Phát triển công nghệ của Nhật Bản: Bài học cho sự phát triển công nghệ của Việt Nam

Từ một quốc gia kiệt quệ sau chiến tranh, tới nay Nhật Bản đã vươn lên nhóm đầu thế giới về lĩnh vực công nghệ, điều này đến từ cả yếu tố con người lẫn chính sách quốc gia.

Sự phát triển thần tốc của Nhật Bản nhờ vào CNTT

Với nhiều điểm tương đồng trong chính sách phát triển trọng tâm vào CNTT, Việt Nam có thể học hỏi rất nhiều từ bài học thành công của xứ sở mặt trời mọc.

Nhật Bản hiện là một trong những thị trường CNTT lớn nhất thế giới hiện nay, chỉ xếp sau Mỹ và Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ kinh tế và công nghiệp Nhật Bản, giá trị ngành CNTT của quốc gia này ước tính lên tới 340 tỷ USD, đóng góp hơn 8% vào GDP quốc nội, chiếm gần 9% giá trị thị trường ICT toàn cầu.

Ngành công nghiệp ICT của Nhật Bản là một trong những ngành lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới, phát triển vô cùng nhanh chóng từ sau Thế chiến 2. Nhờ một loạt những nỗ lực của chính phủ Nhật Bản, ví như hạn chế đầu tư vốn nước ngoài, đề ra những biện pháp thuế đặc biệt nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích thành lập các dự án nghiên cứu và sản xuất, v.v… ngành công nghiệp ICT đã có mức phát triển 20% trong 10 năm liên tục kể từ năm 1955, và rồi đạt tới mức cạnh tranh quốc tế vào năm 1965.

Nhật Bản thay da đổi thịt nhanh chóng nhờ vào một phần của phát triển công nghệ.
Nhật Bản thay da đổi thịt nhanh chóng nhờ vào một phần của phát triển công nghệ.

Cuộc cách mạng kỹ thuật trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn vào những năm 80 đã dẫn đến sự cải thiện nhanh chóng về chất lượng cũng như chức năng của các sản phẩm trong ngành điện tử Nhật Bản. Vào giữa thập kỷ 80, các công ty Nhật Bản đã trở thành nguồn cung cấp linh kiện bán dẫn hàng đầu thế giới.

Vào năm 1990, không ai có thể phủ nhận sự thống trị của Nhật trong ngành công nghiệp chất bán dẫn toàn cầu. Trong số 20 nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới khi đó, các công ty đến từ Nhật Bản chiếm 55% doanh thu.

Đứng đầu ngành này là 3 hãng sản xuất thiết bị viễn thông (Fujitsu, Nec, Oki Electric), 3 hãng sản xuất điện tử (Hitachi, Toshiba, Mitsubishi Electric), 4 hãng sản xuất đồ điện dân dụng (Matsushita Electric, Sanyo Electric, Sony, Sharp). Trong đó, Fujitsu là công ty có công đầu đóng góp vào giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của Nhật Bản


Fujitsu – Một trong những công ty hàng đầu đóng góp vào GDP Nhật Bản

Fujitsu – Một trong những công ty hàng đầu đóng góp vào GDP Nhật Bản

Các công ty Nhật có ưu điểm là rất giỏi về ứng dụng kỹ thuật, đặc biệt là sản xuất đồ điện-điện tử có chất lượng cao với số lượng lớn. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng có truyền thống trong việc làm ra các đồ thủ công cực kỳ nhỏ, tỉ mỉ nên không mấy khó khăn khi bắt tay vào sản xuất các linh kiện bán dẫn tinh vi. Ngoài ra có một cơ cấu được áp dụng rộng rãi trong nhiều công ty là các công nhân luôn góp ý kiến để cải thiện chất lượng sản phẩm chứ không chỉ làm theo chỉ thị từ trên cao.

