn thẳng. Đầu luôn rũ xuống như không có lực giữ", báo cáo từ nhóm bác sĩ mô tả.
Bệnh nhân phải qua 3 giai đoạn phẫu thuật
Trước diễn biến nghiêm trọng của ca bệnh, các bác sĩ đã quyết định tiến hành một ca phẫu thuật chỉnh hình cột sống cổ kéo dài nhiều giờ. Can thiệp được chia thành ba giai đoạn: Loại bỏ phần xương biến dạng, nắn chỉnh trục cổ và cố định bằng nẹp cột sống.
Ca phẫu thuật thành công. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân có thể đứng dậy, đi lại với sự hỗ trợ của nẹp cố định cổ. Sau ba ngày theo dõi, anh được xuất viện và chuyển sang chương trình điều trị tâm thần để cai nghiện. Một năm sau, tình trạng cột sống cổ ổn định trở lại, không tái phát và bệnh nhân cũng đã cai nghiện thành công.
Trong báo cáo đăng trên Asian Spine Journal, nhóm bác sĩ tại Đại học Y khoa Isfahan cho biết đây là ca đầu tiên trên thế giới ghi nhận hiện tượng CKS xuất phát từ hành vi lặp đi lặp lại khi sử dụng chất kích thích.
Chất gây nghiện không trực tiếp làm biến dạng xương, nhưng trạng thái hành vi bất thường mà nó gây ra - như giữ tư thế không tự nhiên trong nhiều giờ - lại âm thầm hủy hoại cơ xương.
Trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nói trên là một lời cảnh tỉnh không chỉ về tác hại của chất gây nghiện lên hệ thần kinh, mà còn về các hệ lụy ít được chú ý tới như tổn thương cơ xương và tư thế.
"Chúng ta thường chỉ nhấn mạnh tác động tâm lý hoặc thần kinh của ma túy, nhưng đây là minh chứng rõ ràng rằng hành vi đi kèm với nghiện cũng có thể tạo ra hậu quả thể chất nghiêm trọng", nhóm bác sĩ nhận định.
Ca bệnh này đồng thời mở ra hướng nghiên cứu mới về mối liên hệ giữa các rối loạn thần kinh - cơ xương - hành vi, đặc biệt trong nhóm người nghiện chất, vốn ngày càng gia tăng tại nhiều quốc gia.