Dự án săn lùng sự sống trên sao Hỏa bị trì hoãn do căng thẳng Nga - Ukraine
(Dân trí) - Dự án Tàu thăm dò ExoMars với sự hợp tác của Nga và châu Âu có khả năng bị hoãn tới năm 2028.

Xe tự hành ExoMars trong sứ mệnh khám phá sao Hỏa mới bị đình chỉ vì xung đột giữa Nga - phương Tây về vấn đề Ukraine (Ảnh: AP).
Phát biểu tại cuộc họp Nhóm Phân tích Chương trình Thăm dò Sao Hỏa ngày 3/5 vừa qua, Jorge Vago, nhà khoa học thuộc dự án ExoMars của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết Tàu thăm dò ExoMars, dự kiến sẽ cất cánh về phía Hành tinh Đỏ vào tháng 9, có thể bị trì hoãn ít nhất tới năm 2028 do ESA phải thay thế bệ hạ cánh do Nga chế tạo.
Hiện, ESA đang xem xét các lựa chọn của mình và sẽ sớm trình bày các kế hoạch khả thi cho các quốc gia thành viên.
ExoMars là dự án đầu tiên mà Nga và châu Âu hợp tác chặt chẽ và sâu sắc trong lĩnh vực vũ trụ. Mục đích chính của sự hợp tác này là tìm kiếm khí metan trong khí quyển trên Sao Hỏa nhằm phát hiện thêm về nguồn gốc của loại khí này trên hành tinh Đỏ.
Theo giới khoa học, khí metan có thể sinh ra trên cơ sở 2 quá trình khác nhau là địa chất học và sinh vật học. Trước đó, có nhiều tài liệu cho rằng khí metan từng tồn tại trên Sao Hỏa, cũng có ý kiến cho rằng khí này biến mất khỏi bầu khí quyển Sao Hỏa cách đây 100 năm. Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu nào cho thấy trên Sao Hỏa đã diễn ra những quá trình như thế, đặc biệt là không có sự hoạt động của núi lửa và cũng không có hoạt động sinh vật.
Được biết, để tiếp tục dự án ExoMars, ESA sẽ cần thêm một khoản vốn đầu tư đáng kể, vì sẽ cần các hệ thống thay thế cho một số công nghệ mà Nga chế tạo. Trong đó điển hình là rover (phương tiện di chuyển không người lái trên Sao Hỏa), vốn được định giá 1,3 tỷ euro (1,37 tỷ USD) và được thực hiện vào tháng 9/2022. Ngoài ra, cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga cũng là nhà cung cấp bệ hạ cánh, tên lửa đẩy và một số công nghệ quan trọng khác cho dự án.

Cách đây ít ngày, Nga đã quyết định rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) do các lệnh trừng phạt của phương Tây (Ảnh: Getty).
Trước đó, ESA đã chính thức ngừng hợp tác với Nga vào tháng 3/2022 sau khi các nước châu Âu áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt chống lại cường quốc vũ trụ trước động thái của họ với Ukraine. Điều này đã kéo theo một loạt các ảnh hưởng trong lĩnh vực hợp tác vũ trụ quốc tế.
Trong đó, chương trình ExoMars có lẽ chịu thiệt hại lớn nhất, vì nhiệm vụ chính của dự án vốn dĩ đã bị trì hoãn nhiều lần, và vượt quá khoản ngân sách đề ra. Đến trước tháng 3/2022, dự án cuối cùng cũng đã được khởi động, nhưng rốt cuộc lại một lần nữa bị gián đoạn.
Jorge Vago cho rằng mặc dù ESA có thể vẫn sẽ tiếp tục dự án ExoMars, thông qua việc mượn NASA một số công nghệ mà hiện tại họ chưa thể sản xuất, song sẽ cần ít nhất 6 năm nữa để có thể khởi động.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong trường hợp thuận lợi nhất, tàu thám hiểm ExoMars sẽ lên sao Hỏa với thời gian trễ hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu (Nhiệm vụ ban đầu dự kiến sẽ cất cánh vào năm 2018 nhưng đã bị hoãn lại do các vấn đề với dù hạ cánh).
Trên thực tế, NASA mới là đối tác ban đầu của ESA trong chương trình ExoMars, nhưng cơ quan của Mỹ đã rút lui vào năm 2012 sau khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama quyết định cắt giảm ngân sách từ dự án.
Vào thời điểm đó, sứ mệnh đã được "giải cứu" bởi Nga, khi họ bước vào để lấp đầy "dấu giày" của NASA.