Ngành ICT Nhật Bản thuở sơ khai bao gồm 3 lĩnh vực là thiết bị IT công nghiệp, linh kiện điện tử và điện tử dân dụng - sản xuất và xuất khẩu nhiều hơn bất cứ ngành chế tạo nào ở Nhật Bản. Năm 1996, kim ngạch sản xuất của ngành điện tử Nhật Bản là 23.300 tỉ yen. So với kim ngạch 8,9 tỉ yen của năm 1948 sẽ thấy tăng 2.616 lần, và tỉ lệ tăng trung bình mỗi năm là 18%. Các sản phẩm điện tử công nghiệp, thiết bị viễn thông và máy vi tính trở thành những sản phẩm chính, trong khi các thị trường quốc tế về hàng điện tử dân dụng như máy quay video, máy CD cũng bị các công ty Nhật Bản thống trị.

Hiện nay, Nhật Bản đang chuyển hướng từ chế tạo, sản xuất phần cứng sang cung ứng các giải pháp phần mềm, ứng dụng CNTT sâu rộng vào cả đời sống và xây dựng một chính phủ điện tử toàn diện. Mục tiêu của Nhật Bản là trở thành nước tiến tiến nhất về IT. Theo đánh giá về chỉ số đầu tư cho ICT, Mỹ hiện đang dẫn đầu với tỷ lệ 35.4%, Nhật Bản xếp ở vị trí thứ hai với 16.8% và bỏ khá xa quốc gia đứng thứ ba là Đức với 6.5%.

Trước hết, Nhật Bản đặt mục tiêu phải có 20 triệu hộ gia đình sử dụng mạng với tốc độ rất cao (super high speed) và khoảng 1 triệu hộ dùng mạng tốc độ cao. Nhận định của những nhà lãnh đạo Nhật Bản là Internet đã làm thay đổi thế giới nên một trong những biểu trưng cho sự phát triển về IT chính là tốc độ truy cập mạng.

Việc thiết lập một chính phủ điện tử sẽ không chỉ tiến hành ở các bộ ngành và cơ quan của chính phủ mà còn ở tất cả các cơ quan hành chính của địa phương, các bệnh viện, trường học cũng như các cơ quan nhà nước khác. Đích đến sẽ là số hoá ở tất cả mọi nơi, càng nhiều càng tốt tạo nên một thành phố thông minh (smart city) dựa trên những tiến bộ của công nghệ IoT.

Bước đột phá công nghệ IoT

Tiếp theo là thương mại điện tử. Nhật Bản hướng tới tạo ra một môi trường an toàn và thuận lợi cho việc sử dụng Internet để tiến hành các cuộc giao dịch như từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B to B), từ doanh nghiệp tới khách hàng (B to C)...

Khi các mục tiêu chính của chiến lược Nhật Bản điện tử về cơ bản đã được thực hiện, chính phủ đề xuất chiến lược "u-Japan" với mục tiêu chuyển từ hạ tầng chủ yếu dựa trên dịch vụ hữu tuyến sáng tạo ra mạng phổ cập kết nối liền mạch dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến. Chữ u trong "u-Japan" không chỉ mang ý nghĩa là phổ cập mà còn là phổ quát, hướng đến người dùng và độc đáo.

Công nghệ IoT đang trở nên phổ biến tại Nhật Bản
Công nghệ IoT đang trở nên phổ biến tại Nhật Bản

Đối với Việt Nam trong những năm qua, dù bối cảnh khó khăn kinh tế nói chung của đất nước, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam vẫn là một điểm sáng và có kết quả phát triển tích cực. Với tổng doanh thu ước đạt 49,5 tỷ USD, công nghiệp CNTT năm 2015 đã tăng trưởng gần 15% so với doanh thu năm 2014. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngành CNTT-TT đã trở thành ngành đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước; trong đó riêng các doanh nghiệp CNTT-TT nằm trong nhóm V1000 (những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam) đã đóng góp tới 82.344 tỷ đồng, chiếm 10% ngân sách.

Điều này cho thấy tầm quan trọng to lớn của ngành CNTT trước sự phát triển của đất nước và rất cần đến những chính sách đồng bộ của chính phủ như những gì Nhật Bản đã làm để biến ngành công nghiệp này trở thành mũi nhọn của nền kinh tế.

Minh Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